Dù hoạt động theo phương thức giao ngay, các giao dịch rất minh bạch, giá ổn định, hàng hóa được kiểm định chất lượng…, nhưng sàn giao dịch nông sản (SGDNS) vẫn chưa đủ sức lôi kéo người dân mang hàng hóa đến bán. Ông Nguyễn Viết Vinh - Tổng thư ký Hiệp hội Caphê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) lý giải:
|
Ông Nguyễn Viết Vinh |
Hiện nay các SGDNS vẫn chưa phát huy được nhiều hiệu quả. Theo cách hiểu của nhiều người, đưa sản phẩm lên sàn cũng giống như đem ra chợ, mà đã là chợ thì phải có người vào để bán, mua. Do đó, để phát huy được hiệu quả, sàn giao dịch phải khuyến khích được các DN tham gia, nâng cao năng lực của sàn lên. Sàn không có nghĩa chỉ hoạt động một cách thụ động trong nước, mà phải biết kết hợp với các sàn của các nước khác trên thế giới.
Hiện tại, sàn ở TP.HCM cũng như Buôn Mê Thuật hầu như vắng bóng các nhà giao dịch. Sàn giao dịch ca phê Buôn Ma Thuật (BCEC) được mở từ năm 2008, mặc dù được đầu tư bài bản và là sàn giao dịch hiện đại, phù hợp với tập quán kinh doanh quốc tế, nhưng hiện tại vẫn trong tình trạng hoạt động cầm chừng, mỗi phiên chỉ giao dịch được vài chục tấn. Còn sàn giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương Tín (Sacom – STE) ra mắt vào tháng 3/2010, mỗi ngày chỉ khớp lệnh được trên dưới 100 tấn đường.
Mặc dù BCEC đã có những điều chỉnh sát với thực tế, như giảm lượng hàng từ lô 5 tấn xuống còn 1 tấn, cho nông dân bán hàng khi còn trên cây, được vay 70% giá trị thời điểm lô hàng gửi dựa trên chứng thư gửi kho…, nhưng sàn giao dịch vẫn khó thu hút được DN, người dân tham gia, bởi những tập quán kinh doanh đã hình thành từ lâu.
Như vậy, phải chăng hiện nay hoạt động của các SGDNS còn nhiều bất cập, thưa ông?
Hiện đa số các SGDNS hoạt động chủ yếu theo phương thức giao ngay. Tuy nhiên, dù các giao dịch rất minh bạch, giá ổn định, hàng hóa được kiểm định chất lượng… nhưng nhiều SGDNS vẫn chưa đủ sức lôi kéo người dân mang hàng hóa đến bán. Chẳng hạn, SGDNS Cần Giờ (Tp.HCM) sau khi khai trương rầm rộ chỉ “trụ” được vài chục phiên đã phải lặng lẽ đóng cửa. Nguyên nhân là điều kiện kinh doanh tại sàn không thuận tiện cho người dân như cách làm ăn với thương lái. Tương tự, sàn giao dịch hạt điều tại Bình Phước sau mấy phiên thử nghiệm cũng đành dẹp bỏ vì các DN phải có hàng ký gửi mới có thể khớp lệnh, nhưng do nhiều nguyên nhân nên chẳng DN nào có hàng dự trữ.
Do gặp nhiều khó khăn trong phương thức giao ngay, một số sàn như: BCEC, Sacom, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX) đã đưa giao dịch kỳ hạn vào hoạt động với kỳ vọng kết nối được với thị trường nông sản quốc tế. Với giao dịch loại này, những người tham gia sàn chỉ cần ký quỹ một số tiền (hiện sàn BCEC quy định ký quỹ 15%) là có thể mua bán mà chẳng cần có hàng hóa lưu kho, tiết kiệm được rất nhiều chi phí về lãi vay, lưu kho, vận chuyển.
Vậy theo ông, chúng ta sẽ phải làm thế nào để các SGDNS hoạt động tốt hơn?
Theo tôi, trước tiên vẫn cần có sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Chẳng hạn, nếu là sàn ở Buôn Mê Thuột thì UBND tỉnh Đăk Lăk phải có trách nhiệm đầu tư trang thiết bị, nguồn nhân lực… Đồng thời, bản thân Hiệp hội cũng phải luôn luôn khuyến cáo các DN, người nông dân cố gắng thông qua sàn để giữ được sự ổn định về chất lượng, giá cả, thậm chí cả vấn đề vốn cũng như khả năng thanh toán của sàn giao dịch đó. Nếu làm tốt 3 điều trên thì chắc chắn uy tín của sàn sẽ được nâng cao.
Xin cám ơn ông!
Việt Anh (thực hiện)