Theo AP, việc Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) chấm dứt hiệu lực diễn ra sau khi Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump từ hôm 2/2 vừa qua thông báo thời gian 6 tháng chuẩn bị chính thức rút khỏi hiệp ước với lý do Nga vi phạm các điều khoản theo thỏa thuận.
“Mỹ sẽ không còn là một bên tham gia một hiệp ước mà Nga cố tình vi phạm”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trong một tuyên bố về việc Mỹ chính thức rút khỏi hiệp ước. Ông Pompeo cũng gọi một hệ thống tên lửa của Nga bị Mỹ tố vi phạm hiệp ước là mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ, các đồng minh và đối tác của nước này.
Các quan chức Mỹ cho biết, với việc chính thức rút khỏi thỏa thuận với Nga, họ không còn bị mắc kẹt với các điều khoản và giờ đây có thể phát triển các hệ thống vũ khí vốn trước đây bị cấm theo INF.
Thời gian qua, cả Mỹ và Nga đều liên tục cáo buộc bên kia vi phạm. Hiệp ước cũng bị chỉ trích vì không bao gồm Trung Quốc hoặc các công nghệ tên lửa vốn không tồn tại ở thế hệ trước.
Giới chức Mỹ ngày 2/8 cũng thông báo kế hoạch thử một loại tên lửa của nước này trước đây không được phép vì vi phạm INF.
Song, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ đã giảm nhẹ tính chất của việc thử nghiệm vũ khí sắp tới, khẳng định tên lửa này không có nghĩa là một sự khiêu khích.
Quan chức giấu tên này cũng cho biết Mỹ còn “nhiều năm nữa” mới triển khai hiệu quả các vũ khí bị cấm theo thỏa thuận.
Song, theo một số nhà quan sát, Mỹ có thể muốn đặt những vũ khí như vậy ở châu Âu để đối trọng với Nga hoặc ở châu Á để đối phó với Trung Quốc.