Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Kinh tế phát triển hài hòa với văn hóa, xã hội

(PLVN) -  Đây là ý kiến được Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh trong phát biểu chỉ đạo Phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phiên họp diễn ra ngày 16/12.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Bốn nhiệm vụ trọng tâm

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) Vũ Hồng Thanh cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nội dung khó và mới, thời gian thực hiện gấp rút, khối lượng tài liệu lớn lên đến hàng nghìn trang. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đã chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa.

Ông Vũ Hồng Thanh cho hay, trong giám sát tối cao của QH về quy hoạch, xác định Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách. Trong năm 2022 có thể không hoàn thành toàn bộ hệ thống quy hoạch nhưng cần phải ưu tiên hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia để cụ thể hóa thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, định hướng, dẫn dắt cho các quy hoạch khác như Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, các quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương và các quy hoạch cấp dưới. Theo dự kiến, qua công tác thẩm tra nếu đủ điều kiện, nội dung này sẽ được trình Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến tại Phiên họp thứ 18 kéo dài (dự kiến vào ngày 21/12) và trình QH tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu rõ 4 nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch. Một là, hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hai là, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới.

Ba là, phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của quốc gia. Lựa chọn một số địa điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp phát triển khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để góp phần ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh.

Bốn là, hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây, các vành đai kinh tế ven biển; kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Phát triển các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các vùng động lực, vùng đô thị lớn.

Xem xét các vấn đề đã đủ chín, đủ rõ để trình Quốc hội

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận về hồ sơ, tờ trình; sự phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tính khả thi và điều kiện bảo đảm nguồn lực thực hiện Quy hoạch… Các đại biểu chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến hạn chế, yếu kém trong tổ chức không gian phát triển đất nước giai đoạn vừa qua như phát triển dàn trải, thiếu quy hoạch mang tính tổng thể quốc gia, phát triển bền vững chưa trở thành tư duy chủ đạo trong hoạch định và thực hiện chính sách phát triển... Từ đó, các đại biểu khẳng định sự cần thiết thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia. Quy hoạch tổng thể quốc gia cần cụ thể hóa rõ các quan điểm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2030, dựa trên quan điểm phát triển bao trùm, nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn; phát huy lợi thế các vùng miền, phát triển hài hòa với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường...

Để hoàn thiện hồ sơ, báo cáo thẩm tra, Phó Chủ tịch QH đề nghị triển khai các công việc bảo đảm yêu cầu, tiến độ đề ra; khẩn trương tổng hợp ý kiến tham gia của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH; bám sát Kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Luật Quy hoạch 2017 để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch và dự thảo Nghị quyết.

Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh, Quy hoạch xác định không gian phát triển là chủ yếu, không phải nội dung nào cũng đưa vào quy hoạch và nội dung quy hoạch tổng thể cũng không thể quá chi tiết. Cần phải tổ chức hội thảo quốc gia về nội dung này nhằm huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu tiếp thu kỹ lưỡng các nội dung.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải đánh giá cao Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan hữu quan trong việc nỗ lực hoàn thiện hồ sơ, tài liệu. Lưu ý thời gian theo kế hoạch không còn nhiều, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, tập hợp các ý kiến góp ý để hoàn thiện hồ sơ, báo cáo. Đề nghị Ủy ban Kinh tế của QH tập trung làm rõ các nội dung, xem xét các vấn đề đã đủ chín, đủ rõ, đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ QH, QH.

Đọc thêm