Sắc vàng ở “xứ sở đồng hồ”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Qua một lần “lỡ hẹn”, tôi đã cùng một số bạn bè, đồng nghiệp đặt chân đến với hai thành phố của đất nước đồng hồ Thụy Sỹ là Neuchâtel và Lausanne vào đúng dịp mùa thu ngập tràn sắc lá đỏ lá vàng. Dù chỉ có vài ngày ngắn ngủi lại bận kín lịch trình nhưng chúng tôi vẫn kịp khám phá một số nét đẹp điển hình của những thành phố châu Âu cổ kính này.
Cổng vào một ngôi trường đại học ở Thụy Sỹ. (Ảnh: PV)
Cổng vào một ngôi trường đại học ở Thụy Sỹ. (Ảnh: PV)

“Lượm lặt” ở Neuchâtel

Sau cả chuyến bay dài mười mấy tiếng đồng hồ, kể cả thời gian quá cảnh tại sân bay Charles de Gaulle (Pháp), đoàn chúng tôi đặt chân xuống sân bay Geneva để di chuyển đến điểm dừng đầu tiên trong hành trình - thành phố Neuchâtel. Trong chuyến đi, một anh đồng nghiệp đã kịp “lượm lặt” ít thông tin để chúng tôi hiểu thêm đôi nét về thành phố có kiến trúc độc đáo bên bờ hồ cùng tên.

Anh cho biết, Neuchâtel chỉ kém Hà Nội có 1 tuổi (ra đời năm 1011) nhưng dân số hiện nay lại chỉ có vài chục nghìn người. Năm 1011, Vua Rodolphe III của vùng Bourgogne đã viết thư cho vợ là Hoàng hậu Irmengarde, kể cho bà nghe về một lâu đài mới được xây dựng bên hồ. Lâu đài này không có vẻ gì là khoa trương, bên cạnh có vài ngôi nhà dành cho lính ở và đây chính là “cái nôi” về sau hình thành nên thành phố Neuchâtel trong tương lai và cũng từ đó trở thành tên gọi của thành phố này - Neuchâtel nghĩa là lâu đài mới.

Thành phố càng ngày càng trở nên phồn thịnh nhờ phát triển thương mại, trồng nho, công nghiệp sản xuất đồng hồ, dệt may, ngân hàng… Năm 1815, Neuchâtel trở thành một bang của Thụy Sỹ sau khi được giải phóng khỏi ách đô hộ của quân Phổ. Dân cư ở đây giàu có, với những ngôi nhà và những khách sạn đặc biệt xây bằng đá màu vàng của làng Hauterive nằm ở gần kề. Điều này khiến cho đại văn hào Pháp Alexandre Dumas đến du ngoạn phải thốt lên rằng: “Thành phố giống như là một đồ chơi được khắc đẽo trong một cục bơ”.

Đến Thụy Sỹ bạn không thể không thưởng thức và mua socola về làm quà. (Ảnh: PV)

Đến Thụy Sỹ bạn không thể không thưởng thức và mua socola về làm quà. (Ảnh: PV)

Vào cuối thế kỷ XIX, nhiều khách sạn được xây dựng, đặc biệt là khách sạn Beau-rivage gần hồ để phục vụ khách du lịch, song song với việc phát triển của ngành đường sắt. Đây cũng chính là khách sạn mà đoàn chúng tôi nghỉ lại trong thời gian ở Neuchâtel. Khách sạn đón tiếp chúng tôi cực kỳ chu đáo, phòng ở được check-in bằng tên của từng người, hiển thị trên màn hình tivi; cung cấp vé tàu điện, vé tham quan miễn phí nhiều điểm trong thành phố… Và như những du khách khác, chỉ cần bước chân ra khỏi sảnh khách sạn, chúng tôi đã tha hồ sống ảo với vô vàn những ngôi nhà đẹp đẽ, những vườn hoa xinh xắn, những bức tượng chứa đựng bao câu chuyện mà tôi không thể nào nhớ hết…

Truyền thống vẻ vang đáng hãnh diện nhất của vùng là sản xuất đồng hồ (các thành phố Le Locle và La Chaux-de-Fonds ở giữa những dãy núi gần Neuchâtel mới đây đã được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa thế giới nhờ nghề sản xuất đồng hồ truyền thống). Thành phố hiện đang phát triển nhanh chóng gắn liền với sự phát triển của công nghệ vi mạch và kĩ thuật cao. Trong 20 năm gần đây, Neuchâtel đã thu hút nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ y dược, công nghệ vi sinh, công nghệ sinh học...

Món cheese fondue. (Ảnh: PV)

Món cheese fondue. (Ảnh: PV)

Một điểm mạnh khác của thành phố là trường đại học và các học viện. Ngay từ năm 1840, Neuchâtel đã có riêng một trường đại học. Ở đây cung cấp đào tạo các ngành học từ xã hội nhân văn cho đến công nghệ vi mạch, luật và khoa học kinh tế.

Cuối cùng, nơi này cũng thu hút rất nhiều khách du lịch nhờ vào vị trí thơ mộng của thành phố nằm bên bờ hồ Neuchâtel, dưới chân dãy núi Jura (phần phía trên của thành phố được bao phủ bởi nhiều cánh rừng tự nhiên) và cũng còn nhờ vào vẻ đẹp còn bảo tồn được của một thành phố thời trung cổ với rất nhiều đài phun nước, trong đó có những đài phun nước có từ thế kỷ 16.

Để có thể đi lang thang trong các khu phố đậm tính lịch sử của Neuchâtel, chúng tôi thấy đi bộ là tốt nhất vì thành phố toàn các dốc đứng và những nơi có kiến trúc đẹp nhất thường lại nằm tít tận trên phía cao. Điển hình là phải “trèo” hết phố Lâu đài (Château) để đến nhà thờ Collégiale nằm phía trên toàn thành phố. Đó là một nhà thờ Gothic được tiến hành xây dựng từ năm 1185. Ngay bên cạnh là lâu đài Neuchâtel và tháp Nhà tù. Rất tiếc là chúng tôi leo lên đây lúc trời nhập nhoạng tối nên không có cơ hội bao quát toàn cảnh thành phố trải dài đến tận dãy núi Alpes những khi trời quang mây như lời giới thiệu của anh đồng nghiệp.

Khách sạn Beau-rivage bên hồ Neuchâtel. (Ảnh: PV)
Khách sạn Beau-rivage bên hồ Neuchâtel. (Ảnh: PV)

Chúng tôi cũng trải nghiệm đi một vòng bằng tàu điện đến tận Cernier xen giữa những ngọn núi của vùng Neuchâtel và nếm những món ăn truyền thống của địa phương: bánh ga-tô quét bơ, socola tươi ngon ngào ngạt. Đừng lo, như tôi vừa nói, thành phố này có hàng trăm, hàng nghìn nơi tuyệt đẹp với độ dốc lớn lý tưởng cho việc đi bộ giảm cân...

“Lạc lối” ở Lausanne

Nếu Neuchâtel là một bức tranh sống động với sự hòa quyện giữa hồ nước và kiến trúc độc đáo thì Lausanne lại thu hút du khách muôn phương với vẻ tráng lệ bởi nhiều khu mua sắm sầm uất. Thành phố tập hợp đầy đủ các tên tuổi hàng hiệu quốc tế và những cửa hàng đồng hồ Thụy Sỹ cũng xuất hiện dày đặc tại đây khiến tôi cùng bạn bè đồng nghiệp hoàn toàn lạc lối và chỉ mong trong túi có thật nhiều tiền để mua sắm thật “đã đời”.

Các khu mua sắm thú vị nhất nằm quanh khu vực Place St François. Từ nơi này, bạn cũng có thể đi vòng quanh Rue de Bourg. Ngoài ra, khu vực quảng trường Riponne và Lausanne Flon cũng là nơi lý tưởng để du khách khám phá và mua sắm tại Lausanne, Thụy Sỹ. Khi đến những nơi này, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy những shop độc quyền.

Khu ngoại ô Crissier với không ít cửa hàng mua sắm phía tây Lausanne cũng là gợi ý hấp dẫn cho các tín đồ mua sắm. Còn trung tâm mua sắm Aubonne ở La Côte lại là nơi dành cho những ai mê hàng hiệu nhưng muốn tìm hàng giảm giá.

Nhà ga tàu điện ở Lausanne (Ảnh: PV)

Nhà ga tàu điện ở Lausanne (Ảnh: PV)

Đặc biệt, những thương hiệu đồng hồ xa xỉ như Rolex, Chopard… cũng có hàng second-hand để bạn lựa chọn. Tuy nhiên, giá của chúng vẫn không hề rẻ chút nào. Tôi mạnh dạn hỏi một chiếc secon-hand của Rolex mà giá đã lên tới 50 nghìn franc Thụy Sỹ (1 franc Thụy Sỹ tương đương hơn 28 nghìn đồng Việt Nam)!

Thành phố Lausanne thơ mộng không chỉ có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn có nhiều công trình kiến trúc nổi bật. Đoàn chúng tôi không có thời gian để tham quan Bảo tàng Olympic Lausanne nhưng cũng kịp đặt chân đến nhà thờ Đức Bà Lausanne - một công trình tiêu biểu của phong cách kiến trúc Gothic. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1170 và từ đó đến nay luôn nằm trong danh sách những nhà thờ đẹp nhất của Thụy Sỹ.

Không chỉ sở hữu những đường nét thiết kế tinh xảo bên ngoài, nhà thờ đẹp nhất Lausanne còn sở hữu 12 tác phẩm điêu khắc mô tả 12 vị tông đồ và những nhà truyền giáo của đạo Thiên Chúa. Bên cạnh đó, điểm đắt giá khác của nhà thờ Đức Bà Lausanne là vị trí tuyệt đẹp của công trình: nằm cạnh một dòng sông và sát bên trường đại học Lausanne danh tiếng. Hai điểm mạnh về thiết kế và vị trí tọa lạc đã tạo nên sự cộng hưởng tuyệt vời cho không chỉ một mà là hai công trình kiến trúc tuyệt mỹ.

Những vườn hoa nhỏ xinh hiện diện khắp nơi ở Neuchâtel. (Ảnh: PV)

Những vườn hoa nhỏ xinh hiện diện khắp nơi ở Neuchâtel. (Ảnh: PV)

Lausanne không chỉ là một thành phố xinh đẹp thu hút khách du lịch với phong cảnh ngoạn mục mà nơi nó còn được mệnh danh là thành phố của học thuật và thương mại. Cũng như thành phố Cambridge của Anh, Lausanne có nhiều trường đại học và nhiều trung tâm khoa học quốc tế lừng danh. Ngoài trường đại học danh tiếng Lausanne, thành phố này có tới hàng trăm trường ngôn ngữ và học viện tư thục lâu đời. Từ xưa đến nay, Lausanne là nơi hội tụ nhiều nhân tài của giới thượng lưu và quý tộc. Lausanne cũng là nơi lọt “mắt xanh” của các tập đoàn đa quốc gia như Philip Morris, Marlboro, Toblerone... và được chọn làm nơi đặt trụ sở chính.

Cùng với bánh ga-tô quét bơ, socola thì một khi đã đến Thụy Sỹ, ít người có thể bỏ qua món cheese fondue (lẩu phô mai), món ăn đặc trưng trong ẩm thực Thụy Sỹ. Đây là một món ăn ngon, hấp dẫn và là một trong những món khoái khẩu của người dân nơi đây. Món ăn gồm các nguyên liệu đơn giản như phô mai, tỏi, rượu vang trắng, bột bắp cùng rượu kirsch sau đó được đem đun nóng và ăn cùng với bánh mỳ. Nhưng tôi lại phải cảnh báo rằng nếu không hấp thu được nhiều lượng bơ, sữa trong một bữa thì bạn đừng bao giờ dại dột thử món này - cứ gọi là “ăn một lần nhớ một đời”…

Đọc thêm