Được chất vấn từ ngày đầu tiên của phiên chất vấn nhưng sáng nay (18/11), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường mới được chủ tọa bố trí để trả lời.
Giải thích rõ hơn, Bộ trưởng cho biết, theo qui định hiện hành, hộ gia đình là chủ thể của giao dịch dân sự nên được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Vì đất đai là tư liệu sản xuất, tài sản lớn nên pháp luật đều quy định mọi giao dịch liên quan đến QSDĐ của hộ gia đình phải được sự đồng ý của tất cả các thành viên hộ gia đình từ 15 tuổi trở lên.
Do đó, khi công chứng các giao dịch về QSDĐ, tổ chức hành nghề công chứng cũng như UBND cấp xã phải yêu cầu tất cả các thành viên có mặt hoặc phải được ủy quyền là đúng pháp luật để việc các thành viên khác tránh tự ý định đoạt, xâm phạm quyền sở hữu, gây ra khiếu nại, khiếu kiện phức tạp…
Khắc phục sự rườm rà này để giảm phiền hà về thủ tục công chứng giao dịch về QSDĐ, trong đó có thế chấp QSDĐ, Chính phủ đã trình QH dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) đã lấy ý kiến nhân dân và được sự đồng thuận cao theo hướng, không quy định hộ gia đình là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Hộ gia đình tham gia vào quan hệ dân sự thông qua đại diện.
Nếu đề xuất được thông qua tại kỳ họp này, các quy định liên quan đến QSDĐ của hộ gia đình là chủ thể QSDĐ trong luật đất đai và các văn bản quy định hướng dẫn thi hành sẽ được sửa đổi cho phù hợp. “Chúng tôi cho rằng đây là giải pháp căn cơ để giảm thiểu thủ tục hành chính, không còn việc tất cả các thành viên trong hộ gia đình phải có mặt hoặc phải ủy quyền khi ký hợp đồng thế chấp về QSDĐ” - Bộ trưởng khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đến nay, Chính phủ và các Bộ liên quan đều đã ban hành đủ các văn bản qui định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Công chứng, Luật Đất đai, sửa đổi các văn bản liên quan cho phù hợp.
“Các văn bản hướng dẫn đảm bảo đồng bộ, sát thực tiễn, không bổ quy định thêm về thủ tục công chứng thế chấp QSDĐ, quan tâm đến đơn giản hóa thủ tục hành chính như cho ủy quyền công chứng, tạo điều kiện cho người dân lựa chọn công chứng phù hợp với địa bàn” – Bộ trưởng cho biết.