Ở nước ta, để biết một văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) còn hiệu lực hay không, người tra cứu phải thực hiện rất nhiều thao tác, mất rất nhiều công sức, tốn kém và lãng phí thời gian. Kết quả điều tra khảo sát cho thấy: 63,1% số người được hỏi cho rằng “việc xác định hiệu lực VBQPPL vào một thời điểm nhất định là khó khăn”.
Thực trạng bất cập trong việc ban hành, kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện VBQPPL đã gây ra những hệ quả không mong muốn. Minh họa: NOP |
Nhu cầu thực tế từ cuộc sống
Dự án Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL đang được Chính phủ khẩn trương hoàn thiện trước khi tiếp tục đưa ra thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, bộ pháp điển nếu được hoàn thành theo quy định của Pháp lệnh này sẽ có giá trị sử dụng tin cậy, có tác dụng hạn chế việc bỏ sót QPPL khi áp dụng, khắc phục tình trạng áp dụng quy phạm đã hết hiệu lực, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí và nguồn lực trong việc tìm kiếm và áp dụng QPPL.
Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL cho thấy, trong một số lĩnh vực pháp luật, số lượng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn luật là rất lớn, đến nay chưa được thống kê đầy đủ. Chỉ đơn cử trong hai nhiệm kỳ khóa XI và XII, Quốc hội đã ban hành 151 luật và 48 pháp lệnh.
Theo số liệu của Chính phủ, chỉ trong năm 2010, Chính phủ đã ban hành 122 nghị định. Trong khi đó, theo thống kê từ Cơ sở dữ liệu Luật của Văn phòng Quốc hội, tính đến tháng 02/2009, tổng số VBQPPL còn hiệu lực thi hành là 19.095 văn bản. Trong vòng 5 năm (2005-2009), Việt Nam đã ban hành 20.569 văn bản pháp luật, lớn hơn cả số 14.641 văn bản pháp luật được ban hành trong 18 năm trước đó (1987-2004). Sự tồn tại một số lượng lớn VBQPPL như vậy đã gây nhiều khó khăn cho việc tiếp cận, tra cứu.
Bộ Tư pháp cũng cho biết, ở các nước phát triển, việc pháp điển các văn bản QPPL đã được tiến hành từ khá lâu. Ở Việt Nam, thời gian qua, trước nhu cầu thực tế bức xúc, một số cơ quan nhà nước như Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các bộ: Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường… đã lập những cơ sở dữ liệu pháp luật ban đầu. Một số công ty luật, tổ chức tư nhân đã xây dựng cơ sở dữ liệu riêng có thu phí các đối tượng sử dụng. Một số nhà xuất bản cũng tập hợp văn bản trên từng lĩnh vực pháp luật để xuất bản.
Tuy nhiên, các cơ sở dữ liệu này không phải là kết quả của pháp điển mà chỉ tập hợp những văn bản liên quan đến ngành, lĩnh vực của mình; chưa phân biệt rõ văn bản còn và hết hiệu lực; các văn bản thường được sắp xếp theo thời gian hoặc theo cơ quan ban hành; các quy phạm không được sắp xếp hợp lý theo từng vấn đề, nên việc tra cứu, tìm kiếm các quy phạm cần thiết là rất khó khăn. Hơn nữa, việc tập hợp, sắp xếp các QPPL của các cơ sở dữ liệu này là không chính thức, nên chưa có cơ sở để khẳng định sự đầy đủ và độ tin cậy.
Trước yêu cầu cấp bách và vai trò quan trọng của việc pháp điển hệ thống QPPL, Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 (Điều 93) quy định “quy phạm pháp luật phải được rà soát, tập hợp, sắp xếp thành bộ pháp điển theo từng chủ đề” và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định vấn đề này. Như vậy, có thể nói việc sớm ban hành Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật là hết sức cần thiết.
Hữu ích cho cả người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước
Có thể khẳng định, số lượng các VBQPPL ngày càng nhiều lại không được hệ thống hóa, pháp điển hóa đang là khó khăn lớn cho việc xác định các quy định nào của các VBQPPL là các quy định đang còn hiệu lực và đang được áp dụng ở Việt Nam. Trong khi đó, nhu cầu tìm hiểu để thực hiện đúng pháp luật đang ngày càng trở thành nhu cầu bức xúc của xã hội.
Thêm vào đó, thực trạng bất cập trong việc ban hành, kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện VBQPPL đã gây ra những hệ quả không mong muốn đối với cả cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Đơn cử, rủi ro khi thi hành pháp luật do không biết chính xác nội dung quy định và hiệu lực của quy định hiện hành sẽ dẫn đến sự thiếu công bằng và bất bình đẳng về cơ hội kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Đây là một trong những cơ hội cho một số cán bộ, công chức nhà nước lạm quyền, áp dụng “linh hoạt” quy định của pháp luật để thuận tiện cho việc quản lý. Đây cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm gia tăng tình trạng tham nhũng hiện nay. Đối với Nhà nước, hệ thống pháp luật đồ sộ làm lãng phí thời gian và công sức của công chức nhà nước trong việc tìm kiếm và xác định hiệu lực của văn bản, trong khi họ phải xử lý một khối lượng công việc hàng ngày rất lớn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải và tạo thêm áp lực lớn đối với công chức nhà nước.
Để góp phần khắc phục tình trạng này, một trong những giải pháp cần thiết phải thực hiện là pháp điển hệ thống QPPL. Pháp điển hệ thống QPPL giúp doanh nghiệp và người dân có thể được hưởng một chính sách hợp lý, rõ ràng, minh bạch và không phải mất nhiều thời gian cho việc tìm kiếm văn bản; giảm rủi ro cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát sinh từ việc nhầm lẫn và không chắc chắn về các nghĩa vụ pháp lý liên quan. Bên cạnh đó, pháp điển hệ thống QPPL giúp cho hệ thống pháp luật được minh bạch, qua đó, tăng tỷ lệ tuân thủ của doanh nghiệp, giảm chi phí kiện tụng, chi phí nghiên cứu pháp luật đối với doanh nghiệp, giảm vi phạm pháp luật và khiếu kiện, đồng thời thu hút đầu tư và tạo công ăn việc làm nhiều hơn.
Trong lĩnh vực pháp luật đầu tư, số liệu thống kê vào tháng 4/2008 cho thấy, với 134 trang văn bản luật thì có đến 3.471 trang văn bản hướng dẫn thi hành. Tính trung bình, cứ 1 trang Luật Đất đai có 19,5 trang văn bản hướng dẫn thi hành; đối với Luật Xây dựng, tỷ lệ này là 12,5 trang; đối với Luật Đầu tư là 8 trang và Luật Môi trường là 8 trang. |
Lan Phương