Sa Pa đang đúng hướng khi đặt mục tiêu trở thành Đô thị du lịch sạch ASEAN

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sa Pa (tỉnh Lào Cai) là một trong những địa danh du lịch hấp dẫn nhất cả nước. Thị xã Sa Pa xác định mục tiêu sẽ trở thành Đô thị du lịch sạch ASEAN trong năm 2025.

Sa Pa chính thức được công nhận là Khu du lịch quốc gia năm 2017. Điểm nhấn của du lịch Sa Pa là dãy Hoàng Liên Sơn trùng điệp và đỉnh Fansipan - đỉnh núi cao nhất Việt Nam, nóc nhà của Đông Dương; cùng với đó là bản sắc văn hóa của các dân tộc Dao, Mông…

Tại buổi thảo luận nằm trong chương trình xúc tiến du lịch Sa Pa được tổ chức ở Hà Nội, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, ông Tô Ngọc Liễn cho biết: Những năm gần đây, du lịch Sa Pa đã có những bước phát triển vượt bậc. Năm 2023, năm du lịch Sa Pa tròn 120 năm tuổi, thị xã đã đón trên 3,68 triệu lượt khách. Mục tiêu đến năm 2025, Sa Pa sẽ đón 5,8 triệu lượt khách, doanh thu đạt 27.900 tỷ đồng. Với sự phát triển đó, hiện nay, thị xã có 711 cơ sở lưu trú, 283 cơ sở dịch vụ ăn uống, 90 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu niệm và quà tặng... từng bước đáp ứng nhu cầu phong phú, đa dạng của khách du lịch.

Song, không chỉ có thành tựu, ông Liễn thừa nhận trong những năm qua du lịch Sa Pa còn tồn tại nhiều hạn chế và thách thức chưa thể giải quyết như: Sự tăng trưởng nhanh về lượng khách tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng; sự phát triển của các dự án, công trình xây dựng làm ảnh hưởng cân bằng sinh thái, ảnh hưởng tới cảnh quan; quá trình đô thị hóa nhanh làm giảm không gian văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.

Ông Tô Ngọc Liễn-Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Tổ quốc.vn)

Ông Tô Ngọc Liễn-Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Tổ quốc.vn)

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất chuyên ngành về du lịch và sản phẩm du lịch của địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách; nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu, tính chuyên nghiệp chưa cao (đặc biệt sau đại dịch COVID-19); du lịch cộng đồng chưa rõ nét, tình trạng trẻ em chèo kéo, đeo bám và ăn xin vẫn chưa được giải quyết triệt để...

Chính vì thế, để giải quyết những thách thức trên cùng với hoàn thành mục tiêu đặt ra, ông Tô Ngọc Liễn cho biết: “Xác định mục tiêu trở thành "Đô thị du lịch sạch ASEAN" vào năm 2025, thị xã đã và đang triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Theo đó, Sa Pa tập trung xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông và bãi đỗ xe kết nối du lịch như: 3 điểm đón tiếp và cung cấp thông tin phục vụ khách du lịch trên 3 trục đường chính kết nối với Sa Pa; 7 hạ tầng thiết yếu đảm bảo đáp ứng các tiêu chí của Đô thị du lịch sạch ASEAN; 15 Nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn ASEAN tại các xã phường trọng điểm du lịch. Đầu tư và kêu gọi đầu tư, hoàn thiện các dự án trọng điểm về du lịch trên địa bàn thị xã…”

Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực Khu du lịch quốc gia Sa Pa theo tiêu chuẩn quốc tế; nghiên cứu, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch; tăng cường xúc tiến và quảng bá thương hiệu du lịch Sa Pa; giải quyết cơ bản tình trạng chèo kéo, đeo bám khách du lịch; bảo tồn, khai thác những giá trị văn hóa vật thể; bảo tồn văn hóa phi vật thể…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận, đóng góp ý kiến định hướng cho chiến lược phát triển du lịch Sa Pa trong thời gian tới.

Ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - Đánh giá cao việc làm của Sa Pa với mong muốn Sa Pa là điểm đến, là điển hình hấp dẫn, truyền cảm hứng cho các địa phương khác, là ngọn hải đăng dẫn dắt… chính vì lẽ đó, chúng ta mong muốn Sa Pa phát triển bền vững, đúng xu hướng tốt nhất.

"Tôi đánh giá cao tiền đề khi chúng ta luôn nhấn mạnh yếu tố quan trọng đó là đặc sắc, hấp dẫn, chuyên nghiệp. Một sản phẩm du lịch phải có những điểm nổi bật, tạo lợi thế cạnh tranh.” - ông nói.

Ông Sơn cũng thừa nhận Sa Pa có nhiều điểm đặc biệt là văn hóa tộc người với điều kiện tự nhiên, khí hậu tuyệt vời để phát triển du lịch. Không phải ngẫu nhiên khi cách đây 121 năm người Pháp đã chọn Sa Pa là điểm nghỉ dưỡng.

Ông Sơn cũng cho rằng việc xây dựng đô thị xanh là xu hướng lớn trong những năm vừa qua. Tình trạng phát triển du lịch bên cạnh tích cực, có nhiều hệ lụy. “Chúng ta mơ một xã hội đáng sống, đô thị sạch là mơ ước của nhiều quốc gia.

“Việc Sa Pa định hướng trở thành Đô thị du lịch sạch ASEAN là phù hợp xu hướng của thế giới hiện nay. Vì thế, cần định hướng đưa Sa Pa trở thành một thương hiệu du lịch không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới. Muốn vậy, cần tăng cường bảo vệ, giữ gìn các giá trị cốt lõi về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn và phải có những điểm nổi bật để tạo lợi thế cạnh tranh và khẳng định thương hiệu du lịch Sa Pa”, ông góp ý.

Ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đang đóng góp ý kiến trong buổi hội thảo. (Ảnh: Tổ quốc.vn)

Ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đang đóng góp ý kiến trong buổi hội thảo. (Ảnh: Tổ quốc.vn)

Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí cũng trăn trở những giải pháp làm sao để du lịch Sa Pa có những bứt phá: “Hiện nay, việc phát triển du lịch bền vững là hết sức quan trọng. Để phát triển du lịch bền vững thì con đường thực hiện chính là du lịch có trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây là trách nhiệm với môi trường, với xã hội và kinh tế. Chúng ta phải giữ được môi trường; tạo được môi trường văn minh, thân thiện; đem lại lợi ích kinh tế cho người dân sở tại. Điều này rất quan trọng với Sa Pa. Chúng ta cũng phải đưa vấn đề “định vị” cho du lịch Sa Pa. Chẳng hạn như là chúng ta phấn đấu đạt mục tiêu chưa du lịch Sa Pa thì chưa biết gì về du lịch Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta phải có những đánh giá, khảo sát về nhu cầu của khách du lịch để từ đó xây dựng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu của khách một cách bền vững”.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính – người có nhiều công trình “để đời” tại Sa Pa- tâm sự: Tôi buồn lâu, buồn mấy năm nay khi người ta chê “Sa Pa mất rồi, còn gì đâu”, Bạn bè của tôi, những người có chuyên môn, còn tiếng nói cũng nói thế. Họ cũng nói về những mất mát của Đà Lạt như thế… Nhưng tôi thấy Sa Pa đang phát triển như Tràng An Ninh Bình. Tôi không thấy Sa Pa bị đánh mất.

Tôi đồng ý với các nhà lãnh đạo của Sa Pa, Sa Pa cần trở thành một đô thị, một thành phố đặc sắc. Nó phải là thành phố du lịch.

Cần làm quy hoạch, kiến trúc, những con phố bộ mặt, những công trình kiến trúc bộ mặt, tạo ra không gian tự do đặc sắc… nên giữ cấu trúc cân bằng giữa 3 yếu tố: Trung tâm hành chính, nâng cấp những con phố đặc sắc của Sa Pa – và thứ 3 là quần thể kiến trúc. Đặc biệt, phải có những công trình kiến trúc có dấu ấn. Có rồi thì phải có thêm. Thương hiệu của Sa Pa nét duyên hấp dẫn của Sa Pa là còn giữ được tính tự nhiên, tính dân tộc, tính miền núi, tính dân dã. Đó là phần hồn phần quý giá của Sa Pa. Nếu xịn quá, hiện đại chuyên nghiệp quá, thì sẽ không khác gì các điểm đến khác. Dù có nhiều yếu tố tự phát, nhưng Sa Pa đang đi đúng con đường của mình” – giáo sư Kính nói.

Đại diện hiệp hội du lịch, ông Vũ Quốc Trí đánh giá cao sự tham gia của các doanh nghiệp vào sự phát triển của Sa Pa. Theo ông, định hướng của chính quyền rất đúng đắn. Và doanh nghiệp sẽ đồng hành thực hiện các ý tưởng đó. Làm sao để doanh nghiệp thực hiện được? Họ muốn gì, cần gì, và những gì họ không thể làm? – ông đặt câu hỏi. Ông cũng đề nghị những người làm du lịch Sa Pa lưu ý đến tính bền vững. Muốn phát triển bây giờ, nhưng phải nghĩ về tương lai.

Để đạt được những mục tiêu này, theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sa Pa Hoàng Thị Phượng, thị xã Sa Pa sẽ đầu tư các hạ tầng thiết yếu đảm bảo đáp ứng tiêu chí của Đô thị du lịch sạch ASEAN như hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn ASEAN; kêu gọi đầu tư, hoàn thiện các dự án trọng điểm về du lịch trên địa bàn; xúc tiến du lịch và quảng bá thương hiệu du lịch Sa Pa; bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể...