'Sao nhí' bị cha mẹ 'đánh cắp' tuổi thơ?

(PLO) - Khác với trước kia, giờ đây chuyện một đứa trẻ có chút tài năng hoặc có điểm nổi bật, muốn nổi tiếng là điều không quá khó với sức mạnh của truyền hình thực tế và mạng xã hội. Tuy nhiên, sự nổi tiếng sớm cũng đi kèm không ít hệ quả không hay cho trẻ. 
Một “sao nhí” trong chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ.
Một “sao nhí” trong chương trình truyền hình thực tế dành cho trẻ.

Khi trẻ con “mua vui” cho người lớn

Mới đây, P.Đ.T, cậu bé được biết đến từ cuộc thi Giọng hát Việt nhí 2016 đã lại một lần nữa "tạo sóng" dư luận khi cover ca khúc “Đến sau một người” với biểu cảm và phong cách rất người lớn. P.Đ.T cũng đã cover hàng loạt ca khúc nhạc trẻ đang là hit như “Ngắm hoa lệ rơi”, “Em phải quên anh”, “Xin lỗi người anh yêu”... Các ca khúc được cover của Phan Đình Tây được khá nhiều lượt like, view ủng hộ của khán giả và cả những bình luận khen ngợi.

Thực tế, thời gian gần đây, các hiện tượng âm nhạc "nhí" nổi lên nhờ cover các bài hát của người lớn không ít. Lyly 8 tuổi, một cô bé Tây lai bỗng chốc được hàng triệu người lớn chú ý khi cover bài hát “Tuý âm” đang nổi tiếng. Một bé gái khác ở Hà Nội mới 5 tuổi cũng nổi đình nổi đám khi song ca cùng người cậu của mình bài hát “Buồn của anh” rất chuẩn. C.D.A, một cô bé 5 tuổi cũng sớm trở thành "sao nhí" khi cover hàng loạt bài hát của những ca sĩ trẻ nổi tiếng như Hương Tràm, Khắc Việt... 

Ngoài những cô, cậu bé bỗng chốc nổi tiếng nhờ mạng xã hội thì truyền hình thực tế cũng là một chiếc đòn bẩy cho nhiều em dấn thân vào thế giới người nổi tiếng. Hiện nay có khá nhiều chương trình truyền hình thực tế nhằm khám phá ra những tài năng nhí, từ tài năng âm nhạc cho đến tất tần tật mọi lĩnh vực khác như Giọng hát Việt nhí, Biệt tài tí hon, Gương mặt thân quen, Sinh ra để toả sáng, Thần tượng tương lai, Thử tài siêu nhí... Và nghe đâu sắp tới còn có hàng loạt chương trình tài năng nhí ra mắt về tài năng xiếc, ảo thuật, kĩ năng sinh tồn... 

Mỗi một chương trình tài năng nhí xuất hiện, dù cho mục tiêu đưa ra có hấp dẫn, ý nghĩa thế nào thì thực chất, tất cả cũng chỉ phục vụ cho mục đích giải trí cho người xem và thu lợi cho nhà sản xuất. Thế nên, người ta dùng nhiều chiêu trò để "thúc" các bé là chuyện thường: hát bài hát người lớn, bắt chước các sao, nhại hành vi người lớn và cả những trò thử thách đôi khi quá sức. 

Còn nhớ, trong một chương trình truyền hình thực tế, một bé gái đã  được cộng đồng mạng tung hô nhờ bắt chước điệu bộ một MC nổi tiếng cá tính. Tuy nhiên, hình ảnh cô bé với điệu bộ đanh đá, giọng nói chua loét già trước tuổi lại khiến người lớn phải ngao ngán, thở dài. Trong vòng casting chương trình Biệt tài tí hon mới đây, có không ít em nhỏ đứng trên sân khấu hát các bài hát người lớn, những bài hát não tình, đau khổ vì tình... với sự cổ vũ, ủng hộ của cha mẹ và người thân. Nhiều trường hợp, tài năng thì chưa rõ thực sự thế nào, nhưng rõ ràng các bậc người lớn đang được “giải trí” trước sự sao chép, bắt chước người lớn một cách ngộ nghĩnh, rập khuôn của những đứa trẻ trên sóng truyền hình.

Lỗi tại ai?

Thực tế, có không ít phụ huynh mong muốn con mình được nổi tiếng. Chính vì thế, họ tìm mọi cách đẩy con mình về phía đám đông. Nhiều bậc cha mẹ ngay khi con trở thành thí sinh được biết đến từ các chương trình truyền hình thực tế hoặc qua mạng xã hội đã lập tức nhận show diễn, đặt mức cát xê "trên trời" cho con hoặc tìm kiếm các công ty đào tạo tài năng, các bầu show để con sớm "toả sáng". 

Nhiều phóng viên mảng văn nghệ biết đến mẹ của một "hiện tượng cover" mới 9 tuổi có chút tiếng tăm từ mạng xã hội. Khi bé vừa mới nổi lên bằng một số bài hát hát lại của người lớn, mẹ bé đã đầu tư cho con được đào tạo bài bản và lập ra trang Fanpage riêng cho bé.

Mỗi một bài hát cover nhạc người lớn đều được đầu tư kĩ lưỡng về âm thanh, hình ảnh, thậm chí bà mẹ này bỏ tiền ra thuê stylist, make up chuyên nghiệp cho bé. Mỗi clip bé hát đều được chạy quảng cáo facebook để nhiều người tiếp cận được. Bà mẹ này còn thường xuyên liên hệ, nhờ vả phóng viên mảng văn hoá để con được lên báo... Đó chỉ là điển hình của một vài ông bố, bà mẹ "cuồng" cho con nổi tiếng. 

Tất nhiên, trong những cuộc đua tranh để được hào quang showbiz ấy, các ông bố, bà mẹ nói trên tuy tiếng là vì con nhưng rất ít nghĩ cho con mình. Bởi danh vọng, tiền bạc thu về thì cha mẹ hưởng, còn hệ quả là đứa trẻ mất đi tuổi thơ, già trước tuổi và sớm va chạm với những cạm bẫy đến từ sự nổi tiếng phù phiếm. 

Như trường hợp "sao nhí" nổi đình nổi đám nhất hiện nay là P.M.C. Tuy nhìn vào, có vẻ như em đang có tất cả: sự nổi tiếng, tương lai rộng mở, tiền bạc... Nhưng không ít bậc cha mẹ nhìn vào vẫn xót xa cho em khi con đường em đi không có bóng dáng của tuổi thơ: Đó là việc học liên tục đứt đoạn, là lịch chạy show dày đặc, không được vui chơi với bạn bè đúng tuổi của mình, nhiều người cảm giác em như cái máy "đẻ tiền" cho những người chung quanh, rồi yêu sớm, sớm trở thành người lớn khi đang ở tuổi chưa lớn... Một số trường hợp tương tự đã xảy ra cho các em nổi tiếng quá sớm, để rồi, các em bị mất thăng bằng, mất định hướng và chơi với trong sự nổi tiếng của chính mình.

Nổi tiếng không phải là một chuyện dở, nhưng cố sức đẩy trẻ vào hào quang danh vọng chính là các bậc người lớn đã "đánh cắp" tuổi thơ của con trẻ cho sự toan tính ích kỉ của riêng mình.