Tử vong sau khi “mẹ tròn con vuông”
Sáng ngày 13/9, rất đông anh em họ hàng, bà con lối xóm đã đến tiễn đưa sản phụ Nguyễn Thị Thanh (SN 1984, ngụ xóm 8, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) về nơi an nghỉ cuối cùng.
Chứng kiến cảnh đứa con lớn chừng 6 tuổi vô tư chơi đùa trên tay bố trong buổi đưa tang mẹ, càng khiến người thân quặn đau.
“Xót xa quá. Chẳng thà cháu nhà tôi khó sinh, đằng này nó sinh đẻ xong xuôi vậy mà lại ra đi tức tưởi như vậy”, bà Nguyễn Thị Tân (SN 1948, bác nạn nhân) không kìm được những giọt nước mắt.
Lặng lẽ ngồi ôm đứa con trên tay, gương mặt anh Nguyễn Đình Minh (SN 1982) ủ rũ. Người đàn ông cho hay, khoảng 17h30 ngày 11/9 thấy vợ có dấu hiệu chuyển dạ, anh đã cùng bà nội Trần Thị Tứ (SN 1955), bà ngoại Nguyễn Thị Mai (SN 1959) và em trai đưa vợ lên Trạm y tế xã. Tiếp sản phụ Thanh tại trạm y tế là bác sĩ Ngô Thị Minh, trạm trưởng và một điều dưỡng.
Sau thời gian vật lộn với những cơn đau đẻ, đến 23h30 chị Thanh được đưa lên bàn đẻ. Không lâu sau, sản phụ sinh một bé trai nặng 4,1kg. Anh Minh cho biết, lúc sinh xong, vợ mình hoàn toàn bình thường. Chị Thanh còn cười nói với mọi người, đồng thời ôm đứa con mới sinh. Thấy vợ “vượt cạn” thành công, anh yên tâm chạy xe máy về nhà lấy thêm ít đồ dùng.
Trạm y tế xã Phúc Thọ, nơi chị Thanh “vượt cạn” thành công nhưng sau đó lại tử vong bất thường |
Khi anh rời khỏi trạm xá chừng 40 phút thì người vợ bắt đầu có những dấu hiệu khác thường. Là người chứng kiến toàn bộ sự việc, mẹ chồng nạn nhân cho biết, sau khi con dâu bà sinh xong, trưởng trạm dùng tay lấy nhau thai ra, rồi sản phụ chảy máu bất thường.
“Lúc đó tôi đang bồng cháu trên tay, thấy vậy hốt hoảng kêu la . Nghe vậy, bà Minh liền nói lại “không sao cả, máu lẫn nước tiểu nên mới nhiều như vậy””.
Trước sự cố bất thường xảy ra với sản phụ, bác sĩ đã truyền ba chai nước, đồng thời tiêm nhiều mũi vào hai tay, hai chân sản phụ với mục đích cầm máu, nhưng tình trạng vẫn không thay đổi. Hoảng hốt, vị trạm trưởng liền gọi xe cấp cứu 115.
Người thân cho hay, trong quá trình đợi xe cấp cứu đến, sản phụ liên tục kêu đau. “Khi tôi quay lại trạm xá thì thấy vợ kêu gào đau đớn. Lúc đó chỉ biết động viên vợ cố gắng, đồng thời giữ chặt hai chân cô ấy, hạn chế cử động”, lời người chồng.
Nhưng những nỗ lực vẫn không giúp sự việc chuyển biến tốt hơn. Anh Nguyễn Đình Hà (SN 1988, em chồng) rơm rớm nước mắt nói: “Chị dâu đau đến mức đã ôm cánh tay tôi mà cắn. Tôi cố gồng mình chịu đựng, những mong chị sẽ tai qua nạn khỏi. Vậy mà…”.
Thông tin từ người nhà cho hay, đến khoảng 2h35 xe cấp cứu mới đến được trạm y tế xã. Ít phút sau, chiếc xe cấp cứu đưa sản phụ và một vài người thân đến Bệnh viện Nhi Nghệ An chữa trị, nhưng mọi việc đã quá muộn.
“Vợ tôi đến nơi thì các bác sĩ của bệnh viện Nhi cho biết đã mất trước đó. Nghe tin đó, tôi rụng rời chân tay, không đứng vững nữa”, người chồng thuật lại.
Xe cấp cứu lạc đường?
Sự ra đi đầy đau đớn của sản phụ khiến gia đình, người thân bàng hoàng. Cho rằng, nguyên nhân cái chết của chị Thanh một phần có liên quan đến nghiệp vụ của bác sĩ, gia đình đã có đơn kiến nghị, yêu cầu cơ quan chức năng điều tra làm rõ vụ việc.
Bà Tứ bức xúc nói “có thể do quá trình bác sĩ đưa tay vào lấy nhau thai đã khiến con dâu tôi bị chảy máu, rồi mới xảy ra cơ sự trên. Vì trước đó, sau khi sinh xong, con tôi vẫn bình thường, không có dấu hiệu gì cả”.
Bà Tân thuật lại sự việc |
XLPL đã tìm gặp bác sĩ Ngô Thị Minh, Trạm trưởng y tế xã Phúc Thọ. Vị bác sĩ này cho hay, đúng là sau khi sinh con xong, sản phụ Thanh bình thường. Nhưng khi thấy sản phụ có dấu hiệu bị băng huyết, bà đã tiêm thuốc cầm máu, bù dịch để nâng cao thể trạng.
Sau đó sản phụ Thanh bình thường trở lại, được ít phút tiếp tục kêu mệt hơn. Thấy vậy, bác sĩ đã gọi xe cấp cứu vì trạm xá không đủ phương tiện kỹ thuật để hỗ trợ người bệnh trong trường hợp nguy kịch.
Bác sĩ cho biết thêm, khi gọi xe cấp cứu, đã yêu cầu phải có bác sĩ chuyên khoa trên xe, vì đang có sản phụ bị băng huyết. Một điều bất lợi tiếp tục xảy ra là hôm đó mưa to, xe cấp cứu của trung tâm 115 liên tục bị lạc đường nên mãi hơn 1 tiếng đồng hồ sau, xe mới đến được Trạm y tế xã.
Lúc đó, sản phụ đã ngất lịm. Chiếc xe rời trạm y tế được một lúc thì bác sĩ nhận được tin sản phụ tử vong trước khi đến Bệnh viện Sản Nhi.
Lời giải thích của bác sĩ có phần khớp với tường trình của lái xe cấp cứu đêm hôm đó. Anh Hồ Ngọc Đông (SN 1986, tài xế lái xe cứu thương thuộc Đội vận chuyển cấp cứu 115 Nghệ An), kể lại, sau khi nhận được lệnh, lúc 1h57 sáng 12/9 anh và một nhân viên y tế tên là Nguyễn Trung Kiên (SN 1990) bắt đầu xuất phát.
Biết đây là trường hợp khẩn cấp nên anh phóng xe đi với tốc độ cao để nhanh chóng đến trạm y tế. “Tuy nhiên, do hôm đó trời tối lại mưa to, mà đường vào xã Phúc Thọ không có bảng chỉ dẫn nên tôi bị lạc đường nhiều lần”, anh Đông trần tình.
Khi xe đến được trạm xá thì sản phụ đã tím tái ngất lịm. “2h34 xe tôi đến địa điểm trên, chừng 4 phút sau, tôi nhanh chóng điều khiển xe đến Bệnh viện Sản Nhi thì nạn nhân đã tử vong trước đó. Lúc đưa sản phụ ra xe tôi đã chạy hết tốc lực nhưng vẫn không kịp”, lời của lái xe.
Khi nói về quá trình di chuyển để đón bệnh nhân với quãng đường dài chừng 10km nhưng mất tới 40 phút, tài xế Đông thừa nhận:
“Tôi công nhận là vẫn có chậm, so với bình thường thì tôi chậm khoảng hơn 10 phút. Trời mưa to, không có người để hỏi, liên lạc qua điện thoại thì rất khó tìm đường vì không có bảng chỉ dẫn, vào đến gần trạm xá người nhà mới ra đón. Nếu là ban ngày thì tôi đã đến sớm hơn…”.
Dù vậy, người thân của sản phụ vẫn chưa đồng tình với cách lý giải đó. Họ một mực cho rằng, bác sĩ là người cũng có một phần trách nhiệm trước cái chết của sản phụ. Gia đình cho hay, đợi sau khi gia đình tổ chức mai táng cho người quá cố xong sẽ khiếu nại sự việc đến cơ quan chức năng.
Em chồng bệnh nhân rơi nước mắt khi kể lại câu chuyện |
Vợ chồng sản phụ cưới nhau đã được 7 năm. Ngoài công việc đồng áng, hàng ngày chị Thanh buôn bán hàng tạp hóa, kiếm thêm tiền nuôi gia đình. Còn người chồng làm nghề thợ xây.
Sau thời gian gom góp, kết hợp với vay mượn anh em họ hàng, hai vợ chồng mới cất được căn nhà. Thế nhưng, khi ngôi nhà mới hoàn thành chưa được bao lâu thì người vợ đã ra đi, để lại ba bố con.
Lo ngại hơn cả là sức khỏe của cháu bé mới được sinh ra. Gia đình cho biết, sau khi đưa về nhà một ngày, cháu liên tục co giật, người tím tái nên đã được đưa lên bệnh viện Nhi điều trị, theo dõi.
Trong căn nhà mới xây xong, đứng trước di ảnh con dâu, bà Tứ khóc than: “Con ơi, gom góp bao nhiêu năm trời mới xây được căn nhà, vậy mà nhà mới con không nằm, sao lại nằm lạnh lẽo ngoài trời mưa vậy”.