"Sao" của giới trẻ muốn gia nhập chính trường

(PLO) - Không khí bầu cử Quốc hội khoá XIV trở nên sôi động khi có nhiều tên tuổi là những nghệ sỹ, người nổi tiếng tự ứng cử. Và có lẽ chúng ta dần làm quen với việc giới giải trí tham gia chính trường...
Ca sỹ Mai Khôi – người nộp đơn tự ứng cử đại biểu Quốc hội, trong một dịp hát cùng chiến sỹ ở đảo Sơn Ca.
Ca sỹ Mai Khôi – người nộp đơn tự ứng cử đại biểu Quốc hội, trong một dịp hát cùng chiến sỹ ở đảo Sơn Ca.

Chúng tôi nghiêm túc…

Những năm trước đây, mới chỉ có diễn viên Hồng Ánh là đại biểu trẻ của chính trường. Thế nhưng, năm nay, khi 2 nghệ sỹ Minh Vượng (thường gọi là Vượng râu) và ca sỹ Mai Khôi tự ứng cử đã gây “sốc” dư luận. Đặc biệt, nghệ sỹ Vượng râu bị “ném đá” nhiều hơn cả. 

Ngày 8/3 vừa qua, nữ ca sĩ Mai Khôi đã nộp đơn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và hồ sơ được chấp nhận vào hôm sau (9/3). Với hơn 15 năm kinh nghiệm tham gia vào lĩnh vực ca hát, tiếp xúc với nhiều đối tượng khán giả, lắng nghe những tâm tư, tình cảm của mọi người, ca sĩ Mai Khôi muốn thay họ nói lên tiếng nói của mình trong Quốc hội. Nữ ca sĩ còn cho biết lý do mình tự ứng cử đại biểu Quốc hội nhằm mong muốn góp phần tạo sự trẻ hóa Quốc hội, để Quốc hội ngày càng năng động, trẻ trung và mạnh mẽ hơn. 

Ca sĩ Mai Khôi, tên thật Đỗ Nguyễn Mai Khôi, sinh năm 1983, là một trong những ca sĩ được yêu mến với phong cách trình diễn ấn tượng. Bên cạnh vai trò ca sĩ, Mai Khôi còn là một nhạc sĩ với nhiều sáng tác được khán giả đón nhận. 

Nói về quyết định này, cô gái 8X chia sẻ trên phương tiện truyền thông: “Đây là một quyết định nghiêm túc của tôi. Với tôi, việc sáng tác, trình diễn âm nhạc là cách phục vụ cộng đồng thì việc tự ứng cử đại biểu Quốc hội cũng là một cách để phục vụ cộng đồng hiệu quả hơn. Nếu được trở thành đại biểu Quốc hội, tôi vẫn giữ phong cách của mình như từ trước tới nay vốn vậy vì tôi nghĩ rằng, mình là đại diện cho giới trẻ, mình cần thể hiện những gì mà giới trẻ đang thể hiện. Một xã hội phát triển là một xã hội chấp nhận sự khác biệt. Phong cách của tôi là phong cách phù hợp với giới trẻ và không quá lố lăng”.

Tự ứng cử là một điều hết sức bình thường.
Tự ứng cử là một điều hết sức bình thường.

Mai Khôi không phải là nghệ sĩ duy nhất gây “sốc” khi tự ứng cử vào vị trí đại biểu Quốc hội. Trước đó, nghệ sĩ hài Nguyễn Công Vượng (nghệ danh Vượng râu) cũng gây nhiều tranh cãi trong dư luận khi có quyết định tương tự. Bên cạnh ý kiến ủng hộ thì chuyện Vượng râu tự ứng cử vào đại biểu Quốc hội cũng đối mặt với luồng bình luận phản đối mạnh mẽ của khán giả, thậm chí nhiều người cho rằng đây là chiêu trò đánh bóng tên tuổi của nam danh hài.

Tuy nhiên, nam nghệ sĩ sinh năm 1982 đã bác bỏ điều này và cho rằng: “Tôi đã gần 40 tuổi không còn là trẻ con, hơn nữa việc này không phải chuyện đùa và cũng không được phép đùa. Chiêu trò làm gì khi lịch diễn của tôi kín mít”.

Theo Vượng râu chia sẻ, mục đích của việc tự ứng cử là vì tâm huyết và muốn truyền tải một phần kiến thức cá nhân để nâng cao sự phát triển văn hóa, giáo dục, giúp cho đất nước tốt lên.

Bên cạnh đó là nhà báo, TS Trần Đăng Tuấn đã tới nộp hồ sơ tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại điểm tiếp nhận của Ủy ban bầu cử TP Hà Nội. Chia sẻ trên trang cá nhân, ông Tuấn cho biết lý do duy nhất tự ứng cử vì “nếu là đại biểu Quốc hội sẽ có nhiều điều kiện để làm những điều đúng, điều hữu ích cho cộng đồng hiệu quả hơn”. Nhà báo Trần Đăng Tuấn cũng là một nhà từ thiện đầy tâm huyết và trách nhiệm với chương trình tiêu biểu “Cơm có thịt”. Chương trình rất thành công này đã được đổi tên thành “Quỹ học trò nghèo vùng cao”.

“Cơm có thịt” của nhà báo Trần Đăng Tuấn đã giúp hàng chục ngàn trẻ vùng cao được cải thiện bữa ăn hàng ngày mang tính chất lâu dài; giúp xây hàng chục ngôi trường khang trang ở vùng sâu, vùng xa; giúp hàng trăm ngàn trẻ em nghèo vùng Tây Bắc có áo ấm vào mùa đông lạnh giá.

Ngày 13/3, nghệ sĩ ưu tú Kim Tiến - giọng đọc huyền thoại của Đài Truyền hình Việt Nam, cho biết đã làm xong hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.  Bà Tiến được Hội thánh Tin lành Hà Nội đề cử ứng cử đại biểu Quốc hội. Bà chia sẻ sau khi được đề cử, bà tập trung học, đọc và quan sát những yếu kém ở các lĩnh vực để từ đó đại diện cho lĩnh vực của mình đóng góp cho đất nước những ý kiến tốt nhất. 

Tối 14/3, thầy giáo chống tiêu cực Đỗ Việt Khoa chia sẻ thông tin ông đã tự ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV. Thầy giáo Khoa từng ứng cử đại biểu Quốc hội năm 2007 và bị 0% phiếu tín nhiệm tại nơi làm việc (Trường THPT Vân Tảo).

Tập làm quen với tự ứng cử

Chia sẻ về những xôn xao trên, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định: “Tôi nghĩ, chúng ta đang tập “làm quen” với một đời sống dân chủ. Đó cũng là một lý do mà không ít người thấy việc tự ứng cử vào một vị trí hay danh hiệu nào đó lâu nay là một chuyện không bình thường, bởi chúng ta vẫn chưa quen được hành động này. 

Chúng ta đã mắc một thói quen cố hữu lâu nay khi cho những người tự ứng cử trong những trường hợp tương tự nói trên là những người không hiểu mình là ai, là những người ham danh háo chức... Nhưng đó thực sự làm một chuyện hết sức bình thường trong các xã hội văn minh và đã có một đời sống dân chủ lâu dài. Cả hai nghệ sỹ trên hoặc bất cứ ai đó tự ứng cử là một điều hết sức bình thường. Chúng ta nên tập làm quen với điều này. 

Hơn nữa, tôi nghĩ chúng ta nên khuyến khích hành động đó cũng như khuyến khích một xã hội dám công khai đưa chính kiến của mình và bảo vệ chính kiến đó trước xã hội. Chỉ như thế, chúng ta mới phát huy được tính dân chủ và sự cống hiến của mọi công dân”. 

Trước những “ném đá” ồn ào với các nghệ sỹ tham gia tự ứng cử, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha cũng khẳng định: “Không được để xảy ra tình trạng phân biệt đối xử với những người tự ứng cử. Bất cứ hành vi phân biệt đối xử nào đều vi phạm pháp luật”.

Đọc thêm