Quy hoạch “treo” ngược dân

Đã hơn 6 năm nay, 400 nhân khẩu xóm Khe, tổ 16, Khu vực 5, phường An Tây (TP Huế) sống trong cảnh tạm bợ, khổ sở vì vướng phải quy hoạch “treo”, không được cải tạo, sửa chữa nhà cửa.

Đã hơn 6 năm nay, 400 nhân khẩu xóm Khe, tổ 16, Khu vực 5, phường An Tây (TP Huế) sống trong cảnh tạm bợ, khổ sở vì vướng phải quy hoạch “treo”, không được cải tạo, sửa chữa nhà cửa.

Nỗi khổ bị “treo”

Từ những năm 1990, 400 cư dân về định cư ở khu vực này, tự khai phá vùng đất hoang do vậy đất không có Giấy Chứng nhận sử dụng đất (GCN) ở. Năm 2004, khu đất này lọt vào khu quy hoạch Dự án xây dựng “Làng biệt thự Thủy Trường”. Nhưng 6 năm qua, dự án vẫn “án binh bất động” và người dân mòn mỏi chờ được giải tỏa về nơi ở mới. 

 Lối nhỏ dẫn vào khu dân cư lởm chởm đất đá, không được nâng cấp sửa chữa.

Cũng chừng đó thời gian, cả khu dân cư sống trong khổ cực. Họ làm đơn xin bắt nước máy về dùng, nhưng khi nước được kéo về tới đầu xóm thì chính quyền đia phương cản trở vì đất “đã nằm trong quy hoạch”. Vậy nên, 4 cái giếng nước tự đào vẫn là nguồn nước chính của người dân. Nhưng đáng nói là sát ngay những ngôi nhà của các họ là khu  nghĩa địa, nước có mùi tanh và váng bẩn. Còn nhà cửa thì lụp xụp, tạm bợ; mỗi mùa mưa bão đến lại nước ngập vào nhà…

Khi dân xin đấu nối điện, địa phương không cho phép cũng vì lý do là “đất đã vướng dự án”, nên người dân vẫn mua điện của các hộ gia đình gần đó bằng những đường dây tạm bợ, có hộ không đủ tiền kéo dây thì vẫn “chung tình” với kiếp đèn dầu. Cứ thế, cuộc sống trong khu dân cư cái gì cũng tạm, đến như con đường dẫn vào xóm cũng lởm nhởm đất đá mấy năm qua không hề được đầu tư nâng cấp sửa chữa, chỉ là một lối nhỏ dẫn vào thôn đủ lọt cái xe xích lô. Mặc cho bà con đã có ý góp tiền tự làm những vẫn không được đồng ý…

“Bà con tui mấy năm sống khổ sở lắm, nhà chật người đông, muốn nới hiên cũng không được, cũng không dám sắm sanh vật dụng vì sợ mùa mưa bão lại hỏng hóc…” bà Nguyễn Thị Hương than thở.

Sống khổ đến bao giờ?

Trước khi nhận quyết định có dự án, các hộ dân đã làm nhà và sinh sống được hơn chục năm, nhưng vẫn chưa có giấy tờ nhập khẩu chính thức từ cơ quan quản lý hành chính của khu vực.

Nhiều trẻ sinh ra, do không có sổ hộ khẩu nên rấ khó khăn trong học tập

Một hệ lụy không nhỏ là hầu hết tất cả thanh niên trong khu vực đêu chưa được cấp Chứng minh thư nhân dân, nên không thể đi làm ăn xa hay xin việc. Đó là một trong những khó khăn mà dẫn đến lớp thanh niên đến tuổi lao động nhưng không có việc làm chỉ quanh quẩn trong khu vực và thành phố. Làm các nghề bốc vác, chạy xích lô, hay đi xe ôm, rất dễ lao vào cá tệ nạn xã hội…

Ngoài ra, do không được cấp sổ hộ khẩu gia đình nên các đôi vợ chồng trẻ đều cưới nhau nhưng không có hôn thú và những đứa con sinh ra đều mang họ mẹ. Các em ở độ tuổi đi học chỉ học chưa hết cấp 3, khi học đến cấp 3 nếu không có giấy CMTND  thì không thể tham dự thi đại học, cũng vì thế mà trong khu vực chưa có ai đậu đại học.

Ông Hồ Xuân Cải – Phó Trưởng CA phường Trường An cho biết: “Chúng tôi cũng muốn có thể cấp giấy CMTND và sổ hộ khẩu cho nhân dân. Nhưng có điều vướng mắc ở chỗ họ đang nằm trong diện gải tỏa, và giấy tờ của họ tại địa phương cũng còn chưa đầy đủ”.

Những giếng nước tự đào, bên cạnh khu nghĩa địa là nguồn nước sinh hoạt chính cho những hộ dâ nơi đây.

Còn bà Đỗ Thị Thanh Mai, Chủ tịch UBND phường Trường An cho biết “Hiện đất của các hộ dân trong tổ 16, khu vực 5 đã được bàn giao cho dự án xây dựng “khu biệt thự  Thủy Trường”, được biết tỉnh đã giao cho đơn vị giải tỏa là Công ty xây lắp Thừa Thiên – Huế, nhưng vẫn chưa thấy được triển khai”.

Một dự án đã được ký phê duyệt hơn 6 năm nay, vẫn nằm trên giấy tờ, các hộ dân chờ dự án triển khai nhưng mỏi mòn suốt 6 năm nay vẫn đang là dấu chấm hỏi. Cứ mỗi mùa mưa lụt người dân lại đưa nhau “chạy” lụt, câu hỏi đặt ra là người dân còn phải chờ đến khi nào?

Ngô Phú An
                  

Đọc thêm