Hoạt động kinh doanh sữa mẹ tại Trung Quốc đang phát triển khá mạnh, ngoài tầm kiểm soát của pháp luật.
Nhận thấy nguồn sữa của mình nhiều hơn so với nhu cầu của cô con gái 5 tháng tuổi, Yan – một sản phụ đang sống tại thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh - đã quyết định sẽ bán bớt sữa của mình để có thêm thu nhập. “Tôi không muốn lãng phí nguồn sữa của mình. Trước đây, tôi từng được nghe về việc nhiều bà mẹ bán sữa của họ qua mạng. Vì thế nên tôi đã tạo ra một trang web và bắt đầu việc kinh doanh” – Yan kể lại.
Sản phẩm sữa mẹ tại Trung Quốc. Ảnh: Internet |
Khi đánh cụm từ “sữa mẹ” vào ô tìm kiếm trên trang web “58.com” – một trang web bán hàng trực tuyến của Trung Quốc – sẽ cho ra một dãy dài các kết quả về những mẩu quảng cáo bán sữa mẹ của các sản phụ. Từ Thượng Hải cho đến Quảng Châu, các bà mẹ có con nhỏ đang kiếm “bộn” từ ngành kinh doanh trực tuyến đang bùng nổ này.
“Tôi chỉ việc chờ những cuộc gọi đến. Tôi bán sữa mẹ tươi và đông lạnh. Nhưng khách hàng phải tự đến lấy” – Yan cho biết. Theo lời sản phụ này, mỗi tháng cô kiếm được khoảng 5.000 nhân dân tệ (khoảng 814 USD) từ nguồn sữa của chính mình. Trong khi đó, nếu nuôi con bằng sữa công thức, các bà mẹ tại Trung Quốc chỉ tốn trung bình khoảng 2.000 nhân dân tệ (325 USD).
Sau vụ bê bối sữa nhiễm độc hồi năm 2008, nhiều bà mẹ thiếu sữa tại nước này đã chuyển sang mua sữa công thức từ nước ngoài, chủ yếu là ở Hong Kong. Tuy nhiên, hồi đầu năm nay, do lo ngại về tình trạng thiếu sữa, giới chức Hong Kong đã ra quy định giới hạn số lượng sữa bột mà những du khách được mang ra khỏi vùng lãnh thổ này. Quy định này đã buộc những bà mẹ mới sinh tại Trung Quốc phải tìm các cách thức khác để kiếm sữa nuôi con.
Đến tuần này, sự mất niềm tin của các sản phụ Trung Quốc tiếp tục lan sang Fonterra - nhà cung cấp các sản phẩm sữa lớn nhất của nước này, sau khi công ty này công bố thông tin cho biết đã phát hiện vi khuẩn gây chứng ngộ độc thịt trong vài lô thành phần thường được sử dụng để pha chế sữa công thức và nước uống tăng lực của hãng. Giới chức Trung Quốc đã ngay lập tức dừng nhập khẩu sản phẩm bột whey và bột sữa Dairy Base do Fonterra sản xuất, đồng thời tăng cường kiểm tra đối với các sản phẩm sữa của New Zealand.
Vụ việc càng khiến nhiều bà mẹ tại đất nước đông dân nhất thế giới chuyển sang dùng sữa mẹ để thay thế. “Nếu tôi không có đủ sữa mẹ để nuôi con, tôi sẽ lựa chọn đi mua sữa mẹ ở bên ngoài vì tôi không tin tưởng vào nguồn sữa bột trong nước” – cô Fang Lu – một phụ nữ vừa kết hôn và đang dự định sinh con cho biết.
Tuy nhiên, các chuyên gia về sức khỏe nói rằng sản phẩm sữa mẹ này cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ. Theo Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ, những em bé dùng sữa chưa qua kiểm tra của những bà mẹ khác có thể sẽ mắc phải các bệnh truyền nhiễm, trong đó có cả HIV, và các loại thuốc bất hợp pháp hay thuốc kê đơn có trong sữa. Thêm vào đó, sản phẩm sữa người nếu không được bảo quản đúng cách có thể bị nhiễm khuẩn và không an toàn khi sử dụng.
Về phương diện pháp lý, dù Bộ Y tế nước này tuyên bố sữa mẹ không thể là một loại hàng hóa nhưng hiện vẫn chưa có các đạo luật nào để điều chỉnh hoặc cấm hoàn toàn việc kinh doanh sữa mẹ. “Nếu không được bảo quản tốt, sữa mẹ sẽ trở thành một nguồn dinh dưỡng nguy hiểm. Chúng ta cần phải có một đạo luật để quản lý việc kinh doanh sữa mẹ” – ông Wangyan Liu – một bác sỹ tại Bắc Kinh cho hay.
Thanh Tâm (Theo báo nước ngoài)