Một diện mạo mới
Mùa xuân 2024, Hua Tạt mang một diện mạo mới, những con đường bê tông khang trang, sạch đẹp chạy quanh bản đến tận từng nhà. Hai bên đường, những cành hoa mận, hoa đào đang đâm chồi, nẩy lộc. Thời gian qua, gần 170 hộ ở bản Mông nơi đây đã thay đổi cách nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất, tự lực vươn lên xây dựng cuộc sống ngày một ấm no.
Có mặt tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La những ngày này, điều cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là không khí rộn ràng của những ngày đầu xuân. Từ ven Quốc lộ 6, bên con dốc cao đầu bản có thể nhìn rõ những ngôi nhà gỗ truyền thống mái thấp của đồng bào Mông nằm trong một thung lũng khá rộng, xung quanh là nương chè, nương ngô, vườn mận, vườn đào… tươi tốt. Những hình ảnh ấy như tín hiệu về một cuộc sống ấm no đang hiện hữu nơi bản làng vùng cao này.
Các già bản ở Hua Tạt kể rằng, để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay, ngoài sự quan tâm bằng các chủ trương, chính sách hợp lòng dân của Đảng, Nhà nước và sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, còn là nghị lực vượt khó, quyết tâm thay đổi số phận của chính mỗi người dân. Và câu chuyện vượt khó của bà con nơi đây khiến ai nghe cũng đều thán phục.
Bà con người Mông Hua Tạt ngồi bên bếp lửa nướng bánh dày trong ngày Tết. Ảnh: Quốc Định |
Từ những năm 1990 trở về trước, cũng như bao bản Mông khác, cây thuốc phiện được coi là cây trồng chủ yếu nơi đây. Trên nương, ngoài vườn bạt ngàn cây thuốc phiện. Kéo theo đó, nhiều người - cả già lẫn trẻ - có cả phụ nữ trong bản đã bị “làn khói trắng” làm mê muội suốt thời gian dài, có gia đình cả vợ lẫn chồng đều nghiện thuốc phiện, tưởng chừng bản không còn tương lai.
Ấy vậy mà, từ khi Nhà nước có chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện và được cán bộ xã, huyện đến tận bản tuyên truyền, vận động bà con không tái trồng và hút thuốc phiện, từ đó, người dân bản Hua Tạt bắt đầu thay đổi nhận thức, quyết tâm từ bỏ thói quen cũ. Thay vào đó, bà con được Nhà nước hỗ trợ cây trồng, con giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Thấy được cái đúng, cái hay, cái tốt, dân bản học và làm theo, cùng nhau từ bỏ cây thuốc phiện, chuyển đổi sang trồng cây chè, mận, đào… làm giàu chính đáng, cuộc sống ngày một khấm khá đi lên.
“Vác đá ngược núi” thay đổi cuộc sống
Giờ đây, bà con dân bản Hua Tạt không chỉ biết trồng trọt, chăn nuôi giỏi mà nhiều gia đình còn biết kinh doanh dịch vụ làm du lịch có tiếng. Điển hình trong số đó là anh Tráng A Chu, một chàng trai người Mông dám nghĩ dám làm, tiên phong “vác đá ngược núi” đem mô hình Homestay về làm cho bản Hua Tạt “thay da đổi thịt”.
Nhận thấy làm du lịch đem lại thu nhập ổn định, cao hơn nhiều lần so với làm nương, làm rẫy, nhiều gia đình cũng bắt chước theo cách làm của A Chu, chẳng mấy chốc bản Hua Tạt heo hút, nghèo khó ấy, giờ đã xây dựng được 5 mô hình Homestay. Mỗi mô hình thành lập đồng nghĩa với việc có thêm một gia đình đã mạnh dạn thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm mới.
Khách nước ngoài đến trải nghiệm du lịch tại bản Hua Tạt. Ảnh: Quốc Định |
A Chu chia sẻ, mỗi người dân ở Hua Tạt đều cảm thấy rất vui và tự hào khi có khách miền xuôi, khách nước ngoài đến bản ngày một nhiều. Không những thế, khách đến còn mua nông sản của những người dân trong bản. Từ suy nghĩ ấy, nhiều người dân trong bản tự nuôi lợn, gà, trồng rau phục vụ khách tại chỗ. Cũng nhờ làm dịch vụ du lịch, bà con đã có thu nhập đáng kể, đời sống được cải thiện.
Một mùa Xuân mới lại về, những tia nắng đầu xuân ngọt ngào đã phần nào xua đi cái lạnh vùng cao, bà con người Mông ở Hua Tạt lại cùng nhau thêu thùa, xuống chợ phiên cuối năm để chuẩn bị đón một cái Tết sum vầy. Các chàng trai, cô gái Mông diện những bộ áo, váy sặc sỡ cùng nhau đi vui xuân; những quả pao được trao đi trao lại; những điệu múa khèn, tiếng sáo dìu dặt; những lời hát giao duyên đã tạo nên một không khi vui tươi, ấm cúng của ngày Tết.
Chia tay Hua Tạt trong buổi chiều Xuân ấm áp, chúng tôi cảm nhận rõ được sự đổi thay. Từ một bản Mông còn nhiều khó khăn, giờ đang ngày càng thay da đổi thịt, vươn tới một cuộc sống ấm no, yên vui và hạnh phúc.
Người dân ở Hua Tạt đều ý thức được rằng, một trong những điểm thu hút du khách đến với bản chính là việc bảo tồn được bản sắc vốn có của dân tộc Mông. Du khách đặt chân đến Hua Tạt không chỉ bị thu hút bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, mà còn được trải nghiệm cuộc sống, văn hóa của đồng bào Mông nơi đây.