Những nghệ nhân “giữ hồn” Trung thu xưa

(PLVN) - Những năm gần đây, đồ chơi truyền thống dần tìm lại vị thế của mình. Vào mỗi dịp Tết Trung thu, những cửa hàng trên các con phố Hà Nội như Lương Văn Can, Hàng Mã, Hàng Lược... lại tấp nập các gia đình đưa trẻ nhỏ, những bạn trẻ tới đây để thưởng ngoạn và sắm cho mình những món đồ chơi dân gian. Dù khó khăn, những nghệ nhân luôn cần mẫn sáng tạo, cống hiến, “thổi hồn” vào những đồ chơi truyền thống nhằm giữ gìn giá trị văn hóa quý giá của ông cha.
Nghệ nhân Vũ Huy Đông làm mặt nạ giấy bồi. (Ảnh: Hạnh Đỗ)
Nghệ nhân Vũ Huy Đông làm mặt nạ giấy bồi. (Ảnh: Hạnh Đỗ)

Món đồ chơi chứa đựng tình yêu quê hương

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách là người yêu văn hóa cổ, ông luôn nhớ tới những món đồ chơi truyền thống mỗi khi trăng tròn tháng 8 tới gần. Ông luôn đi tìm những di sản đã mất và phục dựng lại. Ông Trịnh Bách không chỉ phục dựng các hiện vật, trang phục cung đình triều Nguyễn mà ông còn đau đáu phục hồi những đồ chơi dân gian của trẻ em thời xưa trong dịp Trung thu.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách, có ba phẩm vật của Tết Trung thu được trẻ em ngày xưa chuộng nhất là bánh trung thu, con giống bột và đèn lồng phết giấy để rước cùng các đám múa sư tử. Có lẽ, Việt Nam là đất nước độc nhất có tục lệ nặn con giống bột làm đồ chơi trẻ em cho dịp Tết Trung thu. Tục nặn con giống bột có từ hàng trăm năm trước. Từ đầu thế kỷ XX, Viện Viễn đông Bác Cổ còn lưu giữ ảnh chụp những con giống bột, chú thích là: “Đồ chơi bằng bột nhuộm màu của Tết Trung thu Hà Nội”. Ngoài hồi sinh những món đồ chơi đất nặn cổ truyền, ông Trịnh Bách còn phục hồi những chiếc đèn lồng xưa. Những chiếc đèn lồng được ông Bách kỳ công khôi phục mang đủ hình dáng dễ thương của con thỏ, con bướm, con cá... và có thể thắp sáng bằng nến hay bóng đèn điện, khác hẳn những chiếc đèn ông sao xẹp lép đang bán hàng loạt trên thị trường.

Những món đồ chơi đất nặn xưa được “hồi sinh” tại Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Dân tộc học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Phố cổ Hà Nội, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Bao cặp mắt tròn xoe, thích thú của trẻ nhỏ được ngắm nhìn cóc ba chân trên cung trăng, rồng, cá... được nặn tinh tế với đủ sắc màu.

“Đây là thành quả của chúng tôi sau nhiều năm phục hồi món đồ chơi đất nặn xưa. Hiện chúng tôi đang truyền dạy những bí quyết làm món đồ chơi đất nặn này cho các bạn trẻ yêu văn hóa truyền thống. Với những món đồ chơi bột nặn và lồng đèn trung thu truyền thống đó, hy vọng trẻ em Hà thành sẽ đón mùa Trung thu một cách cổ truyền, ý nghĩa hơn và như thế sẽ trân trọng những tinh hoa, đượm hồn dân tộc” - nhà nghiên cứu Trịnh Bách lâng lâng hạnh phúc.

Hàng năm, mỗi độ tháng 8 vào thu, làng nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống ở làng Ông Hảo (xã Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên) lại rực rỡ sắc màu. Trải qua gần 60 năm, làng Ông Hảo vẫn giữ được những nét đẹp làng nghề gắn liền với văn hóa dân gian xưa.

Hàng chục năm gắn bó với đồ chơi dân gian, vợ chồng nghệ nhân Vũ Huy Đông tâm sự: “Mặt nạ được tạo hình bằng cách bồi giấy bìa, giấy báo, vở cũ lên khuôn xi măng đúc sẵn, sử dụng hồ bột sắn để kết dính các lớp giấy. Sau khi phơi khô, mặt nạ giấy được sơn vẽ. Các nghệ nhân đã khéo léo “thổi hồn” cho những chiếc khung giống nhau thành những khuôn mặt khác nhau, với màu sắc tươi sáng, sinh động. Hiện nay, ngoài đầu sư tử, trống, mặt nạ bồi đã có thêm nhiều mẫu mã và hình dáng đa dạng như mười hai con giáp, hay những nhân vật gắn với tuổi thơ như: Chú Tễu, Chí Phèo, Tôn Ngộ Không ngộ nghĩnh”.

Cùng giữ hồn dân tộc, nghệ nhân Vũ Văn Sinh và Nguyễn Văn Quyền tại thôn Đàn Viên (xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) là số ít nghệ nhân Hà Nội làm đèn kéo quân (đèn cù). Đây một loại đồ chơi truyền thống bằng giấy dán vào khung tre, nứa được trẻ em rất ưa thích mỗi dịp Tết Trung thu. Khi đốt nến trong chiếc đèn kéo quân, đĩa đèn chuyển động kéo theo những hình ảnh học trò vinh quy bái tổ, chú mục đồng chăn trâu thổi sáo, bác nông dân gặt lúa, các con vật... xoay vòng tròn bên trong tán đèn, như một sân khấu kỳ diệu lung linh ánh sáng.

Cây đèn kéo quân có mục đích ban đầu là để trẻ em nhớ về lịch sử cũng như giáo dục lòng yêu nước nên hình ảnh trên cây đèn thường nói về việc nghĩa, về những đoàn quân lính xung trận (nguồn gốc của tên gọi kéo quân). Về sau, các nghệ nhân mở rộng nhiều đề tài khác như thêm ông quan trạng vinh quy bái tổ, cảnh tứ linh nhảy múa, bác nông dân làm ruộng, mục đồng chăn trâu, bức tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, hình chú Tễu, chú Cuội, chị Hằng... Được biết, sản phẩm đèn kéo quân, diều sáo của nghệ nhân đã được lựa chọn trưng bày tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ. Ngoài ra, nghệ nhân đã khôi phục đèn lồng cổ theo hình vẽ trong cuốn Kỹ thuật của người An Nam và có 10 đèn lồng cổ hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.

Gìn giữ những tinh hoa truyền thống

Không chỉ đơn thuần là sản xuất đồ chơi trung thu, gia đình nghệ nhân những làng nghề làm nghề đồ chơi trung thu nói riêng còn mở thêm dịch vụ trải nghiệm làm đồ chơi truyền thống. Nghệ nhân Vũ Huy Đông tự hào: “Hôm trước tại xưởng đón hơn 100 em học sinh đến làm mặt nạ giấy bồi, ngồi chật kín cả cái sân này. Khách du lịch với người nước ngoài đến đây nhiều lắm. Các nhà báo, tiktoker cũng về quay phim, chụp ảnh đưa hình ảnh làng nghề lên truyền thông, mạng xã hội làm tôi thấy rất vui vì nó lan truyền giá trị truyền thống được cho mọi người”.

Mỗi mùa trông trăng, dù đã cao tuổi, lại ở xa, nhưng các nghệ nhân vẫn có mặt tại Hà Nội, ngồi cặm cụi vót những nan tre, hướng dẫn bọn trẻ bôi hồ, phất giấy để sau đó sung sướng ngắm nhìn những gương mặt trẻ nhỏ mê mẩn trước những hình voi, ngựa chạy quanh chiếc đèn như một điều kỳ diệu. Các nghệ nhân ấy được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam, Phố cổ Hà Nội... trao tặng nhiều giấy chứng nhận, giấy khen về thành tích bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Cũng có thời gian, đồ chơi điện tử xâm lấn, đồ chơi trung thu truyền thống bị “thất sủng”, các nghệ nhân không khỏi buồn lòng, lo lắng. Nhưng rồi, dù khó khăn, họ vẫn quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống của cha ông để lại từ bao đời: “Nói bỏ nhưng mà bỏ thế nào được, cái nghề nó gắn bó với tôi từ tấm bé đến giờ vì nó gắn liền với những câu chuyện dân gian. Nếu tôi và những nghệ nhân khác bỏ nghề thì mất nghề, mất cả truyền thống. Trẻ con sao mà biết được thế nào là đồ chơi trung thu dân gian bố mẹ chúng nó từng chơi. Dù đã có nhiều thứ mất đi, song có những giá trị mà chúng ta phải giữ, bởi đó là hồn cốt của dân tộc” - nghệ nhân Vũ Huy Đông chia sẻ.

Hơn ai hết, các nghệ nhân mong muốn những trẻ nhỏ có mùa trăng ý nghĩa, tuổi thơ trong sáng, giữ gìn văn hóa dân gian truyền thống của cha ông.

Đọc thêm