Để bạn đọc hiểu rõ hơn quy định về quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Dương Minh Tùng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cà Mau xung quanh vấn đề này.
Trước hết, xin ông cho biết người tham gia BHYT được hưởng quyền lợi gì?
- Người tham gia BHYT được Quỹ BHYT chi trả các chi phí theo Điều 21 Luật BHYT năm 2008, khoản 14 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 như: khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; khám thai định kỳ và sinh con; vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật áp dụng đối với người có công với cách mạng, cựu chiến binh, người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng, người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo, trẻ em dưới 6 tuổi; chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cơ sở giáo dục đối với học sinh, sinh viên tham gia BHYT.
Xin ông cho biết rõ những quy định trong khám, chữa bệnh (KCB) BHYT thông tuyến huyện và thông tuyến tỉnh là như thế nào?
- Theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014, kể từ ngày 01/01/2016 người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền KCB BHYT tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh (cơ sở y tế có hợp đồng KCB BHYT), được chi trả 100% chi phí KCB theo mức hưởng.
Đối với KCB BHYT nội trú, kể từ ngày 01/01/2021, bệnh nhân nhập viện điều trị được hưởng quyền lợi 100% chi phí BHYT theo mức hưởng, thay vì 60% nếu tự đi KCB tại cơ sở KCB tuyến tỉnh như trước đây. Tuy nhiên, vẫn xem là không đúng tuyến do không có giấy chuyển viện, không được hưởng quyền lợi miễn cùng chi trả (đối với người tham gia có mức hưởng BHYT 80% hoặc 95% có tham gia BHYT liên tục đủ 5 năm trở lên) sau khi đã đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (hiện tại là 8.940.000 đồng).
Tóm lại, Quỹ BHYT sẽ chi trả toàn bộ chi phí theo mức hưởng các trường hợp KCB nội trú tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh. Trường hợp KCB ngoại trú tại cơ sở y tế tuyến tỉnh tiếp tục không được quỹ BHYT chi trả giống như trước đây. Nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người tham gia BHYT, vẫn khuyến khích người bệnh thực hiện thủ tục chuyển tuyến theo quy định.
Ông có thể thông tin thêm về quyền lợi của người tham gia BHYT liên tục đủ 5 năm được những gì? Việc sử dụng VssID hoặc Căn cước công dân gắn chip để đi KCB BHYT được thực hiện ra sao?
- Theo quy định, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên được hưởng 100% chi phí KCB BHYT khi có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến.
Hiện nay, việc tiếp nhận bệnh nhân đến khám chữa bệnh BHYT, ngoài thẻ BHYT (thẻ giấy), người bệnh còn được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT điện tử (cài đặt ứng dụng VssID - BHXH số) hoặc Căn cước công dân gắn chip có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT để thay thế thẻ giấy. Sử dụng VssID hoặc Căn cước công dân tiện lợi, nhanh chóng, hạn chế sự phiền hà do hỏng hoặc thất lạc thẻ giấy. Do đó, việc cài đặt ứng dụng VssID trên điện thoại thông minh là nhu cầu tất yếu của người tham gia BHYT trong thời đại số hóa.
Xin cảm ơn ông!