Quy mô GDP Việt Nam tăng thêm 935 nghìn tỷ đồng

(PLVN) - Sáng 13/12/2019, Tổng cục Thống kê đã tổ chức công bố số liệu đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017. Theo đó, quy mô GDP đánh giá lại của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,4% trong giai đoạn 2010-2017, tương ứng tăng 935 nghìn tỷ đồng/năm.
Cuộc họp công bố số liệu quy mô GDP
Cuộc họp công bố số liệu quy mô GDP

Theo công bố, quy mô GDP đánh giá lại của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,4% trong giai đoạn 2010-2017, tương ứng tăng 935 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó năm 2011 tăng cao nhất với 27,3% và năm 2015 có tỷ lệ tăng thấp nhất là 23,8%. Năm 2017, quy mô GDP sau khi đánh giá lại đạt 6.294 nghìn tỷ đồng (số công bố trước đây là 5.006 tỷ đồng).

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp (Tổng cục Thống kê) lý giải, quy mô GDP mới tăng lên 25,4% chủ yếu là do thu thập được số liệu doanh nghiệp (DN) bị thiếu, vào khoảng 76.000 DN. Hiện, DN đóng góp trên 60% vào tăng trưởng GDP, nên việc thiếu số lượng lớn DN nêu trên ảnh hưởng lớn đến quy mô GDP. Ông Thúy cho biết, lý do thiếu 76.000 DN trong các lần thu thập số liệu trước đây là do số lượng DN tăng nhanh nên các cơ quan cập nhật chưa kịp thời.

Bên cạnh đó, DN Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ, vừa thậm chí siêu nhỏ với quy mô dưới 5 người lao động nên ko ít DN không có kế toán dẫn đến khó khăn trong thu thập số liệu. Thực tế hiện nay cho thấy một bộ phận DN trong đó có những DN lớn không thực hiện đầy đủ báo cáo cho các cơ quan quản lý. Trong số 76.000 cơ sở kinh tế có nhiều cơ sở thành lập trá hành, trốn thuế, chuyển giá, mua bán hóa đơn, kết quả kinh doanh bằng 0 (chỉ đóng thuế môn bài).

Theo số liệu công bố, sau khi tiến hành đánh giá lại, giá trị tăng thêm của khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng thêm từ 25-46 nghìn tỷ đồng; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng thêm từ 211-555 nghìn tỷ đồng; khu vực dịch vụ tăng thêm từ 316-615 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tốc độ tăng GDP hàng năm tăng nhẹ, chỉ từ 0,13-0,48 điểm phần trăm.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, khi đánh giá lại GDP, quy mô nền kinh tế tăng khiến cho bức tranh kinh tế được nhận diện rõ nét hơn, đặc biệt là bức tranh tiêu dùng. Theo số liệu điều chỉnh, tỷ lệ tiêu dùng ăn uống giảm mạnh từ 39,93% xuống còn 33% trong khi đó tiêu dùng cho nhà ở, giao thông, đi lại, giáo dục lại tăng lên. Theo ông Lâm, đây chính là số liệu để Tổng cục Thống kê đưa ra các cảnh báo với Chính phủ, để Chính phủ có các chính sách phù hợp hơn với bức tranh kinh tế mới.

Ông Lâm cũng khẳng định, người dân không được hưởng lợi từ việc thu nhập đầu người tăng hơn 10 triệu đồng/năm (theo số liệu đánh giá lại GDP) nhưng sẽ được hưởng lợi từ sự thay đổi cơ cấu kinh tế, nhà nước sẽ có chính sách thay đổi phù hợp để nền kinh tế có định hướng phát triển đúng đắn hơn. Ví dụ, theo số liệu đánh giá lại thì  chi tiêu cho nhà ở tăng mạnh. Người dân đang cảm thấy mình giàu hơn, chi tiêu nhiều hơn cho mua nhà, thậm chí có những ngân hàng cho vay 0% để mua nhà… Từ số liệu này, Tổng cục Thống kê sẽ có cảnh báo cho Chính phủ, nếu không có chính sách phù hợp sẽ dẫn đến bong bóng bất động sản.

Đọc thêm