Rùng mình rác y tế “thâm nhập” dân sinh (kỳ 1)

Bệnh viện Đa khoa An Dương (Bệnh viện huyện An Dương) "tiếng" là đã được đầu tư xây dựng hệ bể xử lý nước thải với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng, tuy nhiên, thực chất đây chỉ là những bể chứa nước thải. Quy trình xử lý khiến ai cũng phải rùng mình: dùng hóa chất “bơm” thẳng vào bể, sau khi cho lắng cặn, xả thẳng ra sông Đa Độ.

Các cơ sở y tế như phòng khám, bệnh viện… là những nguồn phát thải lớn, trong đó có nhiều loại rác thải, chất thải nguy hại có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống và sức khỏe con người. Thế nhưng, hiện nay trên địa bàn TP. Hải Phòng, các loại rác, chất thải  y tế vẫn chưa được quan tâm, xử lý đúng mức.

Nước thải bệnh viện được đổ vào hệ thống nước sinh hoạt trên địa bàn huyện An Dương
Nước thải bệnh viện được đổ vào hệ thống nước sinh hoạt trên địa bàn huyện An Dương

Theo báo cáo của UBND TP Hải Phòng, đến nay, trên địa bàn Hải Phòng mới có 8/26 bệnh viện được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế. Duy nhất một bệnh viện được đầu tư lò đốt rác thải theo công nghệ của Nhật Bản. Việc xử lý chất thải nguy hại của hầu hết các cơ sở y tế, phòng khám tư, cơ sở dược còn lại đều thực hiện thuộc dạng “mạnh ai nấy làm”.

Thành lập từ năm 1959, Bệnh viện Đa khoa An Lão (Bệnh viện huyện An Lão) đã không ngừng phát triển với quy mô lớn gồm 2 cơ sở, 16 khoa, phòng và 238 cán bộ, nhân viên. Trung bình mỗi ngày bệnh viện này phục vụ 600 bệnh nhân điều trị nội, ngoại trú nên đã thải ra một khối lượng rác, nước thải khá lớn.

Thế nhưng, đến nay Bệnh viện An Lão vẫn chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải, rác thải hiện đại nên vẫn phải tự xử lý bằng các biện pháp thủ công nên chưa thực sự đảm bảo an toàn cho môi trường xung quang.

Ông Phạm An Hiện, Phó giám đốc Bệnh viện cho biết, hệ thống xử lý chất thải của bệnh viện chưa đạt chuẩn vì được xây dựng mang tính chất tạm thời, “đợi” đầu tư để xây mới hệ thống xử lý chất thải hiện đại. Do tính chất tạm thời, các thiết bị xử lý chất thải chỉ nhằm hạn chế tối đa trong công tác diệt khuẩn, hạn chế nguồn bệnh, vi khuẩn gây bệnh phát tác trong môi trường.

Theo ông Hiện, để có thiết bị xử lý nước thải y tế, chất thải y tế theo đúng quy định của Bộ Y tế, bệnh viện đang thực hiện các bước khảo sát, đánh giá tác động môi trường để lên phương án đầu tư trang thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường phù hợp. Sau khi có kết quả khảo sát, đánh giá tác động môi trường, phương án đầu tư còn cần phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bệnh viện Đa khoa An Dương (Bệnh viện huyện An Dương) "tiếng" là đã được đầu tư xây dựng hệ bể xử lý nước thải với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng, tuy nhiên, thực chất đây chỉ là những bể chứa nước thải. Quy trình xử lý khiến ai cũng phải rùng mình: dùng hóa chất “bơm” thẳng vào bể, sau khi cho lắng cặn, xả thẳng ra sông Đa Độ.

Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Bệnh viện An Dương bày tỏ: “Vẫn biết hệ thống xử lý nước thải lạc hậu, chưa đảm bảo yêu cầu, nhưng do không được đầu tư thêm nên chúng tôi vẫn buộc phải sử dụng”.

Bà Vũ Thị Hà, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện An Dương phân trần, trước khi xả thải ra môi trường, nước thải từ khu xử lý còn được xả vào một ao nước. Tại ao, bệnh viện thả thêm bèo tây để một lần nữa “lọc” nước theo phương pháp sinh học. Chưa kiểm nghiệm cụ thể nước ở ao bèo có đảm bảo vệ sinh môi trường hay không nhưng thấy cá dưới ao vẫn phát triển!.

Không riêng các bệnh viện tuyến huyện, ngay cả một số bệnh viện lớn của Hải Phòng cũng xảy ra tình trạng tương tự, nước thải của bệnh viện thường được xả thẳng vào hệ thống nước thải sinh hoạt. Lãnh đạo các bệnh viện này chung một điệp khúc than thở: Hệ thống xử lý nước thải ít được quan tâm, đầu tư nên bị xuống cấp, hư hỏng, không đảm nhiệm được vai trò xử lý nước thải y tế.

Theo con số thống kê của Sở y tế TP. Hải Phòng, hiện trên địa bàn TP có tất cả trên 1.300 cơ sở y tế, trong đó có 26 bệnh viện các cấp, 224 trạm y tế xã, phường… một lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng thẳng thắn thừa nhận: “Vấn đề xử lý nước thải, chất thải y tế là nỗi bức xúc lớn của cả ngành y tế địa phương, cơ quan quản lý cũng nắm bắt được thực trạng nhưng khổ nỗi là nguồn ngân sách đang khó khăn, trong khi các bệnh viện chưa thể tự cân đối thu, chi, viện phí lại chưa tăng nên rất khó trong việc tìm nguồn đầu tư, xây dựng”.

Hồng Nguyên

Đọc thêm