Liên minh bán lẻ giảm thải túi nilon: Làm gì để sáng kiến đi vào cuộc sống?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để giải quyết thói quen sử dụng túi nilon và các sản phẩm từ nhựa của đông đảo người tiêu dùng, nhiều nhà phân phối bán lẻ, siêu thị đã đề xuất sáng kiến xây dựng một Liên minh tiêu dùng bán lẻ, cam kết và thực hiện cắt giảm túi nilon một lần trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó tác động trực tiếp đến hành vi của khách hàng. 
Liên minh bán lẻ giảm thải túi nilon: Làm gì để sáng kiến đi vào cuộc sống?

Liên minh siêu thị “nói không” với túi nilon

Theo báo cáo của Sở Công Thương thành phố Hà Nội, đến nay, trên địa bàn Hà Nội có 140/170 siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi nilon khó phân hủy, yêu cầu khách mua hàng tự mang túi cá nhân hoặc chuyển sang túi nilon tự hủy sinh học, túi môi trường sử dụng nhiều lần để phục vụ hoạt động mua sắm. 

Nhiều doanh nghiệp phân phối bán lẻ đã áp dụng chương trình khuyến mãi, ưu đãi quà tặng nhằm khuyến khích khách hàng thay đổi thói quen dùng túi nilon khi đi mua sắm như: Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Vincommerce (hệ thống siêu thị Vinmart); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Aeon Việt Nam (hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại Aeon); Công ty Trách nhiệm hữu hạn MM Mega Market Việt Nam (hệ thống siêu thị MM Mega Market);… 

Cụ thể, Vincommerce đã triển khai loạt giải pháp tổng thể 3 Xanh “Vinmart xanh, khách hàng xanh và nhà cung cấp xanh” tại 2.200 điểm bán lẻ Vinmart và Vinmart+ trên cả nước, 850 điểm bán lẻ trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, Vinmart cắt giảm hoặc thay thế các vật liệu nhựa dùng một lần trong hoạt động vận hành, đồng thời kêu gọi khách hàng hưởng ứng qua các chương trình khuyến mại, khuyến khích thói quen tự mang túi đựng dùng nhiều lần và các thói quen tiêu dùng xanh khi mua sắm tại hệ thống... 

Tuy nhiên, nỗ lực của một số thương hiệu, chuỗi siêu thị sẽ chỉ là “muối bỏ bể” nếu những siêu thị khác không cùng tham gia. Người tiêu dùng không sử dụng túi nilon ở siêu thị này vẫn có thể đến các siêu thị khác để được mua hàng có kèm theo túi nilon. Do đó, mới đây nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã ủng hộ đề xuất thiết lập một Liên minh tiêu dùng bán lẻ giảm thiểu túi nilon. Được biết, đây là sáng kiến đã đem lại nhiều thay đổi tích cực trong thói quen tiêu dùng hàng ngày của nhiều người dân ở các quốc gia châu Âu; tại châu Á cũng có thể kể tới Nhật Bản, Thái Lan… 

Bà Fanny Quertamp – đại diện Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp Expertise France cho biết, Liên minh châu Âu và Chính phủ Liên bang Đức tài trợ cho Việt Nam Dự án “Sáng kiến thành lập liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ túi nilon dùng một lần tại Việt Nam” gồm có ba hợp phần chính: Liên minh tiêu dùng bán lẻ được thành lập và vận hành nhằm giảm sử dụng túi nilon sử dụng một lần tại các siêu thị; các chương trình khuyến mại được áp dụng nhằm khuyến khích khách hàng giảm sử dụng túi nilon; hoạt động truyền thông nhằm thay đổi hành vi của khách hàng. 

Theo Tiến sĩ Kim Thị Thúy Ngọc – Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, mục tiêu cụ thể là thay thế túi nilon sử dụng một lần bằng túi thân thiện với môi trường; giảm ít nhất 10% tổng lượng túi nilon sử dụng một lần so với năm 2020; 100% thành viên Liên minh thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; 80% thành viên Liên minh thực hiện các chương trình khuyến mại nhằm khuyến khích khách hàng giảm sử dụng túi nilon sử dụng một lần; 50% các chi nhánh của thành viên bước đầu thử nghiệm việc yêu cầu khách hàng trả tiền đối với túi nilon sử dụng một lần.

Nhiều khó khăn

Bên cạnh việc còn nhiều người tiêu dùng, chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi sử dụng túi nilon, tình trạng này lại càng phổ biến tại các chợ cóc, chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội. Có ý kiến cho rằng, khi xây dựng liên minh, cần áp dụng đồng bộ trên tất cả các siêu thị. Nếu không làm được như vậy, khách hàng không muốn thay đổi thói quen sử dụng túi nilon sẽ chỉ đến những cửa hàng, siêu thị có cho dùng túi nilon một lần. Lượng khách giảm xuống sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các cơ sở, khiến họ muốn cung cấp lại túi nilon để phục vụ khách hàng. 

Nhiều người còn đặt ra nghi vấn, Liên minh được xây dựng dựa trên việc các thành viên tự nguyện cam kết thực hiện cắt giảm sử dụng túi nilon, nếu họ không tuân thủ cam kết của chính mình thì có hậu quả hay chế tài gì không? Đồng thời, ai hay cơ quan nào có thẩm quyền giám sát việc thực hiện này? Việc giảm thải rác thải nhựa, túi nilon có cần được luật hoá để bảo đảm tính hiệu quả khi thực thi hay không? 

Trước những ý kiến này, để sáng kiến Liên minh siêu thị giảm thiểu việc tiêu thụ túi nilon sớm đi vào thực tế, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu về quy chế tổ chức, cách thức hoạt động… Từ đó mới có thể tiến tới thành lập Liên minh và đi vào hoạt động đồng bộ để các thành viên cùng nhau tin tưởng, cùng nhau hành động vì mục tiêu giảm thải rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.

Đáng nói, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định tại Điều 73 rằng: “Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định”. Trong bối cảnh dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đang dần được hoàn thiện, nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đều quan tâm đến việc điều luật này sẽ được hướng dẫn cụ thể như thế nào để tránh tình trạng manh mún, tuỳ hứng trong nỗ lực giảm thiểu nhựa dùng một lần nói riêng và phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, bảo vệ môi trường nói chung.  

Đọc thêm