Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định nhiệm vụ tăng trưởng đạt 6,7% là khó khăn, nhưng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là còn thời gian, còn cơ hội thì còn cố gắng, kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức; phát huy tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Cùng với tinh thần Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân, VGP News dẫn lời lThủ tướng nhấn mạnh điều quan trọng nhất là tinh thần đó phải thấm nhuần tới tất cả các cấp chính quyền, cả hệ thống chính trị phải chuyển động. Trung ương chuyển động mà huyện, xã không chuyển, sở, ngành không chuyển thì rất khó khăn.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, trước hết, khẩn trương xây dựng Nghị định quy định chức năng của các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương với tinh thần Chính phủ kiến tạo phát triển.
Tăng trưởng kinh tế là công việc của người dân và doanh nghiệp. Nhiệm vụ của Chính phủ là tạo tiền đề để người dân và doanh nghiệp phát huy tiềm năng, tạo ra tăng trưởng, Thủ tướng nhắc lại tinh thần Chính phủ kiến tạo và yêu cầu đẩy mạnh cải cách thể chế, định hình nội dung tái cơ cấu nền kinh tế, có giải pháp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng lưu ý việc hỗ trợ doanh nghiệp phải đi vào thực chất. Phải có chỉ tiêu rõ ràng cho từng bộ, ngành, địa phương về việc cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng nằm trong nhóm ASEAN-4 trong năm 2016.
Ngành tài chính cần có giải pháp đột phá trong công tác hoàn thuế VAT. “Nhiều ý kiến nêu việc chậm hoàn thuế ảnh hưởng xấu tới nguồn vốn, khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Tôi đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra ngay vấn đề này”, Thủ tướng yêu cầu.
Bộ GTVT phải có giải pháp giảm gánh nặng chi phí vận tải cho doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cần báo cáo Chính phủ các giải pháp về pháp lý và nguồn lực để giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bộ Công Thương, các bộ quản lý ngành thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm xuất khẩu đạt kế hoạch đề ra (10%). Chú trọng phát triển thị trường trong nước. Tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng đánh bắt thủy sản theo đà tăng của tháng 7; phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu tăng trưởng ngành.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành cho thấy, nhìn chung tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2016 tiếp tục chuyển biến tích cực.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp đã phục hồi. Điểm sáng là xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% (cùng kỳ giảm trên 7%). Có trên 64.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 23,3% về số doanh nghiệp và 54,7% về vốn.
Báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế, khó khăn như dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ còn rất hạn hẹp. Sức ép tăng giá còn lớn. Xuất khẩu tăng thấp, nhập khẩu giảm. Công nghiệp tăng thấp hơn cùng kỳ.
Từ phân tích tình hình thế giới và trong nước, Bộ KH&ĐT dự báo 3 kịch bản tăng trưởng trong năm 2016. Theo đó, kịch bản một là GDP 6 tháng cuối năm tăng 6,83%, cả năm đạt 6,27%. Đây là mức tăng trưởng nền kinh tế hoàn toàn đạt được.
Kịch bản hai: GDP 6 tháng cuối năm tăng 7,23%, cả năm đạt 6,5%. Đây là mức tăng trưởng có khả năng đạt được.
Kịch bản ba: GDP 6 tháng cuối năm tăng 7,57%, cả năm đạt 6,7%. Đây là mức tăng trưởng khó đạt mà để đạt được, đòi hỏi sự nỗ lực, chỉ đạo kiên quyết, sát sao của các cấp, các ngành.