Sau nhiều năm đưa vào sử dụng, cuối năm 2011, cây cầu Tre bắc qua dòng Nông Giang đã bị sập một nhịp ở giữa. Chính quyền địa phương đã khắc phục, nhưng nỗi ám ảnh của mỗi người dân hai xã Xuân Phong và Xuân Khánh vẫn còn đó, mỗi khi nhân dân đi lại giao thương bị ngã xuống dòng Nông Giang nguy hiểm đến tính mạng, tài sản.
Nhiều lần, chính quyền địa phương đã có văn bản đề nghị huyện cho xây dựng một cây cầu bê tông để người dân đi lại được thuận tiện nhưng không biết khi nào nguyện vọng chính đáng này mới được chính quyền xem xét?!
|
Sau khi bị sập, chính quyền địa phương đã dùng gỗ kê tạm cho nhân dân đi lại hàng ngày. |
Sở dĩ cây cầu có tên là cầu Tre, bởi trước đây, cây cầu này được làm bằng tre, những năm 1980, 1981, cây cầu này được chính quyền địa phương tu bổ thay chân cầu và các thanh ghi hoàn toàn bằng sắt. Trên mặt cầu được lát bằng một lượt tre để nhân dân đi lại. Cầu Tre có chiều dài hơn 30 m, rộng gần 2,5m, hai bên thành cầu đều không có lan can che chắn.
Cầu Tre là con đường chính của nhân dân thôn 2 và thôn 3, đi qua sông Nông Giang sang bên kia sông làm đồng, và cũng là con đường chính để nhân dân hai xã Xuân khánh và xã Xuân Phong giao thương với nhau. Theo thống kê của UBND xã Xuân Khánh, thôn 2 và thôn 3, có gần 400 hộ với gần 1.500 nhân khẩu. Cái khó của nhân dân hai thôn là thường ngày phải đi qua cầu Tre để sang bên kia sông đi làm đồng, nên mọi phương tiện từ nhỏ đến lớn, phân bón… điều phải đi qua cây cầu “ốm yếu” không biết sập khi nào?
Do đưa vào sử dụng đã lâu cùng với hàng ngày lượng người địa phương qua lại đông, tải trọng của cầu không thể tải hết nên tháng 10/2011, cầu Tre đã bị sập ở nhịp giữa làm cho việc đi lại của nhân càng trở nên khó khăn hơn gấp bội.
Theo phản ánh của nhiều người dân, khi cầu chưa bị sập, nhân dân qua lại thường xuyên bị té xuống sông, nhiều người còn suýt mất mạng vì không biết bơi. Kể từ khi cầu bị hỏng đến nay thì tình trạng người dân bị té xuống sông lại xảy ra thường xuyên hơn.
|
Chị Thơm chỉ lại vị trí mình đã bị đổ xe phân xuống sông. |
Anh Nguyễn Văn Thành, người ở thôn 2, sống ngay gần cầu tâm sự: “Người và phương tiện đi qua cây cầu này bị rơi xuống sông là chuyện thường xuyên. Gần đây nhất là cuối năm 2011, có anh Lê Xuân Tiến, ở thôn 2, khi đang trở xe công nông lúa từ đồng trở về, khi vừa đi đến giữa cầu bỗng cả xe lúa vào ngươi bi rơi xuống sông, rất may là hôm đó nước sông cạn nên người không bị thương, còn xe và lúa thì phải thuê người lặn vớt lên”.
Cùng cảnh với anh Tiến, nhưng may mắn hơn là người không bị rơi xuống nước, chưa hết nổi kinh hoàng chị Phạm Thị Thơm, nhớ lại: “Hôm đó tôi đang thồ xe phân, vừa đi tới giữa cầu thì cầu rung rung khiến tôi mất thăng bằng thế là cả xe phân của tôi rơi tỏm mất xuống sông, tôi thì không biết bơi nếu hôm đó rơi theo xe chắc tôi chết đuối rồi”.
Từ khi cầu bị sập việc đi lại cũng như việc vận chuyển phân bón, lúa...của nhân dân hai thôn gặp rất nhiều khó khăn. Bởi phải đi xuôi xuống tận cây cầu Tây cách đó hơn nửa km, mới qua cầu vận chuyển về.
Anh Thành cho biết thêm: “Từ khi câu cầu bị xập, người dân trong thôn khi vận chuyển xa tới gần 3km. Để rút ngắn quảng đường vận chuyển, vụ mùa vừa rồi cầu hỏng, nước sông cạn người dân hai thôn đã chở lúa lên bờ sông, rồi vác lúa qua sông, khi qua sông rồi mới tiếp tục buộc lúa chở về nhà. Làm vậy vất vả lắm anh ạ”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cách cây cầu Tre khoảng 500m, có một cây cầu Tây, cầu được kiên cố hóa bằng bê tông rộng khoảng 1,5m, tuy nhiên hai bên lan can đã bị gẫy gần hết. Chính vì vậy mà nhiều người dân cho biết, thanh niên đi chơi về khuya cũng bị rơi cả người và xe xuống sông, may là cho đến nay vẫn chưa có ai bị mất mạng.
Ông Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND xã Xuân Khánh cho biết: “Mỗi năm hai lần, cứ trước vụ thu hoạch của bà con là UBND xã lại trích kinh phí xã ra tu bổ lại cầu, mỗi lần tu bỏ cũng hết hơn 20 triệu. Sau khi cầu bị sập chính quyền địa phương đã mua bạch đàn ra kê tạm lại cho nhân dân đi lại hàng ngày, đồng thời kiến nghị lên huyện nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tỉnh gì.
Hàng ngày ngoài nhân dân thôn 2, thôn 3 đi làm đồng, nhân dân hai xã Xuân Khánh và Xuân Phong đi lại giao thương với nhau, thì ẫn còn có hàng chục em học sinh nhỏ phải đi qua những cây cầu “già nua” này để đến trường học. Để có cây cầu kiên cố phục vụ cho nhân dân và các cháu học sinh qua lại, rất mong các ban ngành cấp trên quan tâm tạo điều kiện giúp nhân dân xây cầu mới ”.
Thạch Thành