Sản xuất trái phép chất cháy, chất độc: Sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Người phạm tội có hành vi tàng trữ trái phép chất cháy, chất độc gây hậu quả làm chết người, gây tổn hại sức khoẻ cho người khác, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 311 của BLHS với tình tiết định khung hình phạt tương ứng mà không truy cứu trách nhiệm hình sự thêm. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đây là một trong những điểm đáng chú ý được đề xuất trong Dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 311, Điều 312 và Điều 313 của Bộ luật Hình sự (Dự thảo) mà Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) TAND Tối cao đang lấy ý kiến rộng rãi.

Đề xuất cách xác định tình tiết định tội

Đối với hành vi sản xuất trái phép chất cháy, chất độc quy định tại khoản 1 Điều 311 của Bộ luật Hình sự (BLHS), theo Dự thảo, được hiểu là hành vi làm ra chất cháy, chất độc (chế biến, điều chế…) bằng thủ công hoặc có áp dụng khoa học công nghệ từ các tiền chất và các hóa chất hoặc làm ra chất cháy, chất độc này từ các chất cháy, chất độc khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Còn hành vi tàng trữ trái phép chất cháy, chất độc quy định tại khoản 1 Điều 311 của BLHS được hiểu là hành vi cất giữ chất cháy, chất độc mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Nơi tàng trữ có thể là nơi ở, nơi làm việc, mang theo trong người, trong hành lý hoặc cất giấu bất kỳ ở một vị trí nào khác mà người phạm tội đã chọn.

Cũng được coi là tàng trữ trái phép chất cháy, chất độc đối với trường hợp chất cháy, chất độc có từ bất kỳ nguồn nào (cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, đào được, nhặt được, ...) mà không khai báo, giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Với hành vi vận chuyển trái phép chất cháy, chất độc quy định tại khoản 1 Điều 311 của BLHS, theo Dự thảo là hành vi chuyển dịch chất cháy, chất độc từ nơi này đến nơi khác, từ vị trí này sang vị trí khác, từ người này sang người khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác, … mà không có mệnh lệnh của người có thẩm quyền hoặc giấy phép vận chuyển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bằng bất kỳ phương tiện nào (trừ hình thức chiếm đoạt), nhưng đều không nhằm mục đích mua bán.

Dự thảo cũng hướng dẫn, hành vi sử dụng trái phép chất cháy, chất độc quy định tại khoản 1 Điều 311 của BLHS là hành vi sử dụng chất cháy, chất độc mà không có giấy phép hoặc không được phép của người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trong khi mua bán trái phép chất cháy, chất độc quy định tại khoản 1 Điều 311 của BLHS là các hành vi mua bán không có giấy phép hoặc không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không đòi hỏi phải có đầy đủ cả hai hành vi mua và bán mà chỉ cần có một trong hai hành vi đó người phạm tội cũng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 311 của BLHS.

Truy cứu trách nhiệm hình sự từng trường hợp cụ thể

Đáng chú ý, Dự thảo cũng đề xuất việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể. Theo đó, đối với trường hợp người phạm tội có hành vi tàng trữ trái phép chất cháy, chất độc gây hậu quả làm chết người, gây tổn hại sức khoẻ cho người khác, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 311 của BLHS với tình tiết định khung hình phạt tương ứng mà không truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về các tội phạm quy định tại các điều 128, 138, 180 của BLHS.

Với trường hợp người sử dụng chất cháy, chất độc có giấy phép hoặc được phép của người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà có hành vi vi phạm các quy định về sử dụng chất cháy, chất độc gây chết người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 128 của BLHS mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 311 của BLHS.

Với trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội khác nhau quy định Điều 311 của BLHS thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 01 tội hay về nhiều tội độc lập đối với từng hành vi đã thực hiện và khi quyết định hình phạt áp dụng Điều 55 của BLHS để quyết định hình phạt chung, cụ thể như sau:

Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi phạm tội mà những hành vi phạm tội này liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện, là hậu quả tất yếu của hành vi phạm tội kia) đối với cùng nhiều đối tượng hay một đối tượng thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 01 tội với tên tội danh đầy đủ các hành vi đã được thực hiện.Ví dụ: Một người sản xuất chất độc rồi tàng trữ và đưa ra sử dụng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “sản xuất, tàng trữ và sử dụng trái phép chất độc”.

Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi độc lập đối với các đối tượng độc lập khác nhau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội độc lập với từng hành vi độc lập đã được thực hiện. Ví dụ: Một người tàng trữ 02 lọ chất độc Xyanua và mua 03 lọ Thạch tín thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tàng trữ trái phép chất độc” và tội “mua bán trái phép chất độc”.

Đối với trường hợp một người biết chất cháy, chất độc là giả nhưng làm cho người khác tưởng là chất cháy, chất độc thật nên mua bán, trao đổi... thì không truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 311 của BLHS mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 của BLHS, nếu thỏa mãn các dấu hiệu khác nữa trong cấu thành tội phạm của tội này.

Dự thảo cũng quy định, thiệt hại do hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất cháy, chất độc quy định tại Điều 311 của BLHS gây ra không bao gồm giá trị của vật phạm pháp. Trường hợp người phạm tội vừa sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất cháy, chất độc có giá trị vừa gây thiệt hại về tài sản mà giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử lý như sau:

Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều thuộc khung hình phạt cơ bản thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cơ bản; Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản đều thuộc các khung hình phạt khác nhau thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cao hơn; Nếu giá trị của vật phạm pháp, thiệt hại về tài sản cùng một khung hình phạt tăng nặng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo cả 02 tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Đọc thêm