Sau cơn vượt cạn tại trạm xá của xã, chị Nguyễn Thị Lan (36 tuổi, trú tại xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) bị ra máu nhiều với dấu hiệu bị băng huyết. Tuy nhiên, gần 3 tiếng sau, sản phụ này mới được đưa lên bệnh viện tuyến huyện và tử vong sau đó.
Di ảnh nạn nhân |
Bà Nguyễn Thị Hồng (mẹ chồng chị Lan) kể lại: Khoảng 2h sáng ngày 23/8/2012, chị Lan chuyển dạ nên được gia đình đưa vào Trạm Y tế xã Đông Lỗ. Trực trạm xá hôm đó có 2 cán bộ tên là Nghiêm Xuân Quyết và Trần Thị Hồng.
Sau khi quan sát sản phụ, cán bộ Hồng nói: “Đã mở được 2 phân rồi!”. Bà Hồng hỏi: “Thế mở bao nhiêu phân thì đẻ?”. Cán bộ Hồng trả lời: “4 phân thì đẻ”. Bà Hồng hỏi tiếp: “Thế ở đây được không, hay là cho đi lên huyện?”. Cán bộ: “Đẻ ở đây được thì chúng cháu mới giữ ở đây, không chúng cháu giữ làm gì?”. Nghe vậy, người thân của sản phụ không hỏi nữa.
Cũng theo bà Hồng, đến 3h10 sáng cùng ngày, chị Lan sinh 1 bé trai. Người đỡ đẻ và cắt rốn là cán bộ Quyết. Thấy sản phụ ra nhiều máu, cán bộ Quyết bảo cán bộ Hồng tiêm cho sản phụ 1 mũi thuốc cầm máu. Tuy nhiên, sản phụ gào lên đau đớn: “Đau quá, đau quá, chết tôi rồi!” rồi thều thào với bà Hồng: “Mẹ ơi, con mệt lắm!”. Thấy máu của sản phụ tiếp tục ra, cán bộ Quyết lại bảo cán bộ Hồng tiêm thêm 1 mũi thuốc. Cán bộ Hồng cũng kiểm tra vùng kín của sản phụ nhưng không thấy dấu hiệu bị xây xát.
Gia đình nạn nhân khẳng định, chứng kiến cảnh đó, vì xót con nên mẹ đẻ của chị Lan đã nói với cán bộ Quyết như sau: “Anh Quyết ơi! Có khi con tôi băng huyết rồi, có khi cho con tôi đi lên tuyến trên đi”. Đáp lại, cán bộ Quyết trấn an: “Bà cứ yên chí. Ai đẻ mà chả có máu”. Tuy nhiên, một lúc sau, thấy máu của sản phụ vẫn ra nhiều, cán bộ Quyết đã gọi thêm 1 nhân viên y tế của trạm xá đến, người này tên là Phạm Thị Hải Yến. Đến nơi, bà Yến quyết định cho truyền dịch và chuyển sản phụ Lan lên bệnh viện tuyến trên.
Khoảng 6h15 sáng cùng ngày, xe cấp cứu chở sản phụ Lan đến Bệnh viện Đa khoa huyện Hiệp Hòa. Các bác sĩ tại đây chẩn đoán chị bị vỡ cổ tử cung nên phải phẫu thuật cắt cổ tử cung. Theo người nhà nạn nhân, lúc này bệnh viện đã hết máu nên họ cuống cuồng đi tìm người có nhóm máu phù hợp để tiếp máu cho chị Lan. Sau đó, đã có người có nhóm máu phù hợp nhưng sản phụ Lan chưa được tiếp hết máu thì đã tử vong. Thông tin sản phụ Lan tử vong được bác sĩ thông báo cho gia đình người xấu số lúc 7h15 cùng ngày.
Sau cái chết oan nghiệt của sản phụ Nguyễn Thị Lan, gia đình chị cho biết trước hôm sinh con, chị không hề làm bất cứ một việc gì nặng nhọc cả. “Biết nó sắp sinh nên gia đình chỉ cho nó làm mấy việc nhẹ như quét nhà hoặc nhặt rau” - mẹ chồng chị Lan cho biết.
Phía gia đình chị Lan cũng phản ánh rằng: Sau khi chị Lan mất, gia đình đã yêu cầu đại diện Trạm Y tế xã Đông Lỗ đến nhà để nói chuyện, làm rõ nguyên nhân tử vong của chị Lan. Tuy nhiên, sau đó phía trạm xá không có động thái gì. Chỉ khi gia đình chị Lan trực tiếp lên trạm xá lần thứ hai để phản ánh vấn đề, trạm xá mới cho người xuống gia đình chị Lan để hỏi thăm sơ qua.
Trao đổi với phóng viên, cán bộ trạm xá Nghiêm Xuân Quyết cho hay lúc được chuyển lên bệnh viện tuyến trên, sản phụ Lan vẫn tỉnh táo bình thường. Cán bộ Quyết xác nhận: Sau khi đẻ khoảng 30 phút, máu của sản phụ Lan ra nhiều và nguyên nhân là “Có thể do tuyến trên tiếp sát tử cung làm cho máu của chị Lan ra nhiều, dẫn tới choáng và gây ra đột biến”. Còn cán bộ Phạm Thị Hải Yến thì nhận định: “Nếu có thầy thuốc liên tục, có đủ cơ số thuốc và tuyến trên kịp thời xử lý thì tính mạng của sản phụ sẽ được cứu sống”.
Qua cách nói này, có thể hiểu Trạm Y tế xã đã “đẩy” trách nhiệm lên tuyến trên là Bệnh viện Đa khoa huyện Hiệp Hòa. Để xác minh việc này, phóng viên đã tìm đến Bệnh viện Đa khoa huyện Hiệp Hòa, đưa ra đầy đủ giấy giới thiệu liên hệ công tác, yêu cầu làm việc nhưng chúng tôi đã bị ông Triệu Đạm - Giám đốc bệnh viện từ chối cung cấp thông tin. Vì thế, nguyên nhân dẫn tới cái chết của sản phụ Nguyễn Thị Lan vẫn còn là một “bí mật”. Câu trả lời xin nhường cho Thanh tra Sở Y tế tỉnh Bắc Giang.
Diễn biến vụ việc sẽ được Báo PLVN tiếp tục cập nhật.
Thái Dương - Hoàng Hương