Rưng rưng xúc động trong “Miền xa thẳm”

(PLVN) - Chương trình "Miền xa thẳm" chính luận nghệ thuật đặc biệt “Miền xa thẳm” đã khắc sâu vào trái tim người xem với niềm xúc động sâu sắc, để mỗi người tự cảm nhận và nghiêng mình tưởng nhớ công lao các anh hùng liệt sĩ, để sống sao cho xứng đáng với máu xương họ đã đổ vì Tổ quốc.
"Miền xa thẳm" với các tuyến phóng sự và tiểu phẩm kể về những câu chuyện hy sinh của các anh hùng liệt sĩ (ảnh P.V).

“Miền xa thẳm” diễn ra tối ngày 30/7/2024 tại Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt Xô, truyền hình trực tiếp trên kênh H1, kênh phát thanh FM96, ứng dụng Hà Nội ON và các nền tảng số của Đài Hà Nội. Chương trình do Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024) là tấm lòng của người Hà Nội tri ân và tưởng nhớ công lao to lớn của các chiến sĩ đã hy sinh xương máu, viết nên những trang sử hào hùng cho dân tộc.

Trong 120 phút, “Miền xa thẳm” giới thiệu những tác phẩm sống mãi với thời gian, được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật. Những tác phẩm này được chuyển soạn và phối khí lại cho dàn nhạc bán cổ điển, nhằm mang đến cho khán giả những cảm xúc sâu lắng, xen lẫn niềm tự hào. Qua đó, người xem càng thấu hiểu và trân trọng hơn giá trị của hòa bình.

Ngoài các bài hát, chương trình còn có các tuyến phóng sự và tiểu phẩm kể về những câu chuyện hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Đặc biệt là câu chuyện về ca mổ đau đớn nhất trong đời người của bác sĩ Vũ Đình Tụng (Bộ trưởng Bộ Thương binh, cựu binh đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa).

Mùa đông năm 1946, ngay trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, nhiều người con ưu tú của Hà Nội đã ngã xuống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Có một câu chuyện về ca mổ đau đớn nhất trong cuộc đời bác sĩ Vũ Đình Tụng, vị Bộ trưởng bộ Thương binh, cựu binh đầu tiên của nước ta, đến nay vẫn để lại nhiều xúc cảm.

Giữa một đêm tháng chạp năm 1946, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận trường hợp đặc biệt. Đó là một chiến sĩ tự vệ thành Hà Nội còn rất trẻ. Anh bị thương do một đường đạn chí mạng từ sau lưng xuyên phá ra phía trước khiến vỡ bụng và được chỉ định phải phẫu thuật ngay. Vết thương tuy rất nặng, đau xé cả tim gan nhưng người chiến sĩ vẫn cắn răng chịu đựng.

Ngay từ chiều tối, bác sĩ Vũ Đình Tụng đã tập trung cao độ cho việc cứu chữa hàng chục chiến sĩ từ khắp các mặt trận trong nội thành chuyển về. Áp lực công việc khiến ông căng thẳng tới mức tột độ.

Khi ấy, các đồng nghiệp khuyên ông tạm nghỉ tay sau cả ngày làm việc cật lực, nhưng bác sĩ Tụng vẫn quyết tâm phẫu thuật ngay khoang bụng cho người chiến sĩ trẻ. Bỗng ông sững sờ khi bắt gặp một gương mặt thân thương, quá đỗi quen thuộc...

Trong thời khắc ấy, bác sĩ Tụng cố nghiến răng, kìm chế cảm xúc để bình tĩnh gắp mảnh đạn cuối cùng trên thân thể người chiến sĩ. Cho dù đã hết sức cố gắng nhưng vết thương quá nặng đã cướp đi người con trai yêu quý của bác sĩ Vũ Đình Tụng. Trước đó, con trai cả của ông, Vũ Đình Tín, cũng đã hy sinh sau ngày Tổng khởi nghĩa. Ông choáng váng rời khỏi phòng mổ... Đó là ca phẫu thuật đau đớn nhất trong đời người bác sĩ!

Sau đêm Giáng sinh 1946, vào một chiều mưa phùn gió bấc, khi vừa mổ xong cho thương binh, bác sĩ Trần Duy Hưng, lúc bấy giờ là Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đến thăm bệnh viện và trực tiếp đưa ông bức thư ngắn của Hồ Chủ tịch: "Gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng, thưa ngài! Tôi được báo cáo rằng: Con giai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc.

Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước.

Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam".

Sau bức thư ấy, tháng 6/1947, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày Thương binh - Liệt sỹ để toàn thể đồng bào có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa với những người đã hy sinh để bảo vệ giống nòi, Tổ quốc.

Những tác phẩm nghệ thuật tưởng nhớ công lao to lớn của các chiến sĩ đã hy sinh xương máu, viết nên những trang sử hào hùng cho dân tộc (ảnh P.V)

Những phóng sự về tấm gương chiến đấu, hi sinh của các chiến sĩ khắp các mặt trận Sài Gòn, Quảng Trị, Vị Xuyên... một lần nữa được xuất hiện trên sóng truyền hình để nhắc nhớ thế hệ sau không bao giờ quên ơn các tấm gương đầy oanh liệt của cha anh ta đi trước.

Những phóng sự về tấm gương chiến đấu, hi sinh của các chiến sĩ khắp các mặt trận Sài Gòn, Quảng Trị, Vị Xuyên... một lần nữa được xuất hiện trên sóng truyền hình để nhắc nhớ thế hệ sau không bao giờ quên ơn các tấm gương đầy oanh liệt của cha anh ta đi trước. Chính bởi vậy, một lần nữa chương trình đã khắc sâu vào trái tim người xem với niềm xúc động sâu sắc, để mỗi người tự cảm nhận và nghiêng mình tưởng nhớ công lao các Anh hùng Liệt sĩ, để sống sao cho xứng đáng với máu xương họ đã đổ vì Tổ quốc.

Ngoài điểm cầu chính là Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt Xô, chương trình còn kết nối với 5 điểm cầu trên khắp cả nước: Đền thờ Anh hùng Liệt sĩ điểm cao 468 (Thanh Thủy, Hà Giang), Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang), Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (Quảng Trị), Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị), Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo).

Ngoài điểm cầu chính là Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt Xô, chương trình còn kết nối với 5 điểm cầu trên khắp cả nước: Đền thờ Anh hùng Liệt sĩ điểm cao 468 (Thanh Thủy, Hà Giang), Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang), Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (Quảng Trị), Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị), Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo). Đây đều là những nơi linh thiêng, ghi dấu những hy sinh cao cả của các Anh hùng Liệt sĩ. Việc lựa chọn những địa điểm này nhằm tạo ra một không gian kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp khán giả cảm nhận sâu sắc hơn về ý nghĩa của sự hy sinh và lòng biết ơn đối với những người đã ngã xuống.