Quy hoạch đô thị Thanh Hóa thành Trung tâm kết nối vùng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thủ tướng Chính phủ mới ký Quyết định số 259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Bản quy hoạch đặt ra mục tiêu nâng cao vai trò, vị thế của đô thị Thanh Hóa thành trung tâm kết nối vùng kinh tế Bắc Trung bộ với các vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc nước Lào.
Hình ảnh minh họa.
Hình ảnh minh họa.

Phạm vi lập Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 gồm toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn với tổng diện tích khoảng 22.821ha. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra tầm nhìn mới, tạo ra thế và lực mới cho sự phát triển của thành phố Thanh Hóa trong tương lai.

Đáng nói, bản quy hoạch đặt ra mục tiêu nâng cao vai trò, vị thế của đô thị Thanh Hóa thành trung tâm kết nối vùng kinh tế Bắc Trung bộ với các vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc nước Lào, với tầm nhìn là một đô thị văn minh, hiện đại, thông minh và có bản sắc; phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh ứng phó với biến đổi khí hậu; phát huy truyền thống và lịch sử văn hóa Đồng bằng sông Mã và văn hóa Đông Sơn.

Cùng với đó là đặt mục tiêu, xây dựng đô thị Thanh Hóa là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm tổng hợp của tỉnh Thanh Hóa. Đáp ứng vai trò đầu tàu kết nối, trung tâm động lực phát triển mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật và an ninh quốc phòng của tỉnh Thanh Hóa.

Quy hoạch mở rộng đô thị để thu hút đầu tư, phát triển đa dạng các ngành công nghiệp và dịch vụ thương mại, du lịch văn hóa - lịch sử - sinh thái với định hướng phát triển đô thị mạnh về dịch vụ, phát triển các quỹ đất để phát triển nhà ở và thị trường bất động sản; hoàn thiện và nâng cao chất lượng công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối, hệ thống hạ tầng xã hội vì chất lượng sống nhân dân.

Quy hoạch dựa trên, cấu trúc phát triển đô thị Thanh Hóa được xác định trên cơ sở kế thừa và điều chỉnh cấu trúc hình thành thành phố Thanh Hóa và định hướng phát triển Vùng trung tâm tỉnh Thanh Hóa (vùng liên kết gồm thành phố Thanh Hóa - thành phố Sầm Sơn - huyện Hoằng Hóa - huyện Quảng Xương - huyện Đông Sơn).

Đồng thời, điều chỉnh mô hình phát triển dạng vành đai xuyên tâm của thành phố Thanh Hóa thành mô hình vành đai mở kết hợp mạng lưới mềm dựa trên cơ sở địa hình, cảnh quan tự nhiên. Tiếp tục lấy trục Đại lộ Lê Lợi làm không gian trung tâm của đô thị; tăng cường các dải đô thị song song với trục cảnh quan sông Mã; hình thành vành đai số 3 kết nối các dải đô thị. Lấy trung tâm đô thị hiện hữu làm hạt nhân, hình thành khung cấu trúc đô thị 3 trục phát triển - 6 trung tâm - 1 hành lang sinh thái tự nhiên.

Cụ thể, ba trục chính bao gồm: Trục truyền thống - theo hướng Bắc - Nam dọc Quốc lộ 1A cũ, nối các khu vực phát triển truyền thống của đô thị gồm khu vực Hàm Rồng; khu vực Hạc Thành và khu vực cầu Quán Nam. Trục động lực: Theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, từ đường nối trung tâm thành phố đi cảng hàng không Thọ Xuân qua Đại lộ Lê Lợi, Đại lộ Nguyễn Hoàng đi biển Hải Tiến nối các khu vực phát triển có vai trò động lực phát triển mới. Trục đổi mới: Theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, theo các trục đường Quốc lộ 45, Quốc lộ 47, Đại lộ Đông - Tây, Đại lộ Nam sông Mã; nối các khu vực phát triển đô thị hiện đại từ nút giao Đông Minh, qua ga đường sắt cao tốc, qua trung tâm hiện hữu của thành phố, nối với khu đô thị mới Đông Nam thành phố, kết nối với thành phố du lịch biển Sầm Sơn.

Các trung tâm tích hợp gồm 6 trung tâm chủ yếu. Trung tâm hiện hữu với chức năng trọng tâm là trung tâm hành chính, chính trị của thành phố và của cả tỉnh Thanh Hóa. Trung tâm Hàm Rồng – Núi Đọ với chức năng trọng tâm là du lịch, văn hóa lịch sử và cảnh quan sinh thái. Trung tâm Đông Nam với chức năng trọng tâm là Trung tâm Thể dục thể thao cấp tỉnh, dịch vụ khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực và đô thị mới theo hướng liên kết thành phố Thanh Hóa với thành phố Sầm Sơn và vùng đô thị hóa theo trục đường ven biển. Trung tâm Đông Bắc với chức năng trọng tâm là dịch vụ thương mại khu vực Bắc sông Mã và đô thị mới theo hướng liên kết thành phố Thanh Hóa với vùng đô thị hóa huyện Hoằng Hóa và vùng phía Bắc tỉnh Thanh Hóa.

Trung tâm phía Tây với chức năng trọng tâm là công nghiệp, dịch vụ vận tải, logistics, dịch vụ đầu mối nông lâm sản theo hướng liên kết với các khu vực đô thị hóa phía Đông các huyện Triệu Sơn, Thiệu Hóa và vùng phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Trung tâm phía Tây Nam với chức năng trọng tâm là nông nghiệp đô thị và trung tâm dịch vụ y tế chất lượng cao theo hướng liên kết với các khu vực đô thị hóa các huyện Quảng Xương, Nông Cống và vùng phía Nam tỉnh Thanh Hóa.

Hành lang sinh thái tự nhiên hai bên bờ sông Mã. Hình thành các công viên phù hợp với điều kiện thủy văn và cảnh quan bên sông kết hợp với khu vực Hàm Rồng - Núi Đọ trở thành không gian mở chính của đô thị Thanh Hóa.

Ngoài ra, theo từng khu vực gắn với các trung tâm tích hợp sẽ hình thành các không gian mở theo hướng kết hợp với hệ thống cảnh quan đồi núi, sông ngòi sẵn có trong đô thị như Núi Rừng Thông, Núi Nhồi, Mật Sơn, hệ thống sông Hoàng, sông Lý, sông Nhà Lê, sông Thống Nhất. Hoàn chỉnh các công viên tại khu vực trung tâm gồm: Công viên Hội An, Công viên Thanh Quảng, Công viên Hồ Đồng Chiệc, Công viên Khu đô thị Nam Thành phố, Công viên Văn hóa xứ Thanh, hệ thống Công viên vui chơi giải trí tại khu vực Hàm Rồng - Núi Đọ và các công viên khu vực khác. Hoàn chỉnh các quảng trường tại khu vực trung tâm hiện hữu gồm: Quảng trường Lam Sơn, Quảng trường Lê Lợi, Quảng trường Hàm Rồng chiến thắng; xây dựng các quảng trường mới tại Khu đô thị Đông Hương, quảng trường tại Khu đô thị Đông Nam thành phố và các quảng trường khu vực khác.

Đọc thêm