Phát biểu tại buổi Lễ, ông Nguyễn Phú Tiến – Phó Cục trưởng Cục tin học hóa cho biết, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đối số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, sẽ chuyển đổi số đồng bộ 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Chính phủ số là chuyển đổi số hoạt động của các cơ quan nhà nước; kinh tế số là chuyển đổi số các hoạt động của các doanh nghiệp và xã hội số là chuyển đổi số hoạt động của người dân, xã hội. Ba trụ cột này liên quan trực tiếp, chặt chẽ với nhau để chúng ta thực hiện chương trình Chuyển đối số quốc gia.
Ông Nguyễn Phú Tiến – Phó Cục trưởng Cục tin học hóa phát biểu tại buổi Lễ. |
Riêng đối với kinh tế số, mục tiêu đến năm 2025, đóng góp 25% vào GDP và góp phần tăng năng suất lao động trung bình 7%.
Hiện nay, toàn bộ hoạt động của các Doanh nghiệp hướng tới môi trường số. Chúng ta hướng đến 2 loại hình Doanh nghiệp là doanh nghiệp số, bản thân các doanh nghiệp số phát triển đóng góp cho nền kinh tế số nhưng quan trọng nữa là việc ứng dụng công nghệ số của các doanh nghiệp truyền thống để chúng ta phát triển thành phần kinh tế số.
Lễ ra mắt nền tảng Quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS là một trong những hoạt động thúc đẩy ứng dụng Công nghệ số trong các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, việc triển khai thực hiện Chuyển đổi số, một trong những hướng quan trọng là triển khai việc ứng dụng Công nghệ số dựa trên nền tảng.
“Nếu như trước đây, thực hiện triển khai Chuyển đổi số chỉ dựa trên các ứng dụng đơn lẻ, các doanh nghiệp cần nghiệp vụ gì, ứng dụng gì thì làm cái đó. Hiện tại, chuyển đổi số sẽ phát triển trên nền tảng. Khi triển khai các ứng dụng trên nền tảng sẽ tạo ra sự bền hóa khi triển khai ứng dụng, để có được thành phần dùng chung và giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí... Khi triển khai nền tảng là triển khai ứng dụng trên một hệ sinh thái như MISA phát triển ở đây là không phải một phần mềm đơn lẻ mà trên nền tảng đó phát triển rất nhiều ứng dụng...”- ông Nguyễn Phú Tiến nói.
Bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA giới thiệu về nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất. |
MISA AMIS là nền tảng quản trị toàn diện nhất cho doanh nghiệp xoay quanh 4 mảng cốt lõi: Tài chính, Kinh doanh, Nhân sự và Điều hành. Mỗi mảng này được chia thành hàng chục ứng dụng nhỏ tương ứng với các nghiệp vụ trong doanh nghiệp.
Nền tảng được xây dựng để giải quyết ba bài toán lớn mà doanh nghiệp gặp phải khi ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi số như: Không đủ chi phí để đầu tư các hệ thống ERP của nước ngoài; các giải pháp trên thị trường không theo suốt được cả quá trình phát triển của doanh nghiệp; các giải pháp đang ứng dụng riêng lẻ từng bộ phận thì thiếu sự kết nối trong nội bộ với nhau và với các hệ thống bên ngoài doanh nghiệp để quản trị.
Dựa trên Cloud, MISA AMIS giúp nhân sự làm việc được bất cứ lúc nào và ở đâu với nhiều thiết bị khác nhau, tạo thành mô hình văn phòng di động. Trong bối cảnh giãn cách do COVID-19, doanh nghiệp cũng không gặp sự cố gián đoạn hoạt động vận hành.
Nền tảng cũng được ứng dụng các công nghệ như: Trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động hóa và xử lý thông tin thông minh, Giám đốc tài chính số, Nhân sự số..; Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), tự động nhập liệu hồ sơ nhân viên, scan card khách hàng,..
Theo bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần MISA, nền tảng sẽ giúp cho doanh nghiệp hội tụ dữ liệu phục vụ cho công tác phân tích ra quyết định điều hành nhanh chóng, kịp thời và chính xác hơn. Đồng thời việc kết nối với các đối tác bên ngoài sẽ tạo ra được nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng đối tác khi cùng tham gia vào nền tảng.
MISA AMIS hiện đang được ứng dụng tại hơn 12.000 doanh nghiệp và là một trong những nền tảng số Make in Vietnam được Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn giới thiệu và bảo trợ về truyền thông để thúc đẩy chuyển đổi số.