Đối tượng được cấp dưỡng
Trao đổi với phóng viên Báo PLVN, Luật gia Chu Văn Quân - Hội Luật gia Việt Nam cho biết, cấp dưỡng cho con là nghĩa vụ pháp lý mà cha hoặc mẹ phải thực hiện đối với con để bù đắp những tổn thất về mặt vật chất cho con khi con không được chung sống đồng thời với cha và mẹ.
Tại Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (HN&GĐ 2014) quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”. Như vậy, đối tượng được cấp dưỡng gồm: Con chưa thành niên và con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Quy định về mức cấp dưỡng
Luật sư Quân cũng cho biết, tại Điều 116 Luật HN&GĐ 2014 quy định mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận. Trường hợp không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Theo Nghị quyết số 02/2000/NĐ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật HN&GĐ năm 2000 có hướng dẫn như sau: “Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý”.
Hình thức cấp dưỡng
Tại Điều 117 Luật HN&GĐ 2014 có quy định, cấp dưỡng cho con được thực hiện theo hai hình thức là cấp dưỡng theo định kỳ và cấp dưỡng một lần. Việc lựa chọn hình thức nào trước hết dựa trên sự thỏa thuận giữa các bên, nếu các bên không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trong đó, cấp dưỡng định kỳ là hình thức thường được sử dụng trên thực tế. Cụ thể, các bên được thỏa thuận về nghĩa vụ cấp dưỡng bằng tiền hoặc tài sản theo hình thức định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm. Còn cấp dưỡng một lần là hình thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 18 Nghị định 70/2001 của Chính phủ. Hình thức cấp dưỡng này sẽ được áp dụng trong 4 trường hợp. Cụ thể:
Một là, người có nghĩa vụ cấp dưỡng có khả năng thực tế và được người cấp dưỡng đồng ý; Hai là, theo yêu cầu của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và được Tòa án đồng ý; Ba là theo yêu cầu của người được cấp dưỡng (hoặc người giám hộ) trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng thường xuyên có các hành vi phá tán tài sản hoặc cố tính trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng mà hiện có tài sản để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng một lần và được tòa án chấp nhận; Bốn là, theo yêu cầu của người trực tiếp nuôi con khi vợ chồng ly hôn mà có thể trích phần tài sản được chia của bên có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con thì có thể thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng một lần.
Cũng theo Luật sư Chu Văn Quân, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được cấp dưỡng, pháp luật cũng đã ghi nhận một số biện pháp và chế tài xử lý nhằm đảm bảo cho nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện trên thực tế. Theo đó, quyền được yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thi hành án cấp dưỡng cho con phải thực hiện nghĩa vụ theo Điều 119 Luật HN&GĐ 2014 và có thể trừ vào thu nhập của người có nghĩa vụ theo Điều 78 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014.
Mặt khác, người có nghĩa vụ cấp dưỡng trốn tránh hoặc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 100.000 đến 300.000 đồng theo quy định tại Điều 54 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Trường hợp hành vi trốn tránh hoặc từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng đủ các yếu tố cấu thành tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng” theo Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.