Quyết tâm gỡ được 'thẻ vàng' IUU trong năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc gỡ “thẻ vàng” không còn chỉ là sự quyết liệt ở Trung ương và các cơ quan chức năng ở địa phương mà ngư dân cũng đã hiểu được đây là sự sống còn, bởi không phải là IUU nữa mà là một nghề cá bền vững cho chính chúng ta trong tương lai.
Lực lượng Cảnh sát biển tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến ngư dân chống khai thác IUU.
Lực lượng Cảnh sát biển tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến ngư dân chống khai thác IUU.

Từng ngày mong thoát “thẻ vàng”

Sau 7 năm Ủy ban Châu Âu (EC) rút "thẻ vàng" cảnh báo với ngành thủy sản Việt Nam, các cấp, ngành, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; xây dựng hệ thống theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, giảm dần số vụ vi phạm.

EC ghi nhận nỗ lực quản lý đội tàu của Việt Nam

Qua 4 đợt thanh tra (các năm 2018, 2019, 2022 và 2023), EC đánh giá kết quả triển khai công tác chống khai thác IUU của Việt Nam có nhiều tiến bộ so với trước. EC cũng đã ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU, nhất là việc cơ quan thẩm quyền đã hoàn thiện khung pháp lý và một số cải thiện trong quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc, xử phạt các hành vi khai thác IUU.

Thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về khai thác thủy sản; giám sát đội tàu; truy xuất nguồn gốc thủy sản. Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành rất nhiều văn bản về chống khai thác IUU như: Chỉ thị số 45/CT-TTG ngày 13/12/2017 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU; Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 06/7/2018 của Chính phủ về việc gia nhập Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định,... Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản.

"Đến thời điểm này, Bộ NN&PTNT gần như đã hoàn thành tất cả những thể chế, quy định cuối cùng theo kiến nghị của EC. Không chỉ là sự quyết liệt ở Trung ương mà ngư dân cũng hiểu được đây là sự sống còn, không phải là IUU nữa mà là nghề cá bền vững của chúng ta. Không phải vì một đợt thanh tra mà chúng ta đối phó, việc gỡ tấm thẻ này là bước đầu để chúng ta vào một ngành thủy sản phát triển bền vững", ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định.

Ngoài ra, để tháo gỡ “thẻ vàng”, Bộ NN&PTNT cũng đề ra một số giải pháp cụ thể như: Thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn không để xảy ra tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; Thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; Tập trung cao điểm xử lý các hành vi vi phạm IUU; Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao hiệu quả phối hợp, bảo đảm nguồn lực; Kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác vi phạm IUU.

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT - ông Trần Đình Luân, từ khi EC cảnh báo "thẻ vàng" đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam vào tháng 10/2017, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU sụt giảm bình quân từ 6 - 10%/năm (tùy từng năm). Đây là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam nhưng đã tụt xuống vị trí thứ 5 (sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN). Ngoài ra, việc này đã ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Nó cũng gây tổn thất về mặt kinh tế - xã hội đối với cộng đồng ngư dân ven biển và các doanh nghiệp.

Cục trưởng Cục Thủy sản đề nghị các cơ quan chức năng và toàn bộ ngư dân cần vào cuộc một cách đồng bộ và có hiệu quả. Theo ông Luân, Nhân dân đã và đang mong muốn từng ngày, từng giờ thoát khỏi “thẻ vàng” IUU sau 7 năm qua. Vì vậy, tất cả hoạt động phải cực kỳ tuân thủ và thượng tôn pháp luật; đồng bộ trong quản lý, truy xuất nguồn gốc, minh bạch trong nguồn gốc xuất xứ, chế biến xuất khẩu, như vậy mới định hình thương hiệu thủy sản Việt Nam, giúp ngành thủy sản phát triển bền vững.

Cơ hội sau 7 năm “dính thẻ”

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, dự kiến tháng 10/2024, Đoàn EC sẽ sang Việt Nam để kiểm tra đánh giá việc thực thi pháp luật, chống khai thác hải sản bất hợp pháp và không theo quy định, nên đây là nhiệm vụ đặc biệt cần sự chung tay, phối hợp của Bộ, ngành, đơn vị, các địa phương và ngư dân cả nước.

Theo đó, các địa phương cần thực hiện tốt 4 nhóm khuyến nghị: Hoàn thiện khung pháp lý; Tăng cường quản lý tàu cá; Kiểm soát việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; Xử lý tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài để phục vụ công tác kiểm tra, đánh giá của EC. Đây là "cơ hội cuối cùng", bởi Nghị viện Châu Âu sắp bầu cử. Nếu không thể xóa “thẻ vàng” IUU dịp này, Việt Nam sẽ phải chờ khoảng 3 năm nữa để đón đoàn kiểm tra tiếp theo.

Người đứng đầu ngành NN&PTNT cũng nhấn mạnh, để ngành thủy sản của Việt Nam phát triển bền vững cần phải thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, phát triển thủy sản dựa trên ba trụ cột: Giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển để bảo đảm trữ lượng thủy sản dành cho thế hệ mai sau.

Về cơ bản, những giải pháp nhằm gỡ "thẻ vàng" IUU chúng ta thực hiện trong suốt 7 năm qua đã có những thành quả nhất định. Chúng ta cũng tổ chức lại hệ thống kiểm ngư và hiện 28 địa phương ven biển đều có lực lượng kiểm ngư. Đã có Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC liên quan đến IUU. Thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục chứng minh về những nỗ lực trong việc tháo gỡ "thẻ vàng" IUU; sự phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cùng vào cuộc triển khai tháng cao điểm.

Trải qua 4 đợt thanh tra vào các năm 2018, 2019, 2022 và 2023, EC đánh giá kết quả triển khai công tác chống khai thác IUU của Việt Nam có nhiều tiến bộ so với trước. EC đã ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong chống khai thác IUU, nhất là việc cơ quan thẩm quyền đã hoàn thiện khung pháp lý và một số cải thiện trong quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc, xử phạt các hành vi khai thác IUU.

Tuy nhiên, EC khuyến cáo cần ngăn chặn, xử lý tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, quyết liệt hơn nữa trong xử phạt các hành vi khai thác IUU; đặc biệt hành vi ngắt kết nối VMS (hệ thống quản lý, giám sát hành trình, hoạt động của tàu cá trên các vùng biển), khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Đồng thời khẩn trương đưa vào triển khai đồng bộ, thống nhất hệ thống eCDT (phần mềm dùng chung cho ngư dân trong nước do Cục Thủy sản xây dựng, quản lý, phát triển; cài đặt và sử dụng bằng điện thoại thông minh).

Nhìn thẳng thực tế, gỡ “thẻ vàng” IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết và cần quyết liệt hơn nữa. Bởi khi vấn đề “thẻ vàng” được tháo gỡ, nghề cá và ngành thủy sản sẽ lấy lại được uy tín, cơ hội mở rộng thị trường EU rộng lớn. Không những thế, gỡ “tấm thẻ” này còn là bước tiến quan trọng để cấu trúc lại nghề cá minh bạch, trách nhiệm và phát triển bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Bộ trưởng Lê Minh Hoan

“Đến thời điểm này, Bộ NN&PTNT gần như đã hoàn thành tất cả những thể chế, quy định cuối cùng theo kiến nghị của EC… Không phải vì một đợt thanh tra mà chúng ta đối phó, việc gỡ “tấm thẻ” này là bước đầu để chúng ta bước vào một ngành thủy sản phát triển bền vững”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

Đọc thêm