Sáng nay (14/4), Đoàn giám sát Đoàn ĐBQH TP Hà Nội phản ánh tại cuộc giám sát "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch xây dựng đô thị và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị từ năm 2011 đến 2016 trên địa bàn TP Hà Nội" đối với Sở Quy hoạch kiến trúc và Sở Xây dựng TP.
Không cấp phép chung cư cao tầng trong nội đô lịch sử
Dẫn lại nhận xét của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung về tình trạng “quy hoạch đang băm nát Thủ đô”, bà Trần Thị Phương Hoa - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội, thành viên Đoàn giám muốn làm rõ trách nhiệm của Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) nhất là trước tình trạng nhà chung cư cao tầng vẫn đang tiếp tục được xây dựng và kéo theo số lượng lớn dân cư vào nội đô.
ĐB Hoàng Văn Cường - Hiệu trường Đại học Kinh tế Quốc dân băn khoăn vì sao theo quy định, khu vực nội đô (từ nam Sông Hồng đến Vành đai 2) là khu vực hạn chế phát triển nhà cao tầng (tối đa chỉ 21 -29 tầng, kể cả cải tạo chung cư, nhà tập thể cũ) nhưng lại nổi lên những công trình quá tầng.
|
ĐB Hoàng Văn Cường - Hiệu trường Đại học Kinh tế Quốc dân |
Cùng với đó, nhiều khu đô thị mới xây dựng như Trung Hòa – Nhân Chính, Hà Đông… nhưng giao thông đã ùn tắc nghiêm trọng cả khi chưa được “lấp đầy” khiến nhiều người lo ngại 20 năm nữa sẽ “nghẽn” như khu vực Đống Đa hiện nay.
Theo ông Lê Vinh – Giám đốc Sở QHKT TP, chính quy mô dân số tăng đã “phá vỡ” quy hoạch chung. Nhiều năm TP luôn quy hoạch hạn chế phát triển nhà cao tầng.
"Hiện TP không cấp phép xây dựng chung cư cao tầng tại khu lõi mà chỉ cấp phép cho các dự án chung cư cao tầng ngoài Vành đai 2. Các dự án chung cư cao tầng trong khu lõi hiện là các dự án cải tạo chung cư cũ" - ông Vinh cho biết.
Phủ nhận việc “chung cư hút dân về nội đô” làm ảnh hưởng đến chủ trương giãn dân, Giám đốc Sở QHKT lý giải “do năng lực đầu tư hạ tầng ra bên ngoài chưa đáp ứng để giãn dân”.
Còn nếu không xây cao tầng thì không thể đáp ứng nhu cầu nhà ở khi mức tăng dân số cơ học của TP rất cao. Dân số Hà Nội hiện đã đạt mức tương ứng với mức dự kiến cho năm 2030.
Hơn 100 chung cư cũ phải kiểm định
Báo cáo của Sở QHKT cho biết, trong khu vực nội đô lịch sử của TP hiện có khoảng 308 công trình cao tầng (nhóm 1) hiện hữu hoặc đã được cấp phép xây dựng và đang thi công (70 công trình được xây dựng hoặc cấp phép xây dựng từ thời điểm sau Quy hoạch chung đến nay).
Khoảng 205 dự án công trình và tổ hợp công trình (nhóm 2) đang xem xét theo các quy hoạch, trong đó có 30 dự án cải tạo, xây dựng chung cư, tập thể cũ.
|
Hà Nội xác định 4 nhà chung cư cũ cần đầu tư cải tạo ngay |
Giải thích rõ thêm về tình hình nhà chung cư cũ, ông Trần Việt Trung – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, TP có 1.567 nhà chung cư, tập thể cũ, đã kiểm tra 179 nhà chung cư, trong đó có 103 chung cư phải kiểm định.
Quá trình kiểm định xác định 4 nhà chung cư cần đầu tư ngay tại D8 Giảng Võ, A2 Ngọc Khánh, G6A Thành Công và Nhà tập thể của Bộ Tư pháp (quận Ba Đình).
Tuy nhiên, do còn vướng mắc về cơ chế, chính sách nên tiến độ cải tạo nhà chung cư, tập thể cũ còn rất chậm. Vì thế, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội, Trưởng đoàn giám sát - đặt vấn đề: “TP nghĩ sao về đề xuất đưa dần chung cư ra khỏi khu vực lõi?”.
Theo ông Hiểu, chủ đầu tư thường nghĩ đến lợi nhuận nhưng quy hoạch “cho tương lai” thì phải hài hòa lợi ích của nhà nước, chủ đầu tư và người dân, thậm chí thời gian đầu Nhà nước “cũng phải chịu thiệt một chút”.
Xử lý vi phạm trật tự xây dựng chưa thống nhất
Báo cáo của Sở Xây dựng TP khẳng định, các trường hợp xây dựng không phép, trái phép “không còn tràn lan như trước” song do quản lý không chặt nên thời gian gần đây vẫn còn xuất hiện nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng.
Trước thông tin của Sở Xây dựng về việc “không ít trường hợp chủ đầu tư coi thường pháp luật, cố tình vi phạm”, thành viên Đoàn giám sát thắc mắc: “những công trình không phép là do dân làm liều không xin phép hay do quy định không thể cấp phép?”.
Giải đáp vấn đề này, ông Trần Việt Trung – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP cho biết, Sở đã cấp 602 giấy phép cho các công trình trên địa bàn các quận, huyện. Ngoài ra, các quận, huyện cũng cấp phép cho hàng nghìn công trình theo thẩm quyền.
Song theo đánh giá của Sở Xây dựng, việc “xử lý các công trình vi phạm còn chưa kiên quyết, chưa đáp ứng yêu cầu, tiến độ, chế tài chưa đủ mạnh” .
TP đã kiểm tra 56.339 công trình xây dựng thì có 6.627 vi phạm trật tư xây dựng, trong đó 2.623 công trình xây dựng không phép; 1.622 vi phạm sai phép, quy hoạch, thiết kế.
Đình chỉ 5.5105 trường hợp. Ban hành 3.758 quyết định xử phạt, với tổng số tiền gần 58 tỷ đồng. Cưỡng chế 1.010 trường hợp.
Đưa ra nguyên nhân, ông Trần Việt Trung cho rằng, hiện tại việc xử lý vi phạm chủ yếu dựa vào Luật XLVPHC với mức phạt thấp chưa đủ sức răn đe.
Vi phạm xảy ra trên nhiều loại đất khác nhau, việc chưa có hành lang pháp lý thống nhất về quy trình xử lý vi phạm nên các địa phương áp dụng chưa đồng bộ, không thống nhất về trình tự, thời gian và thẩm quyền xử lý, khiến tình trạng khiếu kiện liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng đô thị vẫn xảy ra ở nhiều nơi.
Trước thực trạng công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị của Thủ đô còn nhiều vấn đề, Đoàn giám sát đề nghị TP tiếp tục nâng cao chất lượng qui hoạch đảm bảo tính hiện đại, hệ thống, tầm nhìn, bền vững… như để thể hiện “trách nhiệm với con cháu”.
“Công tác quy hoạch phải “tạo điểm nhấn cho Thủ đô, nhất là ở vùng lõi. Quan tâm đến việc quản lý sau quy hoạch về trật tự xây dựng” – ông Hiểu thay mặt Đoàn giám sát nói.