Sắc váy áo và bước đi vạn dặm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày nay, phụ nữ dân tộc thiểu số đã góp phần bảo tồn văn hóa của dân tộc mình qua chính những bộ trang phục họ mặc hàng ngày hoặc trong các dịp lễ hội, các hoạt động cộng đồng…
Chị Lý Thị Ninh, Tổ trưởng Tổ hợp tác Thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông xã Chế Cu Nha. (Ảnh PV)
Chị Lý Thị Ninh, Tổ trưởng Tổ hợp tác Thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông xã Chế Cu Nha. (Ảnh PV)

Mỗi họa tiết hoa văn là khát vọng cao đẹp

Người Mông cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số khác, ngoài việc thành thạo trong sản xuất nông nghiệp, còn có các nghề thủ công truyền thống đặc sắc như chạm bạc, đúc đồng, dệt lanh, thêu hoa văn thổ cẩm... Kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải lanh, rồi ghép trên trang phục truyền thống của người dân tộc Mông là một trong những kỹ thuật được sử dụng từ lâu đời. Không chỉ có tác dụng trang trí, mà còn thể hiện thế giới tâm hồn phong phú, sinh động và làm tôn lên giá trị của bộ trang phục thổ cẩm truyền thống. Đặc biệt, hầu hết các hoa văn trang trí đều mang tính chất độc bản.

Để có một bộ trang phục truyền thống, người Mông phải trải qua rất nhiều công đoạn như: Se lanh, dệt vải bằng khung cửi, vẽ sáp ong tạo hoa văn, nhuộm chàm, thêu chỉ màu tạo hoa văn nổi. Trong đó, khâu vẽ sáp ong để tạo hoa văn là kỳ công và đòi hỏi nhiều kỹ năng thuần thục được đúc kết qua nhiều thế hệ.

Chị Lý Thị Ninh (bản Trống Tông, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái) bắt đầu học vẽ sáp ong của bà và mẹ từ khi mới 5 tuổi. Chị Ninh chia sẻ: “Đồng bào dân tộc Mông quan niệm hoa văn trên trang phục, đồ dùng sinh hoạt sẽ giúp họ được giao tiếp với các thần linh, mời được các thần linh tới nhà ban phát cho họ điềm lành, xua đi những điều dữ. Mỗi họa tiết hoa văn đều thể hiện những khát vọng cao đẹp của con người. Đó là vốn tri thức dân gian quý giá, phản ánh trình độ kinh tế, văn hóa, xã hội, lịch sử, dấu ấn thời đại, bản sắc văn hóa của đồng bào Mông”.

Cô gái Mông sinh năm 1990, sau khi tốt nghiệp cấp ba, lấy chồng sinh con như bao cô gái Mông khác. Ninh chia sẻ, người Mông quan niệm, người con gái chỉ có giá khi biết thêu thùa, khâu vá. Đầu năm 2009, đại diện Trung tâm nghiên cứu, liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ (Craft Link) khi lên Mù Cang Chải thấy phụ nữ Mông nơi đây đều mặc váy áo dân tộc thủ công, nên đã đến làm việc với Hội Phụ nữ và lên khảo sát tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải. Trung tâm đảm bảo khâu bao tiêu sản phẩm, quảng bá và giới thiệu sản phẩm bán trong và ngoài nước. Và rồi “Nhóm thổ cẩm Mông” chính thức được thành lập vào cuối năm 2009. Ninh học hành nhiều hơn, có kiến thức hơn nên được cử làm đại diện cho tổ khi mới 19 tuổi. Từ đó, cô gái trẻ Lý Thị Ninh thay mặt tổ nhận đơn hàng, mua nguyên vật liệu, rút tiền chi trả cho chị em. Năm đầu Trung tâm hỗ trợ nguyên vật liệu cho chị em làm. Sau một năm có chút quỹ thì để chị em làm dần và đến nay đã có quỹ hoạt động cho tổ.

Sản phẩm trang trí sáp ong gồm váy áo, bao chân có giá thành khoảng 5-6 triệu đồng, còn sản phẩm thêu tay thì đắt hơn rất nhiều, riêng một cái áo đã có giá 6 triệu đồng. Giá thành cao vì có khi một năm, chị em chỉ có thể làm được một sản phẩm.

Hiện nhà Ninh có ba thế hệ có thể thêu tay, vẽ sáp ong. Đó là mẹ đẻ năm nay gần 90 tuổi và mẹ chồng 73 tuổi, tiếp đến là con gái chị năm nay 12 tuổi. Ninh chia sẻ, phụ nữ Mông trước khi về nhà chồng đều tự tay may cho mình những bộ váy đẹp nhất để mang theo. Những bộ váy áo này phải làm bền bỉ nhiều năm trời mới xong. Ninh mong nét đẹp này sẽ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác để nghệ thuật thêu, vẽ sáp ong và những trang phục truyền thống đẹp sẽ còn mãi với thời gian.

Trải qua những ngày đầu khó khăn, đến nay sản phẩm của tổ hợp tác đã có thị trường rộng khắp. Trong nước có Lào Cai, Hà Giang, ngoài nước có Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ… Đến năm 2019 đạt doanh thu trên 600 triệu đồng và Tổ hợp tác thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông đã nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Ban chỉ đạo Tây Bắc, Trung tâm nghiên cứu, liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ (Craft Link), Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Mù Cang Chải. Cá nhân Lý Thị Ninh được tặng Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua yêu nước của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2015- 2020. Đây là một trong số các tổ hợp tác được thành lập từ Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 của Hội LHPN tỉnh Yên Bái.

Năm 2020, sản phẩm của Tổ hợp tác tham gia Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” do TƯ Hội LHPN Việt Nam phát động. Vượt qua 922 ý tưởng của phụ nữ toàn quốc, ý tưởng của chị Lý Thị Ninh là 1 trong 68 ý tưởng xuất sắc lọt vào vòng chung kết và được trao Giải “Tác động xã hội góp phần giảm nghèo bền vững”…

Nơi hội tụ các nghệ nhân mọi miền đất nước

Khách nước ngoài trong một triển lãm Bản sắc Việt. (Ảnh: PV)

Khách nước ngoài trong một triển lãm Bản sắc Việt. (Ảnh: PV)

Bà Lô Thị Mai, 54 tuổi (Bản Na, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) chia sẻ, từ năm 13 tuổi bà đã học dệt từ bà và mẹ. Tạo hoa văn là khâu khó nhất trong cả quá trình dệt. Để dệt một cái chân váy mất khoảng 10 ngày, chưa kể thêu áo và khăn đội đầu mất thêm vài ngày nữa. Bà cũng cho biết, ngày nay, chỉ có số ít giới trẻ học dệt, còn lại đa phần là thoát ly, làm những công việc khác.

Là người dân tộc Châu Mạ, chị Điểu Thị Khòn - Buôn Go, Cát Tiên, Lâm Đồng chia sẻ, hoa văn trên tấm vải cũng là công đoạn mất nhiều thời gian và khó nhất. Để hoàn thiện một bộ trang phục truyền thống có khi phải mất tới cả tháng vì phải chăm chút vào từng chi tiết, hoa văn.

Theo chị Lò Thị Tiến, dân tộc Thái, 36 tuổi (bản Hốc, thị trấn Sơn Thịnh, Văn Chấn, Yên Bái), trang phục của người dân tộc Thái giờ đa phần các chị em đặt may hoặc mua hàng may sẵn. Giá tùy thuộc vào chất liệu vải, nếu vải tốt thì 600.000 đồng/bộ.

Hầu như khi mặc trang phục dân tộc Thái, phụ nữ nào cũng sẽ mang thêm dây leo eo (hay còn gọi là dây xà tích). Dây leo eo thường được làm bằng bạc. Năm 2017, chị Lò Thị Tiến đầu tư một dây bạc với giá 8,4 triệu đồng. Còn hiện tại, giá đắt hơn khá nhiều, với giá 12 triệu đồng. Chị em nào không có điều kiện thì mua dây giả bạc, giá chỉ 200-300.000 đồng.

Chị Bàn Thị Yêu, dân tộc Dao (xã Minh An, Văn Chấn, Yên Bái) cho biết: “ Trang phục truyền thống thường được phụ nữ Dao mặc vào các ngày lễ, đám cưới, đón dâu… Ai có điều kiện thì sở hữu 2-3 bộ. Vì làm trang phục mất nhiều thời gian nên giá của bộ trang phục này dao động từ 3 đến 5 triệu đồng.

Dân tộc Pà Thẻn là 1 trong 16 dân tộc rất ít người tại Việt Nam. Trang phục của phụ nữ gồm áo, váy, khăn trong và khăn ngoài, màu sắc rất sặc sỡ. Phong cách trang phục truyền thống của phụ nữ Giáy rất nhẹ nhàng nhưng vẫn tôn được nét duyên dáng của người mặc.

Chị Lù Thị Đông, dân tộc Giáy (bản Tả Van, Sa Pa, Lào Cai), chia sẻ, phụ nữ dân tộc Giáy thường tự chọn vải và đặt may với giá khoảng 300.000 đồng. Phụ nữ dân tộc Giáy thường mặc áo cánh hở tà, dài qua mông, khuy cài ở cổ áo, dọc thân áo bên phải cùng với quần lụa đen. Kèm theo trang phục là khăn kẻ vuông sặc sỡ nhưng thường được đội nhiều vào mùa đông. Bộ khuy, các đường viền mảnh ở cổ áo, vạt áo và tay áo là điểm nhấn trong trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Giáy. Điểm đặc biệt trên trang phục của phụ nữ Giáy là bộ khuy, nếu đặt may sẽ được tự chọn những bộ khuy chất lượng, phù hợp với màu trang phục. Hàng đặt may cũng sẽ được làm kỹ, tinh tế hơn so với hàng bán sẵn. Đặc biệt là các đường viền mảnh ở cổ áo, vạt áo và tay áo phải thợ giỏi mới làm đẹp được.

Chị Triệu Thị Mấy và Bàn Thị Sên, dân tộc Dao (xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, Yên Bái) đều rất thích mặc trang phục dân tộc của người Dao. Triệu Thị Mấy chia sẻ, trang phục của người Dao làm rất cầu kỳ, nhiều chi tiết như vạt áo, nẹp áo… phải thêu tay trong nhiều tháng mới xong.

Mảng trang trí ở phần vai áo có kích thước khoảng 5 x 10 cm phải thêu 2-3 tháng mới hoàn thành. Đường nẹp áo cũng đòi hỏi phải làm tỉ mẩn.Theo chị Triệu Thị Mấy, có bộ trang phục phải làm hơn 1 năm mới hoàn thành. Các hình thêu to thì làm rất nhanh nhưng những chi tiết nhỏ, tinh xảo, đòi hỏi sự tỉ mẩn thì không thể làm nhanh được. Chị Bàn Thị Sên cũng cho biết, dù phải tỉ mẩn làm trang phục nhưng hầu như phụ nữ người Dao nào ở Nậm Búng cũng có từ 2 đến 3 bộ để mặc vào dịp lễ tết.

Theo bà Trần Tuyết Lan, Giám đốc CTCP Doanh nghiệp Xã hội CRAFT LINK, trong thế giới hiện đại, truyền thống dệt bản địa của Việt Nam phải vật lộn để tồn tại khi đối mặt với hàng dệt may do các nhà máy sản xuất với giá thành rẻ hơn. Chính vì điều này, kể từ khi thành lập CRAFT LINK đã luôn tiến hành các chương trình/dự án khác nhau ở các vùng miền của đất nước nhằm khuyến khích thế hệ trẻ nối tiếp truyền thống dệt lâu đời của mỗi dân tộc. Đồng thời, học cách sử dụng các mẫu hoa văn truyền thống cùng nguyên vật liệu độc đáo để thể hiện nền văn hóa đa dạng và giàu bản sắc của chúng ta.

“Chúng tôi rất vinh dự được làm việc với các nghệ nhân trên khắp Việt Nam và rất vui được chia sẻ với công chúng những điều chúng tôi đã tìm hiểu về truyền thống dệt. Chúng tôi cũng rất tự hào khi được giới thiệu sản phẩm dệt tuyệt đẹp của các nghệ nhân Việt Nam trên toàn thế giới. Hãy cùng tôn vinh di sản văn hóa của chúng ta và lưu giữ cho các thế hệ mai sau”- bà Trần Tuyết Lan nhấn mạnh.

CRAFT LINK là một doanh nghiệp xã hội, được thành lập từ năm 1996, hoạt động với mục đích hỗ trợ các nhóm dân tộc thiểu số, các nhóm khuyết tật, nhóm làng nghề trong việc khôi phục truyền thống văn hóa, phát triển nghề thủ công truyền thống và tăng thêm thu nhập cho cộng đồng. CRAFT LINK hiện đang trợ giúp hơn 60 nhóm nghệ nhân ở khắp mọi miền của đất nước với số người hưởng lợi lên đến hơn 6.000 người. Các dự án của CRAFT LINK không chỉ giúp các nhóm phát triển sản xuất hàng thủ công nâng cao thu nhập, mà còn giúp họ nâng cao năng lực để có thể tự quản lý nhóm, tiến tới hoạt động bền vững.

Đọc thêm