“Rốt ráo” cho dự án đường sắt hơn 8 tỷ USD

(PLVN) -  Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) Đường sắt (Bộ Xây dựng) Vũ Hồng Phương cho biết, đơn vị đã và đang “nỗ lực tối đa” hoàn thành các nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi trong triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng với giá trị lên tới hơn 8 tỷ USD theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Nghị quyết số 127/NQ-CP ngày 13/05/2025.
Ông Vũ Hồng Phương - Giám đốc Ban QLDA Đường sắt, Bộ Xây dựng.

Tuyến đường sắt có tổng chiều dài hơn 403km, đi qua 9 tỉnh, thành phố, gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Dự án kết nối điểm đầu tại ga Lào Cai (nối ga Hà Khẩu Bắc của Trung Quốc) và điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện (Hải Phòng). Dự án được kỳ vọng sẽ trở thành trục giao thông huyết mạch, góp phần thúc đẩy liên kết vùng và mở rộng hành lang kinh tế hai chiều giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 194.929 tỷ đồng (hơn 8 tỷ USD). Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản, được Chính phủ yêu cầu khẩn trương lập, trình và tổ chức phê duyệt dự án; đồng thời phối hợp với các địa phương và Bộ, ngành liên quan để bảo đảm tiến độ cam kết.

Trong tháng 5 này, dự án phải hoàn tất phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật, chỉ định nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật và kỹ thuật tổng thể. Việc khảo sát, lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật (bao gồm dự toán) phải bắt đầu từ tháng 6, hoàn thành một số gói thầu trong tháng 9. Song song, Việt Nam sẽ phối hợp Trung Quốc đàm phán, ký kết hiệp định xây dựng cầu chung qua biên giới trong tháng 7 và phấn đấu hoàn tất báo cáo nghiên cứu khả thi trong cùng tháng. Báo cáo này sẽ được Hội đồng thẩm định Nhà nước trình Thủ tướng phê duyệt vào tháng 8, để kịp chỉ định thầu, ký hợp đồng thi công và khởi công trong tháng 12/2025.

Dự án cũng gắn với mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD). Các tỉnh, thành được yêu cầu chủ động rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng phụ cận các nhà ga, lập và phê duyệt các dự án khai thác quỹ đất quanh ga đường sắt. Nguồn vốn ngân sách địa phương sẽ được sử dụng để đầu tư tái định cư và phát triển hạ tầng vùng lân cận, đi đôi với đấu giá đất nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách và tái đầu tư cho phát triển đô thị.

Trao đổi với Báo PLVN, ông Vũ Hồng Phương - Giám đốc Ban QLDA Đường sắt (Bộ Xây dựng) cho biết: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Xây dựng, tập thể, người lao động PMU Đường sắt đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tổ chức kiện toàn bộ máy ban, bảo đảm đủ năng lực để quản lý thực hiện dự án; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án; báo cáo Bộ Xây dựng làm việc, trao đổi với các cơ quan phía Trung Quốc để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt khoản hỗ trợ, lựa chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

Ngoài ra, PMU Đường sắt áp dụng chính sách đặc thù được Quốc hội thông qua để lựa chọn nhà thầu lập thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở để thẩm định, phê duyệt làm cơ sở lựa chọn nhà thầu và tiến hành các thủ tục khởi công dự án vào tháng 12/2025; bàn giao hồ sơ ranh giới giải phóng mặt bằng, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cho các địa phương để triển khai thực hiện công tác xây dựng khu tái định cư, chuẩn bị các thủ tục và triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Ông Phương nhấn mạnh thêm, PMU Đường sắt sẽ hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sớm nhất để báo cáo Bộ Xây dựng và các đơn vị chức năng trình Thủ tướng phê duyệt. Đây là trách nhiệm được giao thì phải hoàn thành.

Theo đó, toàn tuyến dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng dự kiến bố trí 18 ga (3 ga lập tàu, 15 ga hỗn hợp). Quá trình khai thác, khi nhu cầu vận tải tăng lên sẽ nghiên cứu, nâng cấp một số trạm tác nghiệp kỹ thuật thành ga hỗn hợp và đầu tư bổ sung các ga khi có nhu cầu. Như vậy, việc xác định vị trí và quy mô nhà ga, hướng tuyến của dự án đã được tính toán đầy đủ dựa trên nhu cầu và dự báo tương lai về vận tải hàng hóa.

Đối với phần “thi công kết cấu hạ tầng” ông Phương cho hay các nhà thầu trong nước có thể đảm nhận được. Với hệ thống thông tin tín hiệu, đầu máy, sản xuất ray, hiện các doanh nghiệp trong nước chưa thực hiện được. Quá trình triển khai, PMU Đường sắt sẽ nghiên cứu phương án để các nhà thầu trong nước có thể tham gia thi công hoặc có thể liên danh, hợp tác với các nhà thầu, doanh nghiệp nước ngoài để triển khai thi công, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đầu tư dây chuyền, máy móc thiết bị để sản xuất linh phụ kiện, vật tư, phương tiện, thiết bị cho dự án...

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng không chỉ là công trình giao thông mà còn là đòn bẩy chiến lược thúc đẩy tăng trưởng vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ và hành lang kinh tế vùng, bắt buộc hoàn thành vào năm 2030.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh vừa ký Quyết định số 583/QĐ-BXD về việc giao nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 5 dự án đường sắt trọng điểm cho các ban quản lý dự án trực thuộc. Theo đó, Ban Quản lý dự án 2 được giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn. Dự án có chiều dài 156km, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 150.000 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án Thăng Long được giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư tuyến đường sắt Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái. Dự án có chiều dài 187km, tổng mức đầu tư hơn 175.000 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án 85 được giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư tuyến đường sắt Vũng Áng - Mụ Giạ. Dự án có tổng chiều dài khoảng 103km, tổng mức đầu tư khoảng 27.485 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ. Dự án có chiều dài 175,2km, tổng mức đầu tư khoảng 219.829 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án 6 được giao lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Dự án có tổng chiều dài 132km; tổng mức đầu tư 143.371 tỷ đồng.

Đọc thêm