Rộn ràng mùa dâu da An Phước

(PLO) - Xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai vốn nổi tiếng bởi các loại cây ăn trái. Nay, còn có thêm một loại trái cây đặc sản nữa là dâu hay còn gọi là dâu da. Dâu An Phước to gần bằng trái trứng gà so, khi chín màu vàng nhạt và có vị hơi chua và thanh rất khó quên.
Dâu An Phước có vị hơi chua và thanh rất khó quên
Dâu An Phước có vị hơi chua và thanh rất khó quên

Giữa tháng Tư, những vườn dâu da sai trĩu quả tại xã An Phước bắt đầu chín vàng và nhộn nhịp thương lái tới thu mua. Cây dâu được người dân nơi đây nhắc đến trân trọng không chỉ bởi nó đã gắn bó hàng chục năm tạo nên nét đặc trưng ở vùng miệt vườn này mà còn góp phần thay đổi rõ nét đời sống người dân An Phước.

Theo lời kể của các lão nông ở xã An Phước, trước kia địa phương chỉ có giống dâu rừng, ra trái rất chua nên ít người mua. Người dân đã tìm cách cấy ghép gốc dâu rừng với giống dâu xiêm để cho cây dâu ra trái sớm, trĩu quả, có vị hơi chua và thanh cho hiệu quả kinh tế khá cao gấp chục lần. Trước năm 1975 cây dâu được nhà vườn xem là cây trồng phụ (trồng xen trong nhiều cây ăn trái chính), chỉ trồng vài gốc trong vườn để có trái ăn, tặng bạn bè chứ không bán buôn. Sau này ăn không hết, đem bán thấy được giá, nhiều hộ mới nghĩ đến trồng dâu kinh doanh. Và thế là các vườn dâu dần dần được hình thành.

Dâu An Phước rất sai và trái lớn. Mỗi dây trái thường dài từ 25 cm đến 35cm, thậm chí có dây dài tới 50cm, cân nặng tới gần 1kg
Dâu An Phước rất sai và trái lớn. Mỗi dây trái thường dài từ 25 cm đến 35cm, thậm chí có dây dài tới 50cm, cân nặng tới gần 1kg

Anh Phạm Duy Tuấn ấp 1, An Phước, Huyện Long Thành, Đồng Nai cho biết: “Tuy mùa vụ năm nay, dâu da thất thu hơn những năm về trước nhưng nhìn chung vẫn được mùa”

“Cây dâu rất khó tính, thường có năm cho trái sai, năm trái thất, vì thế muốn năm nào cây dâu cũng cho trái sai không dễ. Vườn tôi năm nào dâu cũng cho trái sớm và nhiều nên bán rất được giá. Vườn tôi có khoảng 30 cây thu lời mỗi năm trên 30 triệu đồng” – Anh Tuấn chia sẻ

Dâu An Phước rất khó trồng và chăm sóc, bởi chỉ có vùng đất trũng Ấp 1,2,3 của xã là trồng được dâu. Còn những vùng đất cao trồng  trái rất nhỏ và có vị chua gắt. Nhiều nhà vườn trong tỉnh khi nghe tiếng dâu An Phước đã tìm đến mua giống về trồng, song không nơi nào trồng được kể cả vùng đất Long Khánh nơi khá ưu đãi với các loại cây ăn trái.

Cũng chính vì khó trồng, dâu An Phước luôn có giá bán cao. Mấy năm nay trái dâu được mùa được giá nên nhà vườn rất phấn khởi. Trái dâu đầu vụ được bán tại vườn với giá 28 ngàn đồng/kg, chính vụ giá từ 18 đến 25 ngàn đồng/kg. Với mỗi cây dâu trưởng thành có thể cho năng suất từ 200 - 300 kg, có những cây cho năng suất cao đến 500 kg mỗi vụ. Bình quân, 1 ha trồng dâu năng suất cao cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Với giá bán ổn định trong những năm gần đây, cây dâu đang mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ dân nơi đây. Mùa dâu An Phước bắt đầu từ cuối tháng 2 cho đến hết tháng 5, nhưng chính vụ vào tháng 4.

Nhờ vườn dâu mà anh Tuấn có thêm thu nhập ổn định
Nhờ vườn dâu mà anh Tuấn có thêm thu nhập ổn định

Các vườn dâu ở An Phước được trồng tới nay cũng hơn chục năm, có vườn toàn cây cổ thụ tuổi từ 15- 20 năm. Cây dâu càng lớn, càng lâu năm thì trái càng nhiều, cành lá xum xuê xanh tươi quanh năm. Cây dâu được người dân quan tâm chăm chút, tỉa tán, chăm bón nên càng sai trái đến trĩu oằn cành lá.

Những năm gần đây, cây dâu ở An Phước có dấu hiệu chậm phát triển (chết nhánh, ngọn) vì lý do môi trường ô nhiễm. Lý giải cho điều này, các nhà vườn ở An Phước cho biết nước từ các nhánh kênh, rạch bị ô nhiễm tràn vào vườn và gặp mưa lớn ứ đọng dài ngày. Thủ phạm gây ra ô nhiễm nguồn nước là các nhà máy quanh khu dân cư.

Đọc thêm