Quy hoạch xây dựng Vùng huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đến năm 2040

(PLVN) - UBND tỉnh Bắc Giang mới có Quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng Vùng huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đến năm 2040, tỷ lệ 1/25.000.
Hình ảnh minh họa.
Hình ảnh minh họa.

Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới 19 đơn vị hành chính xã thuộc huyện Lục Ngạn hiện nay gồm: Giáp Sơn, Phì Điền, Đồng Cốc, Phú Nhuận, Đèo Gia, Biển Động, Tân Hoa, Kim Sơn, Biên Sơn, Hộ Đáp, Cấm Sơn, Tân Sơn, Tân Quang, Tân Lập, Phong Minh, Phong Vân, Sa Lý, Sơn Hải, Tân Mộc, một phần diện tích xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn (phần diện tích không nằm trong phạm vi quy hoạch chung đô thị Chũ, tỉnh Bắc Giang) và một phần diện tích của xã Phúc Sơn, huyện Sơn Động (thuộc Trường bắn Quốc gia KV1).

Theo Quyết định của UBND tỉnh, quy mô diện tích 856,88km2. Trong đó tổng diện tích tự nhiên của 19 xã và phần diện tích của xã Thanh Hải (phần diện tích không nằm trong phạm vi quy hoạch chung đô thị Chũ, tỉnh Bắc Giang) khoảng 631,15km2; diện tích trường bắn Quốc gia TB1, phần thuộc huyện Lục Ngạn khoảng 149,8km2; diện tích trường bắn Quốc gia TB1, phần thuộc xã Phúc Sơn, huyện Sơn Động khoảng 75,93km2.

Ranh giới vị trí lập quy hoạch phía Bắc giáp tỉnh Lạng Sơn; phía Nam giáp huyện Lục Nam, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang; phía Đông giáp huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang; phía Tây giáp tỉnh Lạng Sơn và thị xã Chũ (tương lai), tỉnh Bắc Giang.

Về tính chất, xây dựng Vùng huyện Lục Ngạn là một trong những vùng nguyên liệu nông - lâm sản chất lượng cao (đặc biệt là cây ăn quả, rừng sản xuất...), phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, lâm nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả… Một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ du lịch sinh thái, văn hóa, lễ hội vùng phía Đông của tỉnh. Là vùng phát triển công nghiệp (quy mô vừa và nhỏ), tiểu thủ công nghiệp với các ngành nghề chủ đạo và thế mạnh của huyện (sản phẩm nông lâm nghiệp, vật liệu xây dựng, dệt may, tiêu dùng...). Là vùng phát triển kinh tế - xã hội gắn kết chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo tồn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa các dân tộc.

Không gian huyện Lục Ngạn được xác định thành 4 vùng. Phân vùng 1 (Phân vùng động lực tổng hợp), phạm vi dọc theo Quốc lộ 31 từ Tây sang Đông, bao gồm 8 đơn vị hành chính xã hiện tại: Phì Điền, Giáp Sơn, Tân Quang, Đồng Cốc, Tân Hoa, Biển Động, Kim Sơn, Phú Nhuận. Phân vùng phát triển đô thị, hình thành trung tâm tổng hợp hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, thương mại, dịch vụ đô thị;

Phân vùng 2 (phân vùng trung tâm sinh thái, cộng đồng), phạm vi phía Bắc huyện Lục Ngạn, bao gồm 8 đơn vị hành chính xã hiện tại: Tân Sơn, Cấm Sơn, Sơn Hải, Hộ Đáp, Biên Sơn, Phong Vân, Phong Minh, Sa Lý và phần diện tích của xã Thanh Hải (không nằm trong phạm vi quy hoạch chung đô thị Chũ, tỉnh Bắc Giang). Phân vùng phát triển đô thị, các chức năng dịch vụ sinh thái gắn với cảnh quan hồ Cầm Sơn, phát triển du lịch, dịch vụ cộng đồng, sản xuất nông - lâm sản, chăn nuôi;

Phân vùng 3 (phân vùng sản xuất nông - lâm sản chất lượng cao), phạm vi phía Nam sông Lục Nam, bao gồm 3 đơn vị hành chính xã hiện tại: Tân Lập, Tân Mộc, Đèo Gia. Phân vùng phát triển vùng trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất nông - lâm sản chất lượng cao; hình thành các dịch vụ, du lịch sinh thái gắn với sông Lục Nam;

Phân vùng 4 (Phân vùng quân sự), phạm vi gồm toàn bộ ranh giới trường bắn Quốc gia TB1, thuộc huyện Lục Ngạn và xã Phúc Sơn của huyện Sơn Động. Các chức năng và hoạt động trong phân vùng chịu sự quản lý của Bộ Quốc phòng;

Không gian phát triển kinh tế vùng huyện Lục Ngạn dựa trên khung gồm: Bốn Cực tăng trưởng Phì Điền; Biển Động, Tân Sơn - Phong Vân; Tân Mộc; 4 trục động lực kinh tế: Trục động lực dọc QL.31; Trục động lực dọc theo ĐT.290 – ĐT.248 (Chũ - Biên Sơn - Phong Vân - Phong Minh - Sa Lý); Trục động lực dọc theo ĐT.291B (Chũ - Tân Lập - Đèo Gia; trục động lực dọc QL.279 (Tân Hoa - Phong Vân - Tân Sơn); 04 hành lang phụ trợ: Hàng lang ĐT.289, ĐT289.C; Hành lang ĐH.290B; Hàng lang ĐH.88; Hàng lang ĐH.84.

Huyện Lục Ngạn hình thành 4 đô thị mới gồm: Phì Điền, Biển Động, Tân Sơn, Tân Mộc. Giai đoạn đến 2030, hoàn thành nâng cấp xã Biển Động thành thị trấn Biển Động. Hoàn thành nâng cấp khu vực dự kiến thành lập thị trấn Phì Điền đạt tiêu chuẩn đô thị loại V và thành lập thị trấn Phì Điền. Hoàn thành nâng cấp xã Tân Sơn thành thị trấn Tân Sơn, đô thị loại V. Giai đoạn đến năm 2040, quy hoạch và phát triển xã Tân Mộc đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn đô thị loại V và tiến tới thành lập thị trấn.

Huyện Lục Ngạn bao gồm 14 xã: Giáp Sơn, Biên Sơn, Tân Hoa, Tân Quang, Đồng Cốc, Phú Nhuận, Tân Lập, Đèo Gia, Sơn Hải, Hộ Đáp, Cấm Sơn, Phong Vân, Phong Minh, Sa Lý. Đến năm 2030, sát nhập xã Kim Sơn vào xã Tân Hoa.

Về mô hình xã nông thôn vùng trung tâm, cận vùng đô thị, hình thành các khu trung tâm xã (trụ sở, trung tâm thương mại, trường học, công viên, công trình thể dục thể thao, y tế, văn hóa…), cụm thôn, cụm dân cư tập trung theo các hệ thống giao thông. Tăng cường các tuyến không gian liên kết các vùng dọc QL.31 với khu vực trung du, đồi núi. Các khu vực dân cư tập trung theo làng bản, cụm thôn. Quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp, vùng chăn nuôi, định hướng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Mô hình xã nông thôn vùng đồi núi và trung du, động lực phát triển và ngành nghề chính là kinh tế vườn đồi, đặc biệt là các loại cây ăn quả, rừng sản xuất… Không gian quy hoạch kết hợp giữa phát triển tập trung với phân tán; các khu vực dân cư tập trung theo tuyến, cụm. Xây dựng các cụm trung tâm công cộng, dịch vụ (trụ sở, trường học, nhà văn hóa, thể dục thể thao, trạm y tế, chợ, dịch vụ bứu chính, viễn thông…), kết nối với các không gian ở và không gian sản xuất nông lâm nghiệp. Quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp gắn với hệ thống các công trình phục vụ sản xuất (khu bảo quản sau thu hoạch và chế biến, khu giới thiệu sản phẩm, trạm khuyến nông…), xây dựng hệ thống hạ tầng nông thôn đồng bộ theo các tiêu chí nông thôn mới.

Đọc thêm