Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua nghe, thảo luận về kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.
|
Đất đai là lĩnh vực gây nhiều khiếu nại nhất trong thời gian qua. Ảnh minh họa |
Sai ở đâu phải chỉ rõ
Theo số liệu tổng hợp của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2003 đến năm 2010 các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận và xử lý 1.219.625 đơn thư khiếu nại, tố cáo trong đó đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai bình quân hàng năm chiếm 69,79%.
Các Bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm 1.052 vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài đạt 66,7%, hiện còn lại 528 vụ việc đang được tiếp tục xem xét, giải quyết. Trong những KNTC đối với các quyết định hành chính về đất đai chủ yếu tập trung KN các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (chiếm đến 70%).
Từ năm 2005 đến tháng 6/2009 cả nước xảy ra 3.829 đoàn khiếu nại, tố cáo đông người, năm 2010 có 3.214 đoàn, năm 2011 có 4.159 đoàn, tăng 29,4% so với năm 2010. Hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có xảy ra các vụ khiếu nại, tố cáo đông người, trong đó có một số vụ đông người nhiều lần kéo đến Trụ sở tiếp công dân, các cơ quan ở Trung ương với thái độ rất gay gắt. Các đoàn khiếu nại, tố cáo đông người ngày càng tăng về số lượng.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, một trong những nguyên nhân của KNTC là việc thay đổi chính sách nhà nước quá nhanh làm phát sinh những tình huống không trù liệu trước. “Mỗi địa phương 1 giá đất, đất phường khác, xã khác, chỉ cần cách nhau cái bờ ruộng giá cả đã khác rồi, có khi chênh lệch rất nhiều lần. Vô lý thế người dân khiếu nại cũng có cơ sở”.
Cảm thông với người dân lao động ở những vùng bị mất đất, ông Phúc cho rằng, báo cáo cần khảo sát sâu nữa đời sống dân sau khi đất bị thu hồi, vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho họ, bởi nhiều nơi chỉ sau 2,3 năm đất bị thu hồi, nhiều gia đình đã rơi vào cảnh tay trắng.
Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn chưa đồng tình với nội dung cần giám sát. Ông cho rằng, một giám sát chất lượng phải làm rõ những tồn tại trong việc ban hành quyết định hành chính đó do cấp nào sai, sai ở đâu, ở phạm vi thu hồi, hỗ trợ, đền bù hay cưỡng chế?.
Phải làm rõ cho được vấn đề này thì mới quy ra trách nhiệm của người có thẩm quyền. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng tỏ ra sốt ruột: “Không chỉ rõ trách nhiệm Bộ, ngành, địa phương, cơ quan khác ở đâu, không có một cái tên nào cụ thể…Như vậy thì khắc phục thế nào. Đây là lĩnh vực gây nhiều bức xúc mà báo cáo nào cũng chung chung như thế…”
Chây ỳ - hưởng lợi, sao người dân không kiện?
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến KNTC đối với các quyết định hành chính về đất đai gia tăng được chỉ ra đó chính là sự bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai. Chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, thiếu tính ổn định, chưa đồng bộ, có những quy định chưa sát thực tế, thiếu cụ thể.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu thực tế trong công tác bồi thường, người nghiêm chỉnh chấp hành có khi được đền bù ít, người chây ỳ, chống đối lại được bồi thường đất cao hơn nhiều. Theo Phó Chủ tịch, nguyên nhân sâu xa là từ chính sách chưa hợp lý.
“Không thể nói không có người chuyên trách là nguyên nhân dẫn đến KNTC, Luật đã quy định rõ Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm giải quyết KNTC, dù bận mấy nhưng thuộc thẩm quyền của mình thì vẫn có trách nhiệm phải làm”- ông Lưu tỏ rõ quan điểm.
“Mổ xẻ” nguyên nhân của KNTC gia tăng là có trách nhiệm không nhỏ của cơ quan nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Nguyễn Kim Khoa thẳng thắn, “sai phạm trong ban hành quyết định hành chính của cơ quan có thẩm quyền là rất nghiêm trọng. Nhiều quyết định giao đất tiêu cực, còn nể nang bao che, dẫn đến dân khiếu kiện kéo dài, nhiều đời lãnh đạo không giải quyết được”.
Ông Khoa cũng dẫn chứng nhiều quyết định hành chính ban hành theo kiểu “sáng đúng chiều sai”, nhiều quyết định không phù hợp với thực tiễn, hoặc đúng nhưng tổ chức thực hiện kéo dài. Quan trọng hơn, theo ông Khoa có hiện tượng vô cảm khi xem xét quyền lợi của người dân và đó chính là nguyên nhân khiến người dân bức xúc.
“Sao những vụ cướp tiệm vàng, chỉ 24 giờ công an đã tìm ra, còn những vụ đưa cả xe ủi công khai đến phá nhà dân làm cả mấy tuần không ra?. Đó có phải là thái độ vô cảm trước khiếu kiện của người dân?”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa đặt câu hỏi.
Nhiều ủy viên UBTVQH đồng tình với 15 nhóm giải pháp Đoàn giám sát nêu, tuy nhiên đề nghị cần làm rõ những giải pháp mang tính đột phá, căn cơ để giải quyết nhanh KNTC đối với quyết định hành chính về đất đai, nhất là khiếu nại đông người.
Thu Hằng