Đơn tố cáo đề ngày 12/04/2009 của ông Trần Đức Tiến (ngụ tại Ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú) đối với Hợp tác xã Dân Sinh (HTX), có nội dung: Phá rừng khi nhận khoán bảo vệ rừng tự nhiên, rừng trồng và kết hợp chăn nuôi gia súc dưới tán rừng; lấy đất của dân đang canh tác từ năm 2001 đề cày ủi, chặt bỏ cao su cây trồng không đúng quy định; không thực hiện chủ trương trồng cây lâm công nghiệp theo Quyết định số 37 ngày 10/9/2004 mà chào bán đất rừng…
|
Ảnh minh họa |
- Nội dung tố cáo: Phá rừng khi nhận khoán bảo vệ rừng tự nhiên, rừng trồng và kết hợp chăn nuôi gia súc dưới tán rừng, là không có cơ sở. Bởi ngày 8/6/2007, ông Nguyễn Văn Vinh - xã viên HTX có hành vi cắt hạ gỗ, trạng thái rừng IIa, tại khoảnh 9, tiểu khu 362. Trong khi, căn cứ “Bản đồ thiết kế trồng rừng” do Ban Quản lý rừng kinh tế (BQL) Suối Nhung lập ngày 23/08/2004, thì tại khoảnh 9, Tiểu khu 362 là đất trồng rừng. Thực tế tại phần đất này, HTX đã tổ chức trồng cao su. Như vậy, ông Vinh không “Phá rừng khi nhận khoán” và HTX cũng không “Phá rừng khi nhận khoán”.
- Về nội dung tố cáo: Lấy đất của dân đang canh tác từ năm 2001 đề cày ủi, chặt bỏ cao su cây trồng không đúng quy định, cũng không có cơ sở. HTX thực hiện nhiệm vụ trồng rừng, cao su và khoanh nuôi bảo vệ rừng. Trong khi HTX cày ủi để trồng rừng thì phát hiện trên diện tích đất nhận khoán có hơn 50 cây điều do bà Hằng mua lại, nhưng HTX không chặt bỏ và cày ủi trên diện tích đất này (khoanh vùng để laị). Ngoài ra, xung quanh khu đất này vẫn còn cây rừng thuộc trạng thái Ia, Ib. Qua kiểm tra, xác minh cho thấy: Hộ ông Hoàng Văn Biên chiếm khoảng 3ha; hộ ông Trương Quốc Loan 1ha; ông Bắc chiếm 2,5ha; ông Lem chiếm 3,5ha. Như vậy, HTX không lấy đất của dân đang canh tác.
- Về nội dung tố cáo: HTX “Không thực hiện chủ trương trồng cây lâm công nghiệp theo Quyết định số 37 ngày 10/9/2004 mà chào bán đất rừng”; ông Nguyễn Hữu Tấn-Chủ nhiệm HTX giải thích việc HTX chưa trồng 17 ha keo lai tại khoảnh 8.9, Tiểu khu 362, theo Quyết định số 37 ngày 10/9/2004 của Giám đốc Sở NN&PTNT, như sau: Cây công nghiệp là cây cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp, ví như cây cao su, cây bông, cây chè, cà fê... . Cao su là loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cây keo lai được trồng cùng một thời điểm; sau 5 năm chăm sóc, cây cao su mang lại cho người sản xuất mức thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng ha/năm, trong khi cây keo lai chỉ thu được khoảng 30 đến 50 triệu đồng/ha và phải mất 5 đến 6 năm mới thu hoạnh.
Mặt khác, tại Quyết định 2855 ngày 17/09/2008 của Bộ NN&PTNT xác định: Cao su là cây đa mục đích, có thể sử dụng cả cho các mục đích nông nghiệp và lâm nghiệp. Tuy nhiên, để thực hiện đúng chủ trương được phê duyệt, HTX đã trình Sở NN&PTNT Bình Phước xin chuyển đổi vị trí trồng cây keo lai ở vị trí đất khác.
Ngoài ra, ở HTX không “chào bán đất rừng”. Trong số 30 xã viên của HTX, có 4 xã viên (ông Nhàn, bà Cầm, ông Cần và bà Sáu) do gia đình khó khăn nên có đơn xin chuyển cổ phần xã viên, tiền đóng góp cổ đông HTX cho các hộ khác và được xác nhận của Ban quản trị HTX. Các hộ nhận chuyển nhượng đều có đơn xin gia nhập HTX theo Điều lệ, nội quy HTX.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản số 2492 ngày 28/07/2010 chỉ đạo: Giám đốc Công an tỉnh và Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú chỉ đạo Công an huyện phối hợp với HTX, BQL Suối Nhung và các cơ quan chức năng xử nghiêm các trường hợp xâm chiếm đất trái phép của HTX (hộ ông Trương Quốc Loan: 1ha; Hà Văn Ban: 4ha; ông Toản: 3ha; ông Biên: 2,5ha; ông Len và ông Vỹ: 3,5ha; hộ ông Trần Đức Tiến chiếm 02 ha đã trồng mì và xây nhà bán kiên cố); nếu xét thấy đủ điều kiện thì lập hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật./.
Thành Trung