Quy định về hưởng chế độ thai sản khi sinh con

(PLVN) - Theo quy định, nếu lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc thì khi sinh con nếu đủ điều kiện sẽ được hưởng chế độ thai sản. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người lao động (NLĐ) vẫn chưa nắm rõ quyền lợi mà mình được hưởng từ chế độ này. 

Điều kiện hưởng chế độ thai sản

Bạn đọc Trúc Lê (Hà Đông, Hà Nội) hỏi: Từ tháng 4/2017 đến nay, tôi đi làm công ty và có tham gia BHXH. Tháng 5/2019 tôi bị sảy thai. Nay tôi đang mang thai được gần 5 tháng và dự sinh ngày 17/4/2020. Từ đầu tháng tới nay, tôi nghỉ ở nhà để dưỡng sức vì không đủ sức khỏe để đi làm. Cho tôi hỏi, nếu giờ tôi xin nghỉ hẳn việc tại công ty thì tôi có đủ điều kiện để hưởng tiền thai sản không? Nếu được thì tôi cần chuẩn bị giấy tờ gì? 

- Về điều kiện để lao động nữ được hưởng chế độ thai sản khi sinh con, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Khoản 2, khoản 3 Điều 31 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con là: Phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc lao động nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Khoản 4 Điều 31 Luật BHXH quy định: NLĐ đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều nêu trên mà chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc (HĐLV) hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Về việc xác định thời gian 12 tháng trước khi sinh con, Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) hướng dẫn Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định như sau: Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi; Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng BHXH, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi (nếu tháng đó không đóng BHXH thì thực hiện theo quy định nêu trên). Ví dụ: Tháng 8/2017, chị B chấm dứt HĐLĐ và sinh con ngày 14/12/2017, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 12/2016 đến tháng 11/2017.

Nếu đủ điều kiện, mức hưởng chế độ thai sản = Mức bình quân tiền lương đóng BHXH 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc x 100% x số tháng nghỉ việc do sinh con hoặc nuôi con nuôi.

Nếu tham gia BHXH bắt buộc, lao động nữ được nhận chế độ thai sản khi sinh con. Ảnh minh họa 

Thời hạn giải quyết hồ sơ hưởng chế độ thai sản

Bạn đọc có địa chỉ email irisnguyen…@gmail.com hỏi, bạn phải liên hệ với ai khi mà đã nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản hơn 1 tháng nhưng chưa có kết quả phản hồi?

- Về vấn đề này, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trả lời: Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2019 của Bộ LĐ-TB&XH thì: NLĐ có trách nhiệm nộp hồ sơ theo quy định cho người sử dụng lao động nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.

Trường hợp NLĐ thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ và xuất trình sổ BHXH cho cơ quan BHXH nơi cư trú. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ NLĐ, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ nộp cho cơ quan BHXH.

Trách nhiệm giải quyết của cơ quan BHXH: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan BHXH phải giải quyết và tổ chức chi trả cho NLĐ; Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ NLĐ thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi, cơ quan BHXH phải giải quyết và tổ chức chi trả cho NLĐ.

Trường hợp cơ quan BHXH không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Theo đó, căn cứ vào quy định trên, nếu bạn nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động (cơ quan bạn làm việc) bạn liên hệ với cơ quan bạn làm việc để được giải đáp. Trong trường hợp bạn gửi hồ sơ trực tiếp cho cơ quan BHXH, bạn liên hệ lại với cơ quan BHXH mà bạn đã nộp để được giải đáp.

Công ty không làm hồ sơ hưởng chế độ thai sản, NLĐ làm thế nào?

Bạn đọc có địa chỉ email lehuutri.tech...@gmail.com hỏi: Vợ tôi đã tham gia BHXH được hơn 18 tháng. Nhưng hiện công ty của vợ đang làm không chịu làm thủ tục để vợ tôi được hưởng chế độ thai sản sau khi sinh con. Như vậy, công ty làm đúng hay sai? Và tôi có thể tự làm thủ tục hưởng chế độ thai sản cho vợ hay không? Nếu có mong quý cơ quan hướng dẫn cho tôi thủ tục để làm.

- Đối với trường hợp này, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, nếu trường hợp vợ bạn đủ điều kiện theo những quy định đã nêu ở trên thì vợ bạn được hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Theo đó, trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ từ NLĐ thì đơn vị sử dụng lao động (nơi vợ bạn tham gia BHXH) sẽ có trách nhiệm nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH để giải quyết chế độ khi vợ bạn sinh con.

Trường hợp công ty không làm thủ tục đề nghị giải quyết hưởng chế độ thai sản đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ bạn thì vợ bạn có thể khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện công ty theo quy định tại khoản 8 Điều 18 Luật BHXH.

Đọc thêm