Sản phẩm “xanh” - giải pháp hay “làm màu”?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều năm trở lại đây, xu hướng tiêu dùng sản phẩm “xanh” bảo vệ môi trường được coi là một trong những giải pháp hàng đầu để giảm thiểu chất thải nhựa, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững. Vậy nhưng sản phẩm “xanh” có thực sự vì môi trường hay chỉ là một chiến lược marketing đầy công phu.
Tiêu dùng sản phẩm “xanh”, nói không với rác thải nhựa.
Tiêu dùng sản phẩm “xanh”, nói không với rác thải nhựa.

Xu hướng tiêu dùng sản phẩm “xanh”

Hiện nay, xã hội phát triển vượt bậc, người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tiêu dùng thông minh, bền vững, cũng như những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, ngay từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và sử dụng sản phẩm.

Tiêu dùng ngày nay không chỉ đơn giản đòi hỏi về chất lượng, lợi ích, giá thành mà còn đòi hỏi tính xã hội, tính nhân văn trong từng sản phẩm. Chính vì vậy, tiêu dùng sản phẩm “xanh” đang trở thành một xu hướng của xã hội hiện đại, ưu tiên cho bảo vệ sức khỏe, bảo vệ các nguồn tài nguyên cho thế hệ tương lai và nâng cao chất lượng sống của con người.

Trên thế giới, tiêu dùng “xanh” đã khá phổ biến và có những bước tiến vượt bậc ở các nước đang phát triển, khi thu nhập cá nhân và ý thức tiêu dùng ngày càng tăng lên. Các chuyên gia môi trường xem đây như một biện pháp “giải cứu trái đất” trước những biến đổi xấu của môi trường sống trên toàn cầu. Do đó, xu hướng sản xuất và sử dụng sản phẩm “xanh” dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Giống như nhiều nước, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường. Tổng cục Môi trường thẳng thắn nhìn nhận, ô nhiễm trong không khí đang ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM.

Ước tính mỗi năm Việt Nam có hơn 1,8 triệu chất thải nhựa được thải ra, nhưng có tới 73% trong số đó không được tái chế, trong khi để phân hủy hoàn toàn các chất thải từ nhựa và nylon trung bình phải mất hàng trăm, thậm chí tới hàng nghìn năm.

Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn nhựa thải ra đại dương/năm và đứng thứ 4 trên thế giới về rác thải nhựa. Bên cạnh đó, nước ta cũng đang phải đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm qua.

Đứng trước những thách thức như vậy, xu hướng tiêu dùng “xanh” đã và đang nhận được sự đồng thuận rất lớn trong cộng đồng, từ các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm cho đến người tiêu dùng. Không những vậy, người tiêu dùng còn có động thái thực hiện việc quay lưng, tẩy chay sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

Tại Việt Nam, tiêu dùng “xanh” đang là một xu thế mới và nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm “xanh” cũng đã được nâng cao. Dù chưa có những quy định riêng biệt về tiêu dùng “xanh”. Tuy vậy, nhiều nội dung liên quan đến tiêu dùng “xanh”, tiêu dùng bền vững đã sớm được đưa vào chính sách, được lồng ghép, quy định trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước.

Tiêu dùng “xanh” là một nội dung trong Chiến lược tăng trưởng “xanh” giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam. Những năm qua, nhiều mô hình tiêu dùng “xanh” được cộng đồng hưởng ứng như: gói rau, củ, quả bằng lá chuối; dùng bình nước bằng thủy tinh; ống hút bằng tre hoặc cỏ; túi vải thay túi nylon…

Theo khảo sát mới đây của Nielsen Việt Nam cho thấy, 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết “xanh” và “sạch”, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường. Điều này cho thấy đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của người tiêu dùng Việt.

Sản phẩm “xanh” có thực sự là giải pháp?

Xu hướng tiêu dùng sản phẩm “xanh” đang trỗi dậy và thu hút toàn bộ ngành sản xuất thay đổi. Hàng loạt các sản phẩm thay thế đồ dùng một lần thân thiện môi trường ra đời và được đón nhận. Các chiến lược sản xuất kinh doanh cũng chuyển đổi theo hướng này để giảm gánh nặng cho môi trường, đồng thời được ủng hộ và mang tính khả thi cao hơn trong sản xuất và tiêu dùng.

Nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19, khi sức khỏe và bảo vệ môi trường sống trở thành mối quan tâm hàng đầu. Đánh vào tâm lý đó, nhiều sản phẩm “xanh” dần trở thành một chiến lược marketing vô cùng hấp dẫn và đem lại lợi nhuận khủng. Nhưng không phải sản phẩm nào được dán nhãn “thân thiện với môi trường” cũng có hiệu quả, thậm chí có nhiều sản phẩm còn khiến cho vấn đề nghiêm trọng hơn.

Ống hút nhựa là một trong những sản phẩm gây ô nhiễm môi trường được nhắc đến nhiều nhất. Có thể nói, cuộc chiến con người đối phó với ô nhiễm môi trường được bắt đầu từ một chiếc ống hút nhựa. Vào năm 2015, đoạn phim ghi lại hình ảnh một con rùa biển ở Costa Rica bị mắc kẹt với ống hút nhựa trong hốc mũi đã thổi bùng lên chiến dịch “nói không với ống hút nhựa”.

Thời gian sử dụng của một chiếc ống hút bằng nhựa rất ngắn, người dùng chỉ sử dụng ống hút để uống một cốc nước ngọt trong vòng 3 phút rồi vứt đi. Nhưng “tuổi đời” của chúng vẫn còn rất dài. Những chiếc ống hút chất đống thành các bãi rác khổng lồ và trôi xuống đại dương. Chúng gây ô nhiễm môi trường biển, cắm vào mũi và miệng sinh vật biển, phá vỡ hệ sinh thái biển và gây rối loạn chuỗi thức ăn.

Người tiêu dùng ở nhiều quốc gia đã nỗ lực tìm kiếm sản phẩm thay thế. Trước “cái chết” của ống hút nhựa, phong trào sử dụng ống hút giấy bùng nổ và nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu. Ống hút giấy được giới thiệu sẽ trở thành sản phẩm thay thế hoàn hảo cho ống hút nhựa, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường.

Ống hút giấy phân hủy sinh học cấu tạo từ loại giấy cao cấp được tráng bằng nhựa axit polylatic (PLA). Tương tự nhựa PE được sử dụng trong ống hút nhựa, PLA cũng có khả năng chống thấm nước. PLA có thể dễ dàng phân hủy và không gây ô nhiễm môi trường khi bị đốt cháy.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng giấy tốt hơn nhựa nhưng chưa hẳn đã tốt. Bởi trong quá trình sản xuất ống hút giấy đồng nghĩa với việc nhà sản xuất phải thực hiện một quá trình dài, bao gồm trồng cây, đốn cây, ép thành ống giấy,… Chưa kể trong quá trình sản xuất và vận chuyển, sản phẩm này cần sử dụng đến các nhiêu liệu hóa thạch như xăng, dầu và một số loại nhựa khác. Hình ảnh những chiếc ống hút giấy được bọc trong túi nhựa làm dấy lên câu hỏi: “Ống hút giấy có thật sự thân thiện với môi trường?”.

Ống hút giấy có thực sự bảo vệ môi trường?

Ống hút giấy có thực sự bảo vệ môi trường?

Ngay cả việc lựa chọn túi giấy thay vì túi nylon cũng không thân thiện với môi trường như hầu hết mọi người nghĩ. Người tiêu dùng không hề để ý đến đặc điểm túi giấy tạo ra ô nhiễm không khí và nước nhiều hơn túi nylon và cũng thực sự cần nhiều năng lượng hơn để tái chế. Bởi túi giấy chiếm nhiều không gian hơn trong các bãi chôn lấp và cần nhiều khí đốt hơn để vận chuyển.

Đồng thời, việc sử dụng ống hút giấy, túi giấy tượng trưng cho bảo vệ môi trường có thể gây tác dụng ngược. Nhiều người dùng lầm tưởng rằng chỉ bằng việc sử dụng sản phẩm giấy thay sản phẩm nhựa đã là đủ. Các sản phẩm thân thiện với môi trường hiện nay không khác gì một “giấy cấp phép” cho người tiêu dùng tiếp tục vô trách nhiệm với thiên nhiên hơn.

Theo nhà nghiên cứu Philipp Sapozhnikov tại Viện Hải dương học Shirshov, vi hạt nhựa ở trong mọi thứ, đến ngay cả các sản phẩm được cho là “xanh”. Và cách tốt nhất để giảm ô nhiễm từ ống hút nhựa là bạn hãy uống trực tiếp đồ uống từ ly thay vì phải dùng ống hút, dù là nhựa hay giấy. Cũng như hãy sử dụng túi vải có chu kì sử dụng dài thay cho nylon hay túi giấy.

Cùng với nỗ lực giảm tải về năng lượng và ô nhiễm khí hậu, các chính phủ đang tăng cường nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có việc đẩy mạnh sản xuất các loại xe ô tô điện. Điều đó đang làm bùng nổ số lượng xe điện trong tương lai gần.

Xe ô tô điện có thể không sản sinh ra khí thải trong quá trình vận hành, nhưng chúng chỉ thực sự “xanh” khi điện được sạc vào. Mặc dù pin lithium-ion được Chính phủ Mỹ phân loại là chất thải không nguy hại nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng có thể gây ô nhiễm nước.

Nếu không được thu gom, xử lý đúng cách, lithium sẽ thấm vào nguồn nước. Không chỉ vậy, các chất có trong pin xe điện như niken, coban, mangan và các kim loại khác có thể gây ra mối đe dọa lớn hơn cả lithium đối với cuộc sống con người và hệ sinh thái.

Đối với pin lithium-ion, các hãng xe điện sẽ cần tăng gấp ba lần tốc độ sản xuất hiện tại. Vì vậy, việc tái chế pin là rất cần thiết, nếu không, hậu quả có thể còn tồi tệ hơn nhiều so với hiểm họa ô nhiễm nhựa đang bủa vây các đại dương. Nhất là khi tỷ lệ pin được tái chế hiện tại rất thấp, chỉ có 5% tổng số lithium-ion đang được tái chế.

Ống hút giấy, túi giấy, xe ô tô điện,… đều là những sản phẩm “xanh” mang trong mình sứ mệnh bảo vệ môi trường. Nhưng thực tế, tiêu thụ ít thì luôn tốt hơn việc sử dụng một sản phẩm “xanh”. Vì lẽ đó, chúng ta cần tối ưu xu hướng tiêu dùng “xanh” và lựa chọn sử dụng những sản phẩm thực sự “xanh” chứ không chỉ trên nhãn mác.

Đọc thêm