Đừng quên “thải độc” cho tâm hồn
Ngày nay, nhu cầu về sức khỏe và thanh lọc cơ thể trở thành xu hướng bùng nổ trong xã hội. Rất nhiều người đổ xô chạy theo những phương pháp giúp loại bỏ độc tố vật lý trong cơ thể, từ các liệu pháp detox đến các sản phẩm giảm cân, thanh lọc...
Tuy nhiên, đáng báo động là một số phương pháp này chưa được kiểm chứng khoa học hoặc có thể gây hại cho sức khỏe. Chẳng hạn như việc sử dụng thuốc detox không rõ nguồn gốc, các chế độ ăn cực đoan, hoặc thậm chí những liệu pháp xông kì lạ như thải độc bằng đưa cà phê vào trực tràng, uống nước muối... dẫn đến mất nước và suy nhược cơ thể.
Dù chúng ta chú trọng đến việc thải độc cơ thể, tâm trí lại thường bị lãng quên. Không phải ai cũng nhận ra rằng, tâm hồn cũng cần được “thanh lọc” khỏi những cảm xúc tiêu cực và sự áp lực của cuộc sống hàng ngày. Tâm lý học hiện đại đã chỉ ra rằng, những cảm xúc tiêu cực tích tụ lâu ngày có thể gây ra nhiều vấn đề về tâm lý, từ lo âu, trầm cảm đến rối loạn giấc ngủ và các bệnh lý tinh thần khác. Vậy tại sao chúng ta không quan tâm đến việc thanh lọc tâm trí như cách ta chăm sóc cho cơ thể?
Cuộc sống hiện đại đã khiến người ta luôn trong trạng thái bận rộn không ngừng nghỉ. Người người đều phải làm việc, suy nghĩ và liên tục chạy đua với các dự án, kế hoạch. Chúng ta truy đuổi mục tiêu, kỳ vọng, và dường như quên mất cách thư giãn thực sự. Bộ não phải đối mặt với áp lực liên tục từ công việc, gia đình và các vấn đề cá nhân, dẫn đến việc suy nghĩ không ngừng. Điều này khiến cơ thể và tâm trí rơi vào tình trạng kiệt sức, mệt mỏi và căng thẳng mãn tính.
Chính vì thế, việc thanh lọc tâm trí trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Thanh lọc tâm trí không chỉ giúp giảm căng thẳng mà còn tạo điều kiện cho não bộ “nghỉ ngơi” và tái tạo. Khi đầu óc được trống rỗng, không còn vướng bận bởi những lo lắng, suy nghĩ tiêu cực, chúng ta có thể phục hồi năng lượng, cải thiện sự tập trung và sáng tạo. Việc thanh lọc tâm trí có thể được hiểu là quá trình loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, cảm xúc không lành mạnh và stress, tạo không gian cho sự bình yên và tích cực. Đây là quá trình cần thiết để người ta có thể sống một cuộc sống cân bằng và hạnh phúc.
Một số nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng thư giãn và thanh lọc tâm trí có tác động mạnh mẽ đến sức khỏe tâm thần và năng suất làm việc. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA), việc giảm căng thẳng thông qua các hoạt động như thiền định, yoga, hoặc chỉ đơn giản là nghỉ ngơi, có thể giúp cải thiện tâm trạng, giảm các triệu chứng lo âu, trầm cảm và thậm chí tăng cường khả năng đối phó với những thử thách trong cuộc sống. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Psychology cho thấy rằng thiền định không chỉ giảm căng thẳng mà còn cải thiện khả năng tập trung và tư duy sáng tạo. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người tham gia vào các hoạt động thư giãn đều đặn có sự cải thiện đáng kể về năng suất làm việc, với hiệu suất tăng khoảng 15 - 20% sau các đợt thư giãn ngắn.
Tiến sĩ Jon Kabat-Zinn, một trong những nhà tiên phong trong lĩnh vực mindfulness từng nhấn mạnh rằng việc để tâm hồn thoát khỏi các áp lực và trở về trạng thái tự nhiên là cách giúp chúng ta tiếp xúc lại với bản chất con người thực sự. Ông cho rằng, việc “thanh lọc” tâm trí không phải là tránh né hay loại bỏ hoàn toàn các vấn đề, mà là học cách chấp nhận và xử lý chúng một cách lành mạnh.
Tạm dừng lại để nghỉ ngơi và bước tiếp
Thực tế, cách “thải độc” cho tâm hồn đôi khi đơn giản đến lạ lùng. Đó hầu như là những cách mà ta có thể dễ dàng tiếp xúc, lựa chọn hàng ngày. Nhưng quan trọng nhất vẫn là con người có được sự tự nhận thức rằng mình đang “quá tải” về tâm trí, chịu dừng lại để nghỉ ngơi, để thanh lọc và bước tiếp.
Một trong những cách hiệu quả nhất để “thanh lọc” tâm trí chính là kết nối với thiên nhiên. Các nghiên cứu từ Đại học Stanford chỉ ra rằng, dành thời gian trong môi trường tự nhiên có thể giảm mức cortisol (hormone gây stress) trong cơ thể lên đến 20%. Việc tiếp xúc với thiên nhiên giúp chúng ta tĩnh tâm, cảm nhận sự bình yên và xoa dịu những cảm xúc tiêu cực.
Thiền sư Thích Minh Niệm, trong nhiều bài giảng của mình, cũng khuyến khích mọi người hãy tìm đến thiên nhiên như một cách để thả lỏng và tái tạo năng lượng. Thiên nhiên là người thầy vĩ đại nhất. Trong sự tĩnh lặng của đất trời, chúng ta học cách lắng nghe trái tim mình.
Trong sự bộn bề, mệt mỏi, trầm cảm hay lo âu, nhiều người đã tìm đến thiên nhiên để nghỉ ngơi, tìm lại sự cân bằng cho tâm trí. Có người tham gia những chuyến du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, để đứng trước thiên nhiên hùng vĩ, tâm trí trở nên nhỏ bé, trống rỗng, lắng đọng. Việc trồng cây, chăm sóc một khu vườn nhỏ cũng là một cách tuyệt vời để “thanh lọc” tâm hồn mà nhiều người lựa chọn. Hoạt động làm vườn không chỉ mang lại cảm giác thư giãn mà việc chăm sóc cây cối, quan sát chúng lớn lên, nâng niu những mầm xanh giúp chúng ta cảm thấy mình có trách nhiệm với một điều gì đó tốt đẹp, đồng thời kết nối với thiên nhiên, mang lại cảm giác bình an.
Cạnh đó, đọc sách, nghe nhạc, thiền định, hay thậm chí chỉ là vài khoảnh khắc ngồi nhâm nhi một ly trà, ly cà phê nóng và ngắm nhìn cảnh vật mỗi ngày cũng có thể làm cho lòng người ta dịu đi, tâm hồn bớt xao động, được nhẹ nhàng, an nhiên.
Nguyễn Thị Thanh An, nhân viên một công ty quảng cáo làm việc tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Nghề nghiệp của mình đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng nghỉ, đồng thời phải luôn nhanh, nhanh hết sức để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Lâu dần, những áp lực vô hình khiến mình cảm thấy ngộp thở, nhiều lúc muốn bỏ nghề dù thu nhập đang rất tốt. Cách đây một năm, nhờ một người đi trước hướng dẫn, mình nhận ra rằng chạy trốn hay từ bỏ không phải là một lựa chọn tốt khi đối mặt với khó khăn và thách thức trong cuộc sống. Dù bây giờ ta có chạy trốn, khó khăn hay thách thức vẫn sẽ đến vào lúc khác thôi. Quan trọng nhất là học cách sống chung với thử thách, chuyển hóa khó khăn. Mình nhận ra rằng lý do của sự mệt mỏi và nản lòng là do mình không biết cách nghỉ ngơi, thư giãn và thanh lọc mà để đầu óc hoạt động liên tục, cuốn xoáy vào công việc quá nhiều. Mình bắt đầu lựa chọn những phương pháp “thanh lọc” tâm trí bằng những việc đơn giản hàng ngày. Mỗi ngày mình dành một khoảng thời gian nhất định để “không nghĩ gì cả”, chỉ là ngắm một bông hoa nở, hay uống một tách trà, nghe một bản nhạc yêu thích.
Đọc sách, đặc biệt là những cuốn sách có nội dung tích cực và truyền cảm hứng, chính là một liều thuốc tinh thần hữu hiệu cho mình. Viết lách cũng là một phương pháp giúp giải tỏa stress hiệu quả. Việc viết ra những suy nghĩ, cảm xúc của mình là cách để đối diện với chúng và từ đó có thể nhìn thấy rõ hơn những gì đang diễn ra trong tâm hồn mình. Thi thoảng, mình thu xếp ngày nghỉ để đi ngắm cảnh, hòa mình vào thiên nhiên. Mình còn dành thời gian tập yoga và cả thiền định. Bằng những phương pháp giản dị được thực tập thường xuyên ấy, mình nhận ra mình không còn mệt mỏi, căng thẳng, cả sức khỏe thể chất, tinh thần đều được nâng cao. Khả năng sáng tạo tốt hơn, đi cùng với sự yêu đời, yêu công việc của chính mình”.
Có thể nói, việc “thải độc” tâm trí không diễn ra trong một ngày mà là một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn và ý thức rõ ràng. Điều quan trọng là chúng ta cần học cách chấp nhận và buông bỏ những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực, để tìm lại sự bình yên trong tâm hồn.