Rùng mình nước giải khát xe đạp

Xài thức nước giải khát hóa học này, các “thượng đế” có thể sẽ bị ngộ độc mãn tính, không loại trừ mắc các chứng bệnh ung thư về lâu dài. Hơn nữa, đồ bán nước giải khát rất mất vệ sinh. Ly uống nước được rửa qua loa sau khi người này uống xong lại dùng cho người kia nên nguồn lây bệnh không kiểm soát được, nhất là các bệnh tả, lao, viêm gan siêu vi B…
Khi “chảo lửa” từ trên trời chao xuống, phố phường Hà Nội đang  xuất hiện một đội quân bán nước giải khát bằng xe đạp. Thực đơn có đủ vị, từ cam, ổi, dâu, xoài…,  giá bèo, chỉ  với 2.000 đồng/cốc. Nhưng lần theo những người bán nước dạo, phóng viên không khỏi rùng mình.
Giải khát dạo mang theo đầy nguy cơ bệnh tật

Chiếc xe đạp cũ kỹ, trên giỏ xe đựng chiếc thùng đá, phía dưới là thùng đựng đồ nước uống, vài chiếc cốc nhựa treo lủng lẳng trong túi ni lông ở tay lái… Đó là “đồ nghề” của những người bán nước giải khát dạo phục vụ tức thời ở Hà Nội. 

Đội quân bán nước giải khát dạo bằng xe đạp di chuyển cơ động, nhưng thường tập trung tại các trường học, khu công nghiệp. Với giá thành rẻ, đội quân này rất “được lòng” những “thượng đế’ ít tiền.

Tại một “quán” nước di động, cô bán hàng tuổi chừng ngoài 30 vừa lấy tay phủi bụi những chiếc cốc nhựa, vừa lấy vài viên đá cho vào cốc. Chẳng cần pha vắt hoa quả, cô lấy chiếc lọ đựng thứ nước màu vàng có ghi nhãn là nước cam rồi đổ 2 thìa nhỏ vào cốc có vài viên đá và ngân ngấn nước lọc, lấy đôi đũa ngoáy ngoáy vài cái. Thế là xong một cốc nước quả “thượng hạng”.

Nhanh gọn- thuận tiện, loáng một cái, cô bán hàng phục vụ xong 5 người một lúc. Các “thượng đế” hút một hơi hết cốc nước, trơ lại viên đá. Cơn khát được giải tỏa, họ vui vẻ rút ví thanh toán. Ngay khi tốp “thượng đế” đi khỏi, cô bán hàng “tận dụng” những viên đá còn sót ở đáy cốc, lấy nước trắng tráng qua rồi lại đổ vào chiếc thùng đựng đá. Cô không quên lấy cốc và ống mút nhúng qua quýt vào chiếc xô nho nhỏ chứa một nửa lượng nước treo bên hông xe đạp rồi bắt đầu chờ những “thượng đế” tiếp theo.

“Sao chị lấy giá “bèo” thế, trong các loại hoa quả tươi không hề rẻ?” – phóng viên hỏi. “Tuyền hương liệu thơm ngon chiết xuất từ hoa quả đấy. Bọn em tuyền nhập ở phố Hàng Buồm, thơm nhể, chị nhể!”- cô bán hàng cười, đáp.
3 hóa chất trong 1 cốc nước!

Các cửa hàng bánh kẹo, hương liệu ở phố Hàng Buồm nhộn nhịp người ra vào. Hầu như cửa hàng nào cũng bán hoá chất tạo mùi: chanh leo, dâu tây, nho, xoài... với giá 35.000 đồng/chai. Hầu hết, chúng đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, không địa chỉ, tên cơ sở sản xuất, không nhãn mác, không thương hiệu, không ai biết được chất lượng thực sự thế nào.

Theo sự chỉ bảo của chủ cửa hàng, chai màu vàng là nước cam, nước xoài, còn chai màu đỏ, tím làm nước dâu và nho…Còn pha chế thì tùy, muốn lãi nhiều thì pha loãng.

 Để làm ngon miệng “thượng đế”, những người bán nước dạo còn mua thêm các loại hương, màu và chất tạo ngọt (đường hóa học) để trộn lẫn với nhau tạo thành thứ nước “bổ dưỡng”. Tổng cộng tốn khoảng 50.000 đồng, người bán hàng giải khát rong có thể pha được khoảng 70 cốc .

Vậy là những loại thức uống xe đạp rong ra đời với giá chỉ 2.000/đồng/cốc nhỏ - 3.000 đồng/cốc to, kèm theo những cái tên hấp dẫn như: nước cam, me, dừa, táo, ổi... Bán giá “bèo” nhưng tiền lãi vẫn đủ để các cô bán hàng giải khát rong này…cười tươi!
Hương liệu pha chế trời ơi đất hỡi

Xài thức nước giải khát hóa học này, các “thượng đế” có thể sẽ bị ngộ độc mãn tính, không loại trừ mắc các chứng bệnh ung thư về lâu dài. Hơn nữa, đồ bán nước giải khát rất mất vệ sinh. Ly uống nước được rửa qua loa sau khi người này uống xong lại dùng cho người kia nên nguồn lây bệnh không kiểm soát được, nhất là các bệnh tả, lao, viêm gan siêu vi B…
Thùy Dương

Đọc thêm