Sách số - một chặng đường, nhiều buồn vui và thành tựu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sách số đã là một xu thế không thể thay đổi của thời đại, điều đó có thể khẳng định. Một thập kỉ chuyển đổi số trong văn hóa đọc, có nhiều nỗi niềm và cũng không ít thành tựu đáng vui.
Sách điện tử, sách nói đang được coi là xu thế đọc của kỉ nguyên số.
Sách điện tử, sách nói đang được coi là xu thế đọc của kỉ nguyên số.

Một thập kỉ sách số

Từ hàng chục năm trước, cùng với sự phát triển của internet, những file sách điện tử đầu tiên bắt đầu có mặt tại thị trường sách Việt Nam. Tuy nhiên, sách điện tử khi ấy vẫn còn là những bản mềm thô sơ và kho sách điện tử cũng khá ít ỏi với quanh đi quẩn lại một vài đầu sách phổ biến.

Cùng với sự lỏng lẻo về bản quyền, sách điện tử thời gian đầu xuất hiện cũng chỉ là “bản sao” trên mạng của sách giấy và đa phần là sao chép “lậu”. Trong những năm đầu có mặt trên thị trường, sách điện tử phát triển khá chậm. Năm 2018, tức hơn 5 năm sau khi có mặt tại Việt Nam, vẫy vùng trong một thị trường 55 triệu người dùng internet và điện thoại thông minh, sách điện tử vẫn chưa thể đạt được một con số đáng chú ý. Ybook, Alezza, Waka là tên những đơn vị phát hành sách sách điện tử tiêu biểu thời điểm ấy, nhưng doanh số cũng không đáng kể và không có nhiều đầu sách hay.

Bên cạnh sách điện tử, sách nói cũng mang một số phận lận đận không kém. Ra đời từ hàng trăm năm trước tại Mỹ, sau đó trở thành một thể loại sách phổ biến khắp toàn cầu, nhưng trong nhiều năm, sách nói vẫn chỉ là lựa chọn chuyên biệt dành riêng cho những người khiếm thị hoặc yêu thích đọc sách qua radio. Tại Việt Nam, những năm trước đây, sách nói cũng không mấy phổ biến nhưng vài năm gần đây, đã có những chuyển biến bất ngờ.

Cùng với sự phát triển của internet, sách điện tử bắt đầu có mặt tại thị trường sách Việt Nam từ khoảng chục năm trước.

Cùng với sự phát triển của internet, sách điện tử bắt đầu có mặt tại thị trường sách Việt Nam từ khoảng chục năm trước.

Sách điện tử có mặt sớm hơn sách nói trong thị trường làm sách quốc tế. Nhưng tại nhiều nước trên thế giới, sách nói đã vượt cả sách điện tử về mức độ yêu thích lẫn doanh thu. Ưu thế của sách nói khá nhiều, đến từ việc tiện dụng, không cần phải tiếp xúc với thiết bị điện tử quá lâu. Đồng thời, hiện nay công nghệ làm sách nói phát triển, các giọng đọc ngày một được trau chuốt, truyền cảm, kết hợp với các âm thanh bổ trợ, minh hoạ khiến việc nghe sách càng thêm sinh động, thú vị.

Ở Việt Nam hiện nay, sách nói ngày càng đa dạng và đủ thể loại: sách kĩ năng sống, sách dạy ngoại ngữ, sách về tâm linh, các tản văn, tác phẩm văn học trong và ngoài nước... Giúp người đọc trong nước có thể dễ dàng tiếp cận kho tàng kiến thức thế giới thông qua sách nói.

Sách nói trong nước được phát triển trên nhiều nền tảng: các website chuyên về sách nói, các kênh sách nói trên Youtube, các ứng dụng nghe sách nói miễn phí và trả tiền... Năm qua, một số đơn vị làm sách cũng đã đưa ra những thử nghiệm thu phí với mức giá khá cao cho những tác phẩm sách best - seller, được đầu tư bản sách nói công phu. Kết quả là nhiều người đọc đã chọn sách nói trả phí với chất lượng cao, thay vì các bản “nghe lén” không chuẩn được phát hành lậu trên mạng xã hội.

Cạnh đó, sách đa phương tiện cũng là một khái niệm được nhắc đến trong những năm gần đây. Đây là loại hình sách sử dụng nhiều phương tiện khác nhau làm tăng tính kết nối giữa xuất bản phẩm và người đọc, được coi là một trong những loại hình xuất bản phẩm có khả năng chiếm lĩnh thị trường trong tương lai.

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chia sẻ rằng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, quyết định sự sống còn của ngành sách trong thời đại công nghệ 4.0.

Hậu đại dịch, cơ hội “vàng” của chuyển đổi số

Người ta đọc sách nhiều hơn trong đại dịch, đó là thống kê được đưa ra bởi nhiều đơn vị tiến hành khảo sát trên thế giới. Báo cáo khảo sát của Global English Editing (công ty xuất bản và hiệu đính trực tuyến hàng đầu tại Mỹ và trên thế giới) cho thấy, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, 35% số người được khảo sát bắt đầu có thói quen tiếp cận sách qua nhiều hình thức: đọc sách giấy, ebook; nghe audio book, podcast.

Đồng thời, trong thời điểm dịch bệnh, giãn cách tại nhiều quốc gia, khi nhiều hiệu sách, nhà sách lớn nhỏ phải đóng cửa thì sự thay đổi về phương tiện đọc cũng được đẩy nhanh hơn. Người dùng thế giới có xu thế ngày càng lựa chọn sách nói, sách điện tử để đọc nhiều. Ở nhiều quốc gia, người ta ghi nhận sự tăng trưởng đáng khích lệ của ngành xuất bản nhờ vào “điểm sáng” là sách kĩ thuật số - tức chủ yếu là sách nói, sách điện tử. Năm 2020, mảng sách kĩ thuật số có doanh thu tăng và việc mở rộng phạm vi tiếp cận đối với các đối tượng chưa từng tiếp cận.

Tại Việt Nam, khi nhiều thành phố, đô thị phải thực hiện giãn cách thì sách kĩ thuật số trở thành một trong những lựa chọn lý tưởng cho việc giải trí và nâng cao kiến thức.

Văn hóa đọc luôn còn mãi dẫu con người bước đến thời đại nào.

Văn hóa đọc luôn còn mãi dẫu con người bước đến thời đại nào.

Việc tiếp cận sách kĩ thuật số của người đọc trong nước đã được ghi nhận trong vòng 2 năm trở lại đây và cũng có những tín hiệu “đột biến” vào năm 2020. Tại hội sách trực tuyến tổ chức vào giữa năm 2020, kết quả doanh thu khá bất ngờ khi hầu hết các đơn vị có tiếng trong làng sách như Phương Nam Book, Thái Hà Book, Nhã Nam, Nhà xuất bản Trẻ... công bố doanh thu bán sách online tăng trung bình từ 30% đến 50% so với mọi năm.

Chuyển đổi số từ rất sớm, nhiều doanh nghiệp phát hành sách điện tử, sách nói đã ghi nhận được thành tựu đáng nể trong thời gian qua. Với chỉ 3 đơn vị là Công ty Cổ phần Công nghệ WeWe (Voiz FM), Công ty Cổ phần Fonos, Công ty Cổ phần Waka đã thu hút 500 nghìn người dùng và hàng triệu lượt truy cập, tăng gấp nhiều lần so với năm 2020. Năm 2021, 3 đơn vị này đạt lượng bạn đọc đến khoảng 25 triệu lượt và vẫn tăng lên hàng ngày. Theo khảo sát của We Are Social, tại thị trường Việt Nam đã có gần 30 triệu người nghe audio contents (sách nói, podcast, radio) qua mạng.

Các khảo sát thời gian gần đây cũng cho thấy, ebook và audio-book được đông đảo bạn đọc ưa chuộng và đặt mua không kém sách giấy. Trước xu thế của thời đại, ngành xuất bản giờ đây không thể đứng ngoài, đã có những bước tiến mạnh trong chuyển đổi số.

Theo con số được ngành xuất bản đưa ra mới đây, tổng số nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử năm 2021 đã tăng 33% so với năm 2020. Trong lĩnh vực phát hành, để khắc phục ảnh hưởng dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động phát hành trên các nền tảng thương mại điện tử, phát hành xuất bản phẩm điện tử, sách nói...

Như nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã phát triển trang điện tử stbook.vn, thuviencoso.vn, ứng dụng Stbook để cung cấp hàng trăm ấn bản điện tử cho độc giả. Một số sách điện tử được cung cấp miễn phí, còn đa phần có thu phí qua các hình thức thanh toán điện tử tiện lợi.

Công ty Cổ phần Sách Thái Hà (Thái Hà Books) cũng đang nghiên cứu phát triển và kinh doanh audio book. Thời gian qua, đơn vị đã phát hành sách nói qua ứng dụng Fonos và có doanh thu nhất định. Nhà Xuất bản Thế giới thông tin đang chuyển đổi sách sang ebook và audio book để phát hành trên các sàn giao dịch sách điện tử. Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam tiến hành rà soát dữ liệu đề tài để số hóa các xuất bản phẩm, thử nghiệm phát triển sách điện tử…

Chuyển đổi số là mục tiêu sống còn của ngành xuất bản. Đó là khẳng định của hầu hết những người tham gia ngành xuất bản trong nước. Dẫu được đánh giá là “đi chậm” so với thế giới, nhưng những năm qua, sách số vẫn là một dòng chảy ngầm bền bỉ, mặc cho nhiều khó khăn từ khách quan đến chủ quan.

Có một thời gian, người ta lo lắng rằng văn hóa đọc đang dần suy tàn bởi tác động của mạng xã hội và nhiều loại hình giải trí khác. Nhưng kỉ nguyên của sách số đã mở ra một cơ hội mới cho ngành xuất bản. Ngành xuất bản, vì thế mà không “lạc nhịp” so với thời đại. Và con người, cho dù thế nào đi nữa vẫn luôn tìm cách kết nối với sách, bằng cách này hay cách khác. Dù lật trang sách giấy hay đọc sách mạng, hoặc lắng nghe một quyển sách nói, đều là thưởng thức sách. Còn loài người, văn hóa đọc còn sống mãi.