Quyết tâm hoàn thành cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng trong năm 2026

(PLVN) - Cả chính quyền địa phương và nhà đầu tư cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đều đặt quyết tâm đưa cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng về đích vào năm 2026.

Dự án đường bộ cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn) sẽ được khởi công vào ngày 21/4 tới đây. Đây là dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Nhà đầu tư là Liên danh Công ty cổ phần xây dựng Đèo Cả - Công ty cổ phần tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần xây dựng công trình 568 - Công ty cổ phần LIZEN.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, dài gần 60km, qua địa bàn các huyện Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn).

Xác định giải phóng mặt bằng (GPMB) là nhiệm vụ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án, UBND tỉnh Lạng Sơn và các huyện, thành phố có dự án đi qua xác định GPMB là nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Ông Nguyễn Duy Anh - Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc: "Chúng tôi đã có kế hoạch cụ thể trong công tác GPMB". (Ảnh: Minh Hữu)

Ông Nguyễn Duy Anh - Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết, dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng qua địa bàn huyện Cao Lộc dài khoảng 29km, dài nhất trong các địa phương có dự án đi qua. Để đảm bảo công tác GPMB cho dự án, huyện Cao Lộc đã có những kế hoạch cụ thể.

Trong đó, huyện Cao Lộc đã kiện toàn Ban chỉ đạo GPMB, phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cán bộ phụ trách trực tiếp các xã, thị trấn bị ảnh hưởng bởi dự án; tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân hiểu, đồng thuận và hợp tác trong việc giao đất.

Để phục vụ cho người dân tái định cư, hiện huyện Cao Lộc đang chuẩn bị xây dựng các khu tái định cư cho những hộ gia đình phải di dời, để người dân tiếp tục có cuộc sống ổn định, phát triển.

Tại dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, theo cam kết, UBND tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ cho dự án khoảng 2.000 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Quang Toàn - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn, tỉnh này đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn này cho dự án.

Ông Nguyễn Quang Toàn - Giám đốc Sở Tài chính Lạng Sơn: "Đảm bảo bố trí 2.000 tỷ đồng cho dự án". (Ảnh: Minh Hữu)

Theo ông Toàn, hàng năm, Lạng Sơn đều tiết kiệm được một khoản tiền từ việc tăng thu, tiết kiệm chi và tiền sử dụng đất. Trong khoảng từ năm 2021 đến nay, hàng năm Lạng Sơn đều có nguồn tiết kiệm từ 500 đến 700 tỷ đồng. Số tiền này, Lạng Sơn dành một phần để đầu tư công.

Ngoài ra, Lạng Sơn còn có nguồn thu khác từ tiền thu sử dụng đất. Hiện, quỹ phát triển đất của Lạng Sơn còn dư khoảng 250 tỷ đồng.

“Tổng hợp từ các nguồn trên, chúng tôi đảm bảo bố trí đủ 2.000 tỷ đồng và đúng tiến độ để dự án triển khai”, ông Toàn chia sẻ với phóng viên PLVN.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, đơn vị đặt quyết tâm sẽ thông tuyến cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị vào cuối năm 2025, đưa vào khai thác trong năm 2026.

Cụ thể, theo ông Vĩnh, sau ngày khởi công 21/4 tới đây, đến quý III/2024 sẽ tổ chức thi công đại trà trên toàn tuyến. Đồng thời, nhà đầu tư sẽ huy động đủ nhân lực, máy móc thiết bị cho dự án. Ngoài ra, với số vốn nhà đầu tư cần chuẩn bị cho dự án là hơn 5.000 tỷ đồng, ông Vĩnh cho biết, ngoài vốn tự có của nhà đầu tư, số còn lại đã có kế hoạch vay vốn thương mại tại ngân hàng. “Chúng tôi cũng sẵn phương án phát hành trái phiếu, cổ phiếu để huy động vốn cho dự án”, lãnh đạo Đèo Cả cho biết.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả đặt quyết tâm đưa dự án về đích trong năm 2026. (Ảnh: Minh Hữu)

Liên quan đến công tác GPMB, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, rất tin tưởng vào chính quyền địa phương Lạng Sơn, bởi lẽ, tại dự án trước đó (cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng), Lạng Sơn đã làm rất tốt công tác GPMB. Khi đó, chỉ trong vòng 6 tháng, toàn bộ hơn 60km đường cao tốc đã được chính quyền và nhân dân Lạng Sơn giao cho nhà đầu tư. Nhờ công tác GPMB được thực hiện tốt mà cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn thực hiện chỉ trong thời gian khoảng hai năm. “Đây là dự án cao tốc làm nhanh nhất Việt Nam từ trước đến nay”, ông Vĩnh nói.

Từ đó, vị Tổng Giám đốc Đèo Cả tin tưởng, công tác GPMB sẽ tiếp tục được các địa phương thực hiện tốt, giúp nhà đầu tư có mặt bằng sạch để thi công. “Tập đoàn Đèo Cả đã thống nhất với tỉnh Lạng Sơn dự kiến bàn giao mặt bằng sau 6-9 tháng và đây là điều kiện cần thiết để thông tuyến và hoàn thành dự án. Chúng tôi cam kết nếu có đủ mặt bằng, dự án sẽ hoàn thành trong năm 2026”, lãnh đạo Đèo Cả nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên. (Ảnh: Minh Hữu)

Ông Dương Xuân Huyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, tỉnh đã chỉ đạo 4 huyện, thành phố mà tuyến cao tốc đi qua là Cao Lộc, Chi Lăng, TP Lạng Sơn, Văn Lãng chủ động đi trước tuyên truyền để người dân nắm được chủ trương, tạo sự đồng thuận khi triển khai thực hiện.

“Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng là dự án trọng điểm của tỉnh cũng là dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư trong quá trình thực hiện, nỗ lực tối đa để dự án sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng”, ông Dương Xuân Huyên nói.

Đọc thêm