Quyết tâm gỡ “thẻ vàng” cho Thủy sản Việt Nam

(PLO) - Chủ trì Hội nghị trực tuyến thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) sáng qua (3/8), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh cần quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị 45 và coi đây là nhiệm vụ hàng đầu….
Mục tiêu gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản được coi là nhiệm vụ hàng đầu của ngành nông nghiệp từ nay đến đầu năm 2019. Ảnh minh họa
Mục tiêu gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản được coi là nhiệm vụ hàng đầu của ngành nông nghiệp từ nay đến đầu năm 2019. Ảnh minh họa

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ban, ngành TƯ và 28 địa phương ven biển…

Chấn chỉnh các hoạt động khai thác

Phát biểu Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, việc gỡ “thẻ vàng” đối với ngành thủy sản là một yêu cầu hết sức nghiêm ngặt, được coi là nhiệm vụ trọng tâm đến đầu năm 2019. Bộ trưởng cũng cho rằng, 9 nội dung khuyến nghị của EC là những mặt tích cực để nhìn nhận và phát triển nghề cá trong tương lai theo hướng lâu dài và bền vững.

“Có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan trong việc chúng ta bị gia hạn “thẻ vàng” đối với thủy sản bởi không thể lập tức thay đổi nghề cá với hàng triệu lao động và hơn 109.000 tàu cá. Việc này đòi hỏi thời gian, sự nỗ lực, đồng bộ của rất nhiều ban, ngành từ TƯ tới địa phương trong thời gian tới..” - Bộ trưởng lưu ý.

Là địa phương được chọn thí điểm về chống khai thác IUU và triển khai Luật Thủy sản 2017, ông Mai Anh Nhịn (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang) cho biết, Kiên Giang đã thành lập Tổ công tác liên ngành xử lý các vi phạm đối với tàu và cá nhân liên quan đến IUU.

Tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng môi giới khai thác hải sản không phải là người địa phương hoặc người nước ngoài đang là khó khăn lớn nên cần có sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp và Bộ Công an. Ngoài ra, lãnh đạo địa phương này cũng cho rằng, hiện các tàu cá của Việt Nam cần thống nhất về màu sơn để tăng cường việc quản lý cũng như kiểm soát khi khai thác trên biển.

Trong khi đó, ông Lê Viết Chữ (Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi) nhận được sự đồng tình từ lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng như các đại biểu tham dự Hội nghị khi đưa ra ý kiến đề nghị tăng cường và làm rõ chức năng quản lý Nhà nước đối với các cảng cá hiện nay và thống nhất lực lượng kiểm soát ngoài khơi đối với phương tiện khi vi phạm.

Hiện Quảng Ngãi là một trong những địa phương có chế tài xử phạt rất nghiêm khắc đối với các phương tiện khai thác trái phép sang quốc gia khác như phạt tiền tới 1 tỷ đồng, rút giấy phép khai thác, không hỗ trợ dầu...

Với thế mạnh về khai thác hải sản lớn nhất các tỉnh Nam Trung bộ, lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết, một trong những khó khăn của Bình Định là các phương tiện vi phạm IUU không thường xuyên về lại cảng cá địa phương mà di chuyển khắp cả nước nên việc tuyên truyền, xử phạt khó khăn.

Thêm vào đó, Bình Định có nhiều phương tiện khai thác nhưng thiết chế hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu, các cảng cá quá hẹp và không đủ cho phương tiện neo đậu, trong khi nhân lực lại quá ít dẫn đến quá trình giám sát việc tàu ra vào cảng khó khăn.

Thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về IUU

Phát biểu và chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, mặc dù còn những tồn tại nhất định nhưng với nỗ lực của các ban, ngành từ TƯ tới địa phương, mục tiêu gỡ “thẻ vàng” là nhiệm vụ hàng đầu từ nay đến đầu năm 2019. 

“Chính phủ, các bộ, ngành và 28 địa phương ven biển cần quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị 45 và coi đây là nhiệm vụ hàng đầu. Đây cũng là cơ hội để chúng ta chấn chỉnh các hoạt động khai thác thủy, hải sản, hướng đến tái cấu trúc lại ngành thủy sản nói riêng, hướng đến nghề cá lâu dài và bền vững…” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, TP chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu không ngăn chặn được tình trạng vi phạm tại địa phương.

Phó Thủ tướng tái khẳng định, một nguyên nhân quan trọng để xảy ra tình trạng đánh bắt cá trái phép là do nguồn lợi thủy sản vùng biển của Việt Nam bị khai thác quá mức; trình độ, chất lượng lao động ngành thủy sản, ngư dân còn nhiều hạn chế. “Do đó, bên cạnh yêu cầu quản lý chặt chẽ việc khai thác thủy sản, thì nhiệm vụ rất quan trọng nữa là tạo thêm việc làm cho ngư dân, mở rộng không gian, cơ hội, ngành nghề lao động, sản xuất cho người dân” - Phó Thủ tướng gợi ý. 

Đồng ý với chủ trương thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về IUU, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải xây dựng các chương trình hành động cụ thể, thường xuyên báo cáo công việc làm được và những kiến nghị về Bộ NN&PTNN để thống nhất chủ trương, biện pháp thực hiện… 

Đọc thêm