Theo đó, tùy theo điều kiện thực tiễn, cụ thể của từng địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể áp dụng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp, nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính, ách tắc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.
Bộ KH&CN giao Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (TCĐLCL) phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Sở KH&CN) cung cấp nền tảng kỹ thuật truy xuất nguồn gốc, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ kỹ thuật truy xuất nguồn gốc trong trường hợp địa phương có nhu cầu xác định nguồn gốc cây đào, cây mai.
TCĐLCL (Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia) hướng dẫn các địa phương có biện pháp thích hợp xác định nguồn gốc của cây đào, cây mai. Trong trường hợp có nhu cầu áp dụng truy xuất nguồn gốc, TCĐLCL sẽ hướng dẫn kỹ thuật và thực hiện theo quy trình hỗ trợ truy xuất nguồn gốc hằng ngày, từ 23/01/2021 đến hết 11/02/2021. Trường hợp địa phương đã có các giải pháp hỗ trợ truy xuất nguồn gốc cây đào, cây mai đạt yêu cầu thì được tiếp tục áp dụng.
Bộ KH&CN đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở NN&PTNT phối hợp với UBND cấp huyện, xã rà soát diện tích rừng tự nhiên có cây đào, cây mai mọc tự nhiên để quản lý chặt chẽ, tránh việc chặt phá, khai thác trái pháp luật để trà trộn lưu thông, tiêu thụ bất hợp pháp.
Còn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong trường hợp có nhu cầu chỉ đạo các Sở: KH&CN, NN&PTNT, Công Thương, Tài chính phối hợp với UBND cấp huyện, xã và các lực lượng chuyên ngành liên quan áp dụng truy xuất nguồn gốc cây đào, cây mai theo hướng dẫn, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp kinh doanh trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Đáng chú ý, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, TCĐLCL đã xây dựng giải pháp truy xuất nguồn gốc xây đào, cây mai (hệ thống NBC-TRACE-http:www.trace.gov.vn). Việc truy xuất nguồn gốc cây đào, mai được thực hiện 5 bước. Cụ thể, Bước 1 - đăng ký nhu cầu. Bước này cán bộ thôn, bản thực hiện thống kê diện tích trồng cây đào, cây mai và số lượng tem truy xuất cần dùng của các hộ trong thôn bản;
Bước 2 - Tổng hợp nhu cầu, kiểm tra xác nhận. Bước này, UBND xã tổng hợp danh sách đăng ký của các thôn/bản. Kiểm tra xác nhận nhằm đảm bảo thông tin đang ký của thôn/bản chính xác. UBND huyện tập hợp danh sách đăng ký của các xã gửi cho Sở KH&CN.
Bước 3 - Kê khai thông tin, kích hoạt tem truy xuất. Bước này, Sở KH&CN tiếp nhận đăng ký của các huyện xác định nhu cầu cấp tem, thông báo cho Trung tâm MA sổ mã vạch Quốc gia. Trung tâm thực hiện cấp tem cho Sở KH&CN theo đăng ký. Sở KH&CN thực hiện đăng ký tài khoản cho các xã trên hệ thống NBC-TRACE, thực hiện kê khai thông tin. Sở KH&CN thực hiện kích hoạt tem truy xuất nguồn gốc cho các thôn/bản, xã theo đăng ký.
Bước 4 - Cấp phát tem truy xuất. Bước này, Sở KH&CN thực hiện cấp phát tem truy xuất cho các huyện, xã; các xã cấp phát cho các hộ dân.
Bước 5 - Sử dụng tem truy xuất. Bước này, các hộ dân sau khi tiếp nhận tem thực hiện dán lên các cành đào, mai của hộ nhà mình trước khi bán cho thương lái, người dân mua đào, mai.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về việc truy xuất nguồn gốc cây đào, cây mai, trong đó giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với một số bộ và các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn UBND tỉnh Sơn La và các địa phương có nhu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng phương án truy xuất nguồn gốc cây đào, cây mai, đảm bảo các yêu cầu: Thiết thực, phù hợp với thực tế, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật hiện hành, không làm phát sinh thủ tục hành chính và chi phí, không gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.