“Chúng tôi quyết tâm phải lấy lại hình ảnh của du lịch Sầm Sơn, không làm được thì tôi và các anh em ở đây không về tỉnh nữa”, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn Trịnh Huy Triều cam kết.
Du khách không còn phải sợ nạn “chặt chém” khi đến Sầm Sơn?. |
Phấn đấu loa công cộng chỉ bật… nhạc nhẹ
Trong những năm qua, du khách đến bãi biển Sầm Sơn (thị xã Sầm Sơn) luôn “ấn tượng” bởi những “từ mạnh” như “chèo kéo”, “chặt chém”, “bắt chẹt”… Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn, ông Trịnh Huy Triều thừa nhận, du khách đến bãi biển Đà Nẵng thì loa công cộng người ta bật nhạc nhẹ, còn ở Sầm Sơn thì chỉ có thông báo “cấm đậu xe không đúng nơi quy định, cấm nâng giá, cấm chèo kéo khách”… nên cũng mệt mỏi lắm".
Quyết tâm của lãnh đạo thị xã biển này là trong thời gian tới, loa công cộng chỉ “bật nhạc nhẹ” chứ không còn thông báo… “xử phạt”, “chèo kéo” nữa.
Theo đó, trước mùa du lịch hè 2013, UBND thị xã Sầm Sơn đã triệu tập các hộ kinh doanh để “phổ biến các chế tài xử phạt, động viện các hộ kinh doanh nâng cao hành vi ứng xử, lòng tự hào của người dân Sầm Sơn”, ông Triều, chia sẻ. Những hộ kinh doanh vi phạm sẽ bị công bố trên các phương tiện truyền thông, qua các báo cáo viên.
Tại bãi biển đều niêm yết số điện thoại đường dây nóng do Chủ tịch, Phó chủ tịch và Trưởng công an thị xã cầm máy. Riêng tại các quán ăn, địa phương này đã yêu cầu tất cả phải niêm yết giá và phải bán theo đúng giá niêm yết.
“Hiện nay một du khách đến Sầm Sơn tắm biển thì được bảo vệ bởi bốn lực lượng. Mới đây, chúng tôi cũng đã thành lập đội quản lý liên ngành, với bốn lực lượng gồm công an, biên phòng, quản lý thị trường và dân phòng. Lực lượng này được lập chốt trên bãi biển, phục vụ 24/24h”, ông Triều thông tin.
“Hiệp hội chống ép khách”
Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn Trịnh Huy Triều nói rằng, ngay sau khi triển khai các biện pháp quyết liệt, đặc biệt là lập chốt trên các bãi biển, thì việc chèo kéo, đeo bám khách thực tế đã giảm hẳn. “Nếu ngày trước anh ngồi trên bãi biển một giờ đồng hồ thì có 5 người đến chèo kéo mua hàng, sử dụng dịch vụ, thì nay chỉ còn một người, thậm chí là không có ai đến làm phiền nữa”, ông Triều cho hay.
Những “hành vi tiêu cực” mà du khách ái ngại mỗi lần đến Sầm Sơn, người đứng đầu thị xã này cam kết “năm nay sẽ giảm ít nhất là 50% trở lên”. Việc siết chặt quản lý, ông Triều nói “các hộ kinh doanh cũng tâm huyết lắm”. Theo đó, các hộ dân kinh doanh đã tự nguyện thành lập “Hiệp hội chống ép khách” nhằm phối hợp với các giải pháp hành chính do chính quyền đưa ra để nâng cao uy tín cho bãi biển đông khách này.
Ông Triều cũng tâm tư rằng, nói du khách đến Sầm Sơn bị “nhà nhà bị chặt chém, người người bị chặt chém” là “hơi nặng nề”. Nhưng dù với bất cứ lý do gì, vị này quả quyết, năm nay sẽ kiên quyết xử lý những trường hợp bán hàng theo kiểu “chặt chém”.
Công an thị xã Sầm Sơn cũng mới khởi tố ba vụ án cưỡng đoạt tài sản khi khác hàng vào hát karaoke bị chủ quán tăng giá lên cao bất hợp lý. Đặc biệt, ngày 20/5/2013, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn Trịnh Huy Triều đã ký quyết định xử phạt 20 triệu đồng đối với chủ ki ốt số 7 tại phường Trường Sơn. Lý do xử phạt là bởi ki ốt này thu tiền giữ xe máy của khách cao hơn... 6.000 đồng, theo đúng quy định thì chỉ có 4.000 đồng.
“Chúng tôi quyết tâm phải lấy lại hình ảnh của du lịch Sầm Sơn, không làm được thì tôi và các anh em ở đây không về tỉnh nữa. Sầm Sơn chưa đến mức bi quan như thế. Có thể các hộ kinh doanh ở đây chưa khéo, khách hỏi thì phải nói nhẹ, trả tiền thì nói nhẹ, giải thích cũng phải nhẹ nhàng… Đôi khi không phải vì tiền mà vì thái độ của người bán nên làm khách hàng bức xúc. Du khách không nên sợ điều đó, chính quyền Sầm Sơn bảo đảm cho việc đó”, Chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn Trịnh Huy Triều cam kết.
Việt Hưng