Nếu tính theo khu vực, Bắc Mỹ có 2.069.932 ca nhiễm, trong đó 124.885 người chết; Châu Âu có số ca nhiễm tương tự: 2.018.781 ca nhiễm, 173.726 người chết; châu Á có 1.136.848 người nhiễm, 30.778 người chết; Nam Mỹ có 877.944 người nhiễm, 40.081 người chết.
Ổ dịch lớn nhất thế giới là Mỹ ghi nhận thêm 18.157 ca mắc và 589 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 1.834.977 trường hợp và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 106.146 trường hợp.
50 bang của Mỹ đã nới lỏng phong tỏa ở nhiều mức độ khác nhau. Chính phủ nước này cũng cho phép tụ tập tới 10 người, miễn là duy trì quy tắc cách biệt cộng đồng. Các nhà bán lẻ mặt hàng không thiết yếu được phép hoạt động trở lại, tiệm cắt tóc được đón khách hẹn trước. Nhà hàng có thể phục vụ cho khách ngồi ngoài trời nếu các bàn cách nhau 2 m.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình phản đối vụ cảnh sát ghì chết người đàn ông da màu George Floyd đang diễn ra ở nhiều bang của Mỹ, gây lo ngại về nguy cơ SARs-CoV-2 lây lan. Ít nhất 25 thành phố tại 16 bang đã áp đặt lệnh giới nghiêm. Lực lượng Vệ binh Quốc gia cũng được triển khai ở hơn 10 bang và cả thủ đô Washington.
Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19 ở Nam Mỹ và là ổ dịch lớn thứ 2 trên thế giới. Quốc gia này ghi nhận thêm 8.268 ca mắc và 267 ca tử vong, nâng tổng số lên 370.060 ca bệnh và 29.101 ca tử vong.
Brazil đang chuẩn bị nới lỏng phong tỏa, bất chấp cảnh báo từ các chuyên gia y tế cộng đồng rằng, nước này chưa vượt qua điều tồi tệ nhất. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của dịch bệnh, chỉ trích lệnh phong tỏa làm tê liệt nền kinh tế và gia tăng thất nghiệp, đời sống khó khăn.
Nga ghi nhận thêm 9.268 ca mắc và 138 ca tử vong do Covid-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 405.843 trường hợp, trong đó 4.693 trường hợp tử vong. Một nửa số ca tử vong là ở thủ đô Moscow – nơi đang được coi là tâm dịch của Nga. Con số tử vong ở thành phố này trong tháng 4 vừa được điều chỉnh tăng lên gấp đôi theo thông báo mới nhất của chính quyền thành phố.
Bộ Y tế Nga cho biết đã phê chuẩn loại thuốc điều trị Covid-19 đầu tiên có tên Avifavir, do Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) và tập đoàn ChemRar sản xuất. RDIF cho biết thuốc Avifavir đã cho thấy hiệu quả trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên và đang được thử nghiệm giai đoạn cuối với sự tham gia của 330 bệnh nhân.
Phát biểu trên Kênh truyền hình "Nga 24", Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin khẳng định, các biện pháp an toàn vệ sinh dịch tễ như đeo khẩu trang và dùng găng tay khi đến nơi công cộng tại Moscow cần được áp dụng cho đến khi có vaccine ngừa COVID-19. Ông khẳng định, dù số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Moscow đã giảm xuống trong khoảng từ 2.000 - 3.000 trường hợp, số ca nhập viện cũng giảm, song vẫn còn nhiều người nhiễm COVID-19 có diễn tiến bệnh nặng và người dân không thể xem nhẹ thực tế này.
Đa phần các nước châu Âu đã qua đỉnh dịch. Tây Ban Nha báo cáo thêm 201 ca nhiễm và 2 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 286.509 và 27.127. Chính phủ cảnh báo dữ liệu có thể thay đổi bất thường vì giới chức áp dụng phương thức thống kê số liệu mới.
Tây Ban Nha bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế ngăn SARs-CoV-2 từ hôm 25/5. Madrid và Barcelona, hai thành phố được cho là áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới, đã cho phép mở cửa công viên và quán cà phê ngoài trời. Tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp vẫn được áp dụng ít nhất là tới 7/6. Thủ tướng Pedro Sanchez cho hay ông sẽ vận động quốc hội tiếp tục kéo dài tình trạng khẩn cấp tới 21/6.
Anh ghi nhận thêm 1.936 ca mắc và 131 ca tử vong do Covid-19 trong ngày 31/5. Như vậy, tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này hiện tại là 274.762 trường hợp, trong đó có 38.489 ca tử vong. Anh vẫn là nước có số ca tử vong vì Covid-19 nhiều nhất châu Âu.
Italy ghi nhận thêm 333 ca mắc mới và 75 ca tử vong. Tổng số ca mắc bệnh tại Italy hiện tại là 232.997, trong đó có 33.415 ca tử vong.
Người dân Ấn Độ đeo khẩu trang đi lại trên đường. |
Ổ dịch lớn nhất châu Á là Ấn Độ ghi nhận thêm 8.782 ca mắc và 223 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 của Ấn Độ là 190.609, trong đó có 5.408 ca tử vong. Ấn Độ hiện là ổ dịch lớn thứ 7 thế giới.
Trước tình hình ca mắc Covid-19 tăng trở lại nhanh chóng, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cảnh báo người dân nước này không được chủ quan, cần cảnh giác chống lại sự lây lan của dịch bệnh. Chính phủ Ấn Độ quyết định kéo dài các biện pháp hạn chế đến ngày 30/6 tại các khu vực có nguy cơ cao, song cho phép các nhà hàng, trung tâm và nhà thờ tôn giáo mở cửa trở lại từ hôm 8/6.
Peru là vùng dịch lớn thứ hai tại khu vực Mỹ Latinh - tâm dịch mới của thế giới - với 164.476 ca nhiễm và 4.506 ca tử vong, tăng lần lượt 8.805 và 135 trường hợp.
Peru áp lệnh phong tỏa từ ngày 16/3, là một trong những nước áp lệnh phong tỏa sớm nhất Mỹ Latinh, và dự định kéo dài đến hết tháng 6. Hệ thống y tế nước này đang bên bờ vực sụp đổ, khi các bệnh viện công phải đối mặt tình trạng thiếu thiết bị nghiêm trọng, trong khi nền kinh tế tê liệt.
Một số quốc gia Mỹ Latinh như Chile, Mexico, Argentina cũng đang chứng kiến ca nhiễm SARs-CoV-2 tăng liên tục, đặc biệt ở các khu ổ chuột. Theo Liên Hợp Quốc, gần 89 triệu người trong khu vực thậm chí không có các dịch vụ vệ sinh cơ bản, không thể rửa tay thường xuyên, biện pháp bảo vệ cơ bản nhất chống SARs-CoV-2.
Tại Đông Nam Á, Singapore là vùng dịch lớn nhất khu vực với 34.884 ca nhiễm, tăng 518, trong đó 23 người chết. Ca nhiễm ở Singapore chủ yếu là lao động nhập cư sống trong các ký túc xá. Indonesia xếp thứ hai với 26.473 ca nhiễm và 1.613 người chết, tăng lần lượt 700 và 40. Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do SARs-CoV-2 nào.