Rùng mình với mứt Tết ướp trong bao thức ăn gia súc

Trấn an người tiêu dùng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận khẳng định, thành phố sẽ thành lập các đội xử lý nhanh, công khai những đơn vị sản xuất kém chất lượng, gian dối trong sản xuất và nhà sản xuất thiếu đạo đức sẽ bị đóng cửa. Tuy nhiên…

Trấn an người tiêu dùng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận khẳng định, thành phố sẽ thành lập các đội xử lý nhanh, công khai những đơn vị sản xuất kém chất lượng, gian dối trong sản xuất và nhà sản xuất thiếu đạo đức sẽ bị đóng cửa. Tuy nhiên…

Công nghệ “sấy” mứt Tết bên hè đường. Ảnh: MH
Công nghệ “sấy” mứt Tết bên hè đường. Ảnh: MH

Thực phẩm bị tẩm độc

Chi cục QLTT  TP.HCM vừa kiểm tra, bắt quả tang cơ sở Mứt Liên, số 621 Phạm Văn Chí, quận 6, TP.HCM đang tẩm ướp hóa chất nguyên liệu làm mứt trong các bao bì đựng thức ăn dùng cho gia súc. Tại hiện trường, phát hiện ba thùng hóa chất công nghiệp được chủ cơ sở dùng để chế biến mứt sen, 4 tấn mứt trái cây Trung Quốc không xuất xứ, không nhãn mác và không thời hạn sử dụng đang chứa tại đây. 

Trước đó, Đội QLTT quận Thủ Đức cũng vừa tịch thu 903kg hàng gồm xí muội, mứt tắc, táo khô nhập lậu và kém chất lượng do xe khách chở từ miền Bắc đưa vào TP.HCM tiêu thụ mùa tết Nhâm Thìn. Tại Cty Mộc Thủy (phường Thới An, quận 12), Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cũng phát hiện mặt hàng mứt hiệu Kaze chứa hóa chất malachite green, loại hóa chất bị cấm sử dụng trong thực phẩm vì có khả năng gây ung thư cho người sử dụng.

Trên thị trường thực phẩm, cũng nhan nhản các lô hàng lạp xưởng, thịt khô, giò chả, hoa qủa sấy khô, thịt đông lạnh bị mốc thiu, bốc mùi và chứa hóa chất độc hại. Tại cơ sở sản xuất lạp xưởng Hồng Ngọc (đường Phan Anh, quận Bình Tân), cơ quan chức năng đã phát hiện 500 kg mỡ thối, nguyên liệu dùng chế biến lạp xưởng.

Tại một cơ sở chế biến thịt khô  ở phường Bình Trưng Đông, quận 2, cơ quan chức năng vừa thu giữ 492 kg thịt heo đã bốc mùi đang ngâm hóa chất độc hại, 1,7 tấn thịt khô đã đóng gói, hơn 3,5 tấn thịt đang luộc để chờ chế biến. Cơ sở Hồng Ngọc còn dùng phẩm màu không rõ nguồn gốc để tạo màu và hóa chất để khử mùi của mỡ thối cũng đã bị phát hiện.  Tại cơ sở chế biến lạp xưởng Bảo Trân (Phú Thạnh, quận Tân Phú), một kho chứa mỡ đã hư thối đã bị đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) phát hiện.

Tại cửa ngõ phía Bắc TP.HCM, hiện nay mỗi ngày cơ quan chức năng bắt giữ khoảng 600-700 kg thịt bẩn. Bà Đặng Thị Tuyết, Trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức cho biết, tổng số các vụ thịt bẩn chuyển từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc vào tiêu thụ tại TP.HCM bị bắt giữ, nhiều lô hàng đã bị bốc mùi hôi, mốc xanh, rỉ nước đen rất nguy hiểm cho người sử dụng.

Chờ sự quyết liệt

Được biết, trên địa bàn TP.HCM hiện có khoảng 46.800 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đang hoạt động, trong đó nhiều cơ sở hoạt động không phép hoặc trái với giấy phép được cấp. Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM cho biết, qua kiểm tra công tác ATVSTP từ đầu năm đến nay đã phát hiện 1.146 cơ sở vi phạm và phạt với số tiền trên 4 tỉ đồng, đình chỉ hoạt động 181 cơ sở, kiểm tra gần 600 bếp ăn tập thể thì đã có 50% vi phạm.

Nhìn vào kết quả kiểm tra này có thể thấy việc kiểm soát chất lượng thực phẩm trên địa bàn thành phố vẫn đang nằm ngoài vòng kiểm soát và người tiêu dùng khó tránh khỏi chuyện ăn phải thực phẩm kém chất lượng.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong mùa tết sắp tới, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các ngành, chính quyền quận huyện tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận cho biết, về lâu dài UBND thành phố đang trình HĐND để tăng thêm 60 biên chế cho lực lượng kiểm tra, xử lý an toàn thực phẩm; đồng thời xem xét để trang bị thêm thiết bị kiểm tra nhanh mẫu thực phẩm. Sắp tới thành phố sẽ thành lập các đội xử lý nhanh, công khai những đơn vị sản xuất kém chất lượng, gian dối trong sản xuất và nhà sản xuất thiếu đạo đức sẽ bị đóng cửa.

Năm 2011, Chi Cục QLTT TP.HCM đã xử lý 10.812 vụ vi phạm, tăng 528 vụ vi phạm so với năm trước, trong đó hàng cấm chiếm  265 vụ,  hàng nhập lậu 1.148 vụ, giả nhãn hiệu hàng hóa 579 vụ, vi phạm quy định về nhãn hàng hóa 852 vụ. Đã xử phạt 4.191 vụ, thu hơn 106 tỷ đồng, tăng 51,37% so với năm 2010.

Mị Na

Đọc thêm