Sáng kiến an ninh mạng vươn tầm quốc tế

(PLVN) - Trước bối cảnh quốc tế đầy biến động, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên không gian mạng ngày càng đối mặt nhiều thách thức, từ sự phức tạp của các hệ thống mạng trọng yếu, nguy cơ gia tăng các cuộc tấn công mạng tinh vi đến sự thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn cao. Thực tế yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội phải không ngừng nâng cao năng lực, sáng tạo trong cách tiếp cận, tiếp cận thành tựu khoa học công nghệ thế giới, góp phần xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc trên mặt trận số.
Đại tá Nguyễn Tiền Giang, UVBTV, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh 86 tặng khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tham gia các cuộc thi, giải thưởng trong nước và quốc tế. (Ảnh trong bài: Trung tâm 586)

Khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt trên trường quốc tế

Tháng 2/2024, khi không khí Tết Nguyên đán đang đến gần, các cán bộ, chiến sĩ Trung tâm 586, Bộ Tư lệnh 86 đang đối mặt với một thử thách quan trọng: Cuộc thi Phòng thủ mạng đa quốc gia lần thứ 3 - “Cyber KONGO 2024”. Đây là cuộc thi trực tuyến do Nhật Bản tổ chức, quy tụ 47 đội thi đến từ 30 quốc gia, nhằm mục đích nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ an toàn thông tin, an ninh mạng cho cán bộ trực tiếp làm trong lĩnh vực này; củng cố năng lực phòng thủ mạng; nâng cao mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam - Nhật Bản. Đặc biệt, Cyber KONGO còn là cơ hội để các quốc gia trong khu vực và trên thế giới tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin trong lĩnh vực phòng thủ mạng.

Trung tâm 586 đã thành lập ba đội thi, trong đó hai đội chính thức và một đội dự bị. Quá trình tham gia, các đội thi phải chấp hành nghiêm Quy chế đối ngoại quân sự, các quy định của Nhà nước và Quân đội, quy định về bảo đảm an ninh, an toàn và bí mật nội bộ, bảo đảm tuyệt đối an toàn về mọi mặt.

Trung tá Nguyễn Tuấn Cường, Cụm 52, Trung tâm 586, đồng thời là chỉ huy một trong hai đội thi chính, chia sẻ với Báo Pháp luật Việt Nam: Đơn vị được giao nhiệm vụ tham gia Cuộc thi Cyber KONGO 2024 trước Tết Âm lịch 2 tuần, ngày tham gia thi rơi đúng vào ngày 29 Tết Âm lịch. Do đó, thách thức không chỉ nằm ở thời gian chuẩn bị tương đối ngắn, đây còn là thời điểm đơn vị thực hiện các nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tết Nguyên đán, khiến khối lượng công việc tăng lên đáng kể. Cạnh đó, các cán bộ tham gia tuổi đời trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong tham gia các cuộc thi phòng thủ mạng, kỹ năng làm việc nhóm còn hạn chế.

“Tuy nhiên, được sự quan tâm của chỉ huy các cấp trong công tác chỉ đạo, tạo điều kiện tối đa về thời gian, cũng như các điều kiện về trang thiết bị, chúng tôi đã tập trung lựa chọn các cán bộ có trình độ chuyên môn tốt nhất, phân chia nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng cán bộ trong đội thi. Chúng tôi cũng tập trung vào nâng cao khả năng hoạt động nhóm, trao đổi thông tin trong quá trình thực hiện bài thi; đánh giá, xây dựng các kịch bản có thể xảy ra dựa trên đề bài thi”, Trung tá Cường cho hay: “Vì là lần đầu tham gia một cuộc thi quốc tế nên chúng tôi đặt mục tiêu cố gắng hết sức hoàn thành tốt tất cả các nội dung thi, không lấy mục tiêu phải đạt được giải cao. Vì vậy, tâm lý cán bộ tham gia thi thoải mái, ít áp lực và đã thực hiện được đầy đủ các yêu cầu của bài thi, đạt được thành tích tốt trong cuộc thi”.

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng này đã giúp đội thi vượt qua những khó khăn ban đầu, giữ vững tinh thần để hoàn thành xuất sắc bài thi. Kết quả, Trung tâm 586 giành được một giải Nhì và một giải Tư. Trung tá Cường, chỉ huy đội giải Nhì chia sẻ: Các giải thưởng này mang nhiều ý nghĩa đặc biệt đối với cá nhân anh và cả đơn vị. Đơn vị mới được tổ chức lại với quân số tinh gọn hơn, cán bộ có nhiều thay đổi, điều kiện doanh trại, trang bị kỹ thuật còn nhiều khó khăn. Thành tích này không chỉ là kết quả của quá trình huấn luyện chiến đấu nghiêm túc mà còn giúp đơn vị rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu trong phối hợp bảo đảm an toàn thông tin và điều phối phòng thủ mạng, góp phần bảo vệ Tổ quốc trên mặt trận không gian mạng.

Không dừng ở đó, vào đầu tháng 7, các cán bộ, chiến sĩ Trung tâm 586 tiếp tục khẳng định bản lĩnh khi bước vào thử thách mới tại một “đấu trường” quốc tế khác - Cuộc thi Chiến binh mạng đa quốc gia lần thứ 8 tại Thái Lan. Cuộc thi được tổ chức với hình thức “Cướp cờ - CTF” dưới dạng hỏi đáp (Jeopardy Framework). CTF (Capture the Flag) là một hình thức thi đấu an ninh mạng phổ biến trên thế giới, nơi các đội tìm và khai thác lỗ hổng bảo mật để giành “cờ” (flag) - một chuỗi ký tự ẩn trong các hệ thống hoặc ứng dụng.

Cuộc thi Chiến binh mạng đa quốc gia 2024 chia làm 03 hạng mục: khó, trung bình, dễ. Ở hạng mục khó, 30 đội thi cạnh tranh, đến từ các lực lượng trong Bộ Quốc phòng, Quân đội của Thái Lan (Trung tâm An ninh mạng, các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân đội, Lục quân, Hải quân, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan); các Ban, Phòng Công nghệ thông tin thuộc cơ quan trực thuộc Chính phủ; các Công ty an ninh mạng và Ngân hàng tại Thái Lan và các đội thi của Việt Nam, Mỹ, Úc, Canada, Singapore. Các đội tham gia được cấp quyền truy cập tại chỗ vào hệ thống Cuộc thi thuộc Trung tâm An ninh mạng Quân đội Hoàng gia Thái Lan.

Trung tâm 586 tham gia Cuộc thi Chiến binh mạng đa quốc gia lần thứ 8 tại Thái Lan.

Để chuẩn bị cho Cuộc thi, Trung tâm 586 đã xây dựng Kế hoạch số 640/KHT5 với mục đích quán triệt các nội dung thi, tổ chức luyện tập cho đội thi theo các tiêu chí của Ban Tổ chức. Trung tâm đã quán triệt cho đội thi tham gia đúng nguyên tắc, đảm bảo giữ bí mật, an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại nước ngoài. Ngày 3/7, đội thi bay sang Thái Lan để tham dự Cuộc thi vào ngày 4/7. Kết quả chung cuộc, Trung tâm 586 xếp hạng thứ 11/30 đội thi (mức khó, xếp sau 10 đội nước chủ nhà Thái Lan), trong đó một thành viên đạt vị trí thứ 8/83 cá nhân tham gia cuộc thi.

Thúc đẩy sáng tạo trẻ trong Quân đội

Các cuộc thi quốc tế không chỉ là “sân chơi” cho các chuyên gia an ninh mạng nước nhà thể hiện năng lực, tích lũy kinh nghiệm từ những tình huống thực tế, qua đó nâng cao khả năng phòng thủ mạng trong một thế giới ngày càng gắn kết. Đây cũng là động lực mạnh mẽ cho các phòng trào sáng tạo trẻ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, khi các cán bộ trẻ có cơ hội đối mặt với những thách thức thực tiễn, từ đó khơi dậy tinh thần học hỏi, sáng tạo và cống hiến hết mình. Đặc biệt, trong tình hình mới, nhiệm vụ bảo vệ không gian mạng đứng trước vô số thách thức.

Trung tá Nguyễn Tuấn Cường nhận định, thách thức đầu tiên là sự phức tạp của các hệ thống mạng trọng yếu. Sự phát triển nhanh chóng của Internet và các công nghệ mới như Internet of Things (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây tạo ra nhiều lỗ hổng bảo mật mới. Trong khi đó, nhiều cơ quan, đơn vị vẫn sử dụng các công nghệ và quy trình bảo mật cũ kỹ, không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ trước các mối đe dọa hiện tại. Thách thức thứ hai là sự gia tăng các cuộc tấn công mạng cả về số lượng và mức độ tinh vi, bao gồm tấn công từ chối dịch vụ (DDoS), phần mềm độc hại và tấn công lừa đảo (phishing). Các cuộc tấn công đang liên tiếp nhằm vào các cơ quan chính phủ, tổ chức tài chính, doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng trọng yếu quốc gia, gây ra thiệt hại kinh tế và an ninh rất lớn. Cuối cùng là sự thiếu hụt nhân lực chuyên môn cao trong lĩnh vực an ninh mạng. Số lượng chuyên gia bảo mật hiện tại chưa đáp ứng đủ nhu cầu cấp thiết thực tế, hạn chế khả năng phòng ngừa và ứng phó nhanh chóng trước các cuộc tấn công mạng.

Trung tâm 586 đại diện Việt Nam đã tham dự Cuộc thi Phòng thủ mạng đa quốc gia lần thứ 3 - “Cyber Kongo 2024”.

Những năm qua, phong trào sáng tạo trẻ trong Quân đội đã có những bước tiến lớn nhờ sự quan tâm sát sao từ Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng. Thanh niên Bộ Tư lệnh 86 nói chung, Trung tâm 586 nói riêng, được tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tinh thần xung kích và sáng tạo, góp phần xây dựng lực lượng Quân đội hiện đại, tinh nhuệ, đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao. Đáng chú ý, Trung tâm 586 đã xuất sắc giành 1 giải nhì và 3 giải ba với 4 công trình nổi bật trong lĩnh vực tác chiến không gian mạng tại Giải thưởng Tuổi trẻ Sáng tạo trong Quân đội lần thứ 24.

Trong tình hình mới, Trung tâm 586 không ngừng cải tiến phương thức huấn luyện, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn sâu, năng lực toàn diện và khả năng thích nghi với sự phát triển công nghệ. Công tác kiểm tra, đánh giá định kỳ cùng việc khen thưởng kịp thời đã tạo động lực và nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Trung tá Cường nhấn mạnh rằng mỗi cán bộ, chiến sĩ cần không ngừng nâng cao trình độ qua các chương trình huấn luyện của đơn vị, đặc biệt chú trọng vào hoạt động tự huấn luyện, tự học hỏi từ đồng đội những kiến thức mới, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Đọc thêm