Đăng đàn tại Quốc hội ngày 17/11, Bộ trưởng Bộ xây dựng Trịnh Đình Dũng nói ông tự tin tình trạng bong bóng bất động sản khó xảy ra.
Theo Bộ trưởng, hiện nay một số dự án có vị trí tốt, hạ tầng dịch vụ đầy đủ, tiến độ thi công nhanh, giá cao và chủ đầu tư cũng chủ động tăng giá, từ đó dẫn đến lo ngại là tình hình bong bóng bất động sản có thể diễn ra trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các chuyên gia cũng như theo kinh nghiệm của những nước đã trải qua thời kỳ bong bóng bất động sản, tình trạng này chỉ xảy ra khi hội tụ đầy đủ 5 yếu tố.
Cụ thể, trong 5 yếu tố được nhắc đến, thứ nhất là nền kinh tế phát triển không ổn định, đặc biệt là phát triển nóng. Thứ hai là các thị trường khác hoạt động không ổn định và thiếu hấp dẫn, cho nên người ta dồn tiền vào thị trường bất động sản. Thứ ba là nguồn cung bất động sản thiếu hoặc lệch pha cung cầu. Thứ tư là chính sách tài chính tín dụng bất động sản lỏng lẻo dẫn đến nguy cơ bong bóng. Thứ năm là thiếu sự kiểm soát và can thiệp kịp thời của nhà nước trong quá trình quản lý hoạt động đầu tư, đặc biệt quản lý phát triển đô thị, quản lý thị trường bất động sản.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng |
“Các yếu tố trên đối chiếu với tình hình hiện nay khó có thể xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản. Vì kinh tế của chúng ta đang phục hồi và tăng trưởng ổn định vĩ mô cũng như nền cân đối lớn của các nền kinh tế đã giữ được mức độ ổn định cùng các yếu tố khác”, Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành xây dựng cũng cho rằng diễn biến của thị trường bất động sản là rất phức tạp nên không thể chủ quan mà còn phải chủ động điều hành để đảm bảo cho thị trường bất động sản phát triển bền vững.
“Nếu thị trường bất động sản phát triển bền vững thì sẽ làm cho các thị trường liên quan, như thị trường tài chính, tín dụng, vật liệu xây dựng… sẽ phát triển ổn định theo, do đó sẽ ổn định nền kinh tế. Muốn vậy, phải thực hiện một loạt các giải pháp, nhất là hoàn thiện pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, phát triển đô thị. Vừa rồi một loạt luật đã ra nhưng chúng ta phải cụ thể hóa và hoàn thiện, kịp thời bổ sung những vấn đề còn thiếu sót, hạn chế”, ông nói.