Sao lại ca thán về Tết?

(PLVN) - Năm mới đừng ca thán, chúng ta sẽ thấy được tinh thần của mình được bồi đắp, con cháu hiểu thêm tổ tiên. Ai đó mất đi cha mẹ khi ngồi trước ban thờ lại thấy bóng dáng họ trở về, tươi cười, chở che cho chúng ta trên đường đời vạn dặm.
Ngày Tết luôn mang tinh thần đặc biệt với người Việt

Gần Tết, trên mạng người ta ca thán rằng: Tết đang làm khổ họ, bị tắc đường, đi lại quá nhiều, đi biếu quà sếp, ăn nhậu, rửa bát… rồi Tết gây ra nhiều tệ nạn bia rượu, tại nạn giao thông, cờ bạc, công việc bị ngưng trệ do nghỉ quá dài… Tết trong nhiều người bây giờ không có cảm giác tươi vui mà là sự mỏi mệt, ngán ngẩm.

Tôi nghĩ những người đó quá cô độc, họ thiếu một chất xúc tác để có được dư vị Tết, hay họ sống quá thực dụng?. Hoặc có điều gì đó khiến họ quá bàng quan với những ngày trọng đại trong một năm?.

Không ít người coi ngày Tết là cơ hội để xu nịnh nhau, muốn thăng quan, tiến chức thì đi chúc tụng "Sếp". Người ta chúc Tết không bằng tinh thần mà bằng phong bì mà bằng rượu Tây hay sản vật lạ như gà đông tảo, thịt lợn rừng, đào rừng... Họ coi việc biếu xén là thể hiện “tấm lòng mình với cấp trên”, bất chấp quy định cấm biếu quà Tết mà Thủ tướng và lãnh đạo nhiều Bộ, ngành, địa phương đưa ra.

Kẻ cơ hội cố tình quên, ngày Tết truyền thống vốn dĩ chỉ mừng tuổi người già, lì xì con trẻ 5.000 - 10.000 đồng lấy may. 

Những "trò" thực dụng đó đâu phải là tinh thần của Tết Việt - tinh thần của sự đoàn viên, sum vầy.

Ngày Tết thực sự là ngày trở về. Nhiều người phải tha hương, xa người ruột thịt do hoàn cảnh chiến tranh trước đây, hoặc do mưu sinh… nên mong ngóng dịp nghỉ Tết để về lại quê nhà, đoàn tụ thân quyến.

Làng quê này thường ít trẻ con, thanh niên. Không ít vợ chồng già ra vào quạnh quẽ với nhau trong ngôi nhà khang trang do con cái làm xa xây cho. Những người già chấp nhận sự đơn độc, sống ở làng, bám lấy làng như giữ lại linh hồn cho con cháu, như điểm tựa tinh thần để dù ở đâu con cháu họ cũng hướng về nguồn cội, muốn trở về mỗi dịp Tết đến, để chúng luôn thấy có nơi có người chờ đợi chúng...

Ngày Tết, những người lính biên cương được nghỉ phép sum vầy vợ con, công nhân về thăm nhà, người nông phu được nghỉ ngơi sau một mùa lao động, những đứa con lại được ngồi cạnh cha mẹ, anh chị em thì thầm kể chuyện nhau nghe, cùng nhau lau chùi lại bàn thờ, sửa sang lại phần mộ của tổ tiên…

Người anh em phiêu dạt quây quần bên ấm trà ngon, ly rượu mừng, nhìn lũ trẻ xôn xao ngoài sân, người đi chợ Tết chào hỏi nhau…, mọi khó khăn, tất bật dường như để lại cho ngày cũ, nhường chỗ cho hạnh phúc rộn ràng.

Trở về tìm niềm vui, tìm động lực để bước tiếp những bước mạnh mẽ hơn vào tương lai, đó chính là Tết.

Năm mới đừng ca thán, chúng ta sẽ thấy được tinh thần của mình được bồi đắp, con cháu hiểu thêm tổ tiên. Ai đó mất đi cha mẹ khi ngồi trước ban thờ lại thấy bóng dáng họ trở về, tươi cười, chở che cho chúng ta trên đường đời vạn dặm.

Tôi vẫn thích ngày Tết, ngày tôi được sống chậm lại, nhìn lại 1 năm đi qua với mình, thành công cũng như khổ đau. Tôi lại đưa con tôi về thăm ông bà, chào hỏi những người thân quen, hàng xóm… và chúc cho một mùa hoa lộc bội thu.

Đọc thêm