Quyết tâm của lực lượng cảnh sát giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước lễ ra quân của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc (từ 20/6 - 20/9/2022), tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, tập trung vào xe chở quá tải, quá khổ, cơi nới; không ít người nghĩ rằng đây chỉ là một đợt ra quân “tuyên truyền là chủ yếu”.
Lễ ra quân của lực lượng cảnh sát giao thông.
Lễ ra quân của lực lượng cảnh sát giao thông.

Đã một thời gian dài, dù khẩu hiệu tuyên truyền đại loại “chở quá tải là phá hoại đường sá quốc gia” giăng giăng khắp nơi, nhưng vấn nạn này, thậm chí tại một số nơi, không thuyên giảm.

Thế nên, khi chứng kiến cảnh lực lượng CSGT sau khi phát hiện xe quá tải, đã bố trí bộ phận cưa thùng hạ tải “ngay tại trận”, dư luận đã “mắt tròn mắt dẹt” từ ngạc nhiên, đến quan tâm, rồi dần tin tưởng vào quyết tâm của lực lượng chức năng.

Từ ngày 20/6 đến nay, CSGT cả nước đã xử phạt gần 2.700 trường hợp cơi nới thùng xe, chở quá tải trọng, phạt tiền gần 12 tỷ đồng. Trong số vi phạm trên có 530 xe phải hạ tải, 290 xe bị cưỡng chế cắt thùng, 45 xe bị thông báo cho cơ quan đăng kiểm đề nghị kiểm định lại.

Nói về biện pháp cắt thùng xe, đại diện Cục CSGT cho biết việc này thực hiện theo Điều 29 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Theo đó, ngoài phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm phải khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra, nếu không sẽ bị cưỡng chế.

"Nếu không cương quyết cưa thùng thì không biết đến bao giờ chủ xe mới thực hiện nghĩa vụ của người vi phạm, hoặc có thể tìm cách lách luật như thuê thùng hợp quy chuẩn đi đăng kiểm sau đó lại lắp thùng cơi nới vào chạy. Nếu phạt cho tồn tại thì các xe quá tải tiếp tục chạy gây hư hại đường sá, nguy hiểm cho người khác", đại diện Cục CSGT nói.

Qua một tuần xử lý vi phạm quá khổ, quá tải, cơi nới thùng xe, CSGT đã gặp nhiều khó khăn. Một số tài xế chây ì, cố thủ trên cabin ôtô, cá biệt có trường hợp hơn 8 tiếng mới xuống làm việc với lực lượng chức năng.

Một cán bộ Phòng CSGT Công an Quảng Bình, cho biết đơn vị không có phương tiện, chuyên môn để cắt thùng xe, vì thế sẽ cho phép chủ xe tự lựa chọn gara để xử lý. Với lái xe chống đối, lực lượng chức năng thuyết phục và lựa chọn gara gần nhất để cắt, kinh phí do DN chi trả. Tuy nhiên, không phải gara nào cũng hợp tác để cắt thùng xe. Có trường hợp để cắt được thùng của một xe ben, tổ xử lý phải mất 6 tiếng đồng hồ.

Những động thái quyết tâm của lực lượng CSGT chắc chắn sẽ khiến các xe vi phạm phải chùn lại. Thế nhưng, đợt cao điểm rồi sẽ qua. Còn biết bao công việc khác để đảm bảo giao thông, đâu phải lúc nào CSGT cũng chỉ có việc bắt xe quá tải. Đại diện Cục CSGT cho rằng việc cưa thùng hiện nay thực chất chỉ là phần ngọn của vấn đề vì theo quy định lực lượng thanh tra giao thông có trách nhiệm ngăn chặn vi phạm ngay từ điểm đầu là các bãi bốc dỡ. Nếu thanh tra giao thông làm chặt thì sẽ không có xe quá tải, cơi nới ra đường đồng nghĩa với CSGT không phải đối mặt với phức tạp khi xử lý vi phạm. Đó là một ý kiến rất chính đáng.

Đọc thêm