Sắp áp dụng quy định mới về dịch vụ vận chuyển hàng không

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) mới ban hành Thông tư 13/2024 quy định cơ chế, chính sách quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Thông tư mới có hiệu lực từ 1/7/2024, người vận chuyển có tổng số tiền thanh toán các khoản sử dụng dịch vụ ghi trên hóa đơn hàng tháng của dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay, điều hành bay đi, đến sẽ được hưởng các mức ưu đãi tương ứng với từng mức giá dịch vụ ghi trên hóa đơn thanh toán.

Cụ thể, với các dịch vụ cung cấp cho chuyến bay quốc tế, giá dịch vụ ghi trên hóa đơn thanh toán trên 125.000 USD đến dưới 250.000 USD sẽ được hưởng ưu đãi 1,5%; từ 250.000 USD đến dưới 750.000 USD được hưởng mức giảm 2,5%; từ 750.000 USD đến dưới 1,5 triệu USD được hưởng mức giảm 3,5% và từ 1,5 triệu USD trở lên sẽ có mức giảm là 5%.

Đối với các dịch vụ cung cấp cho chuyến bay nội địa, các mức ưu đãi cũng tương tự và tương ứng với giá dịch vụ ghi trên hóa đơn thanh toán trên 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng; từ 10 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng; từ 15 tỷ đồng đến dưới 30 tỷ đồng và từ 30 tỷ đồng trở lên.

Thông tư mới cũng nêu rõ, với hoạt động bay đào tạo, huấn luyện phi công (không kết hợp khai thác thương mại) tại Việt Nam, sẽ không thu tiền sử dụng dịch vụ điều hành bay đi, đến và cất cánh, hạ cánh tàu bay trong 36 tháng đầu kể từ ngày cơ sở đào tạo thực hiện chuyến bay đào tạo, huấn luyện phi công (không kết hợp khai thác thương mại) đầu tiên.

Ngoài ra, với hãng hàng không Việt Nam lần đầu tham gia khai thác thị trường vận chuyển hàng không, sẽ được áp dụng mức giá bằng 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và dịch vụ điều hành bay đi, đến do Bộ GTVT định mức giá. Thời hạn áp dụng trong 36 tháng kể từ ngày bắt đầu khai thác.

Đối với hãng hàng không khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ đi, đến Việt Nam tại thời điểm không có hãng nào khai thác thường lệ trong khoảng thời gian ít nhất 12 tháng, sẽ được áp dụng ưu đãi tại từng cảng hàng không cụ thể.

Theo đó, tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng sẽ áp dụng mức giá bằng 90% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và dịch vụ điều hành bay đi, đến do Bộ GTVT định mức giá. Thời hạn áp dụng 12 tháng kể từ ngày bắt đầu khai thác.

Tại các cảng hàng không khác sẽ áp dụng mức giá bằng 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và dịch vụ điều hành bay đi, đến do Bộ GTVT định mức giá với thời hạn áp dụng là 24 tháng kể từ ngày bắt đầu khai thác.

Liên quan tới việc định giá các dịch vụ, Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm thẩm định phương án giá, báo cáo Bộ GTVT ban hành văn bản định giá.

Trong đó, dịch vụ hàng không được định giá cụ thể gồm dịch vụ: cất cánh, hạ cánh tàu bay; điều hành bay đi, đến; phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay; đảm bảo an ninh hàng không; điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.

Các dịch vụ hàng không được định khung giá gồm dịch vụ: cho thuê sân đậu tàu bay; cho thuê quầy làm thủ tục hành khách; cho thuê băng chuyền hành lý; cho thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay; phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất trọn gói tại các cảng hàng không, sân bay (với các cảng hàng không còn áp dụng phương thức trọn gói); phân loại tự động hành lý đi; tra nạp xăng dầu hàng không; sử dụng hạ tầng hệ thống tra nạp ngầm cung cấp nhiên liệu tại cảng hàng không, sân bay.

Cũng theo quy định mới, việc nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay sẽ bao gồm các dịch vụ nhượng quyền: nhà ga hành khách; nhà ga, kho hàng hóa; phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không; kỹ thuật hàng không; cung cấp suất ăn hàng không; cung cấp xăng dầu hàng không.

Thông tư cũng phân loại, dịch vụ phi hàng không được định khung giá gồm dịch vụ: cho thuê mặt bằng tại nhà ga hành khách; cho thuê mặt bằng tại nhà ga hàng hóa; Dịch vụ cơ bản thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay gồm dịch vụ cung cấp đồ ăn, đồ uống là hàng hóa nội địa.

Riêng dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa hạng phổ thông cơ bản bán trong lãnh thổ Việt Nam được định giá tối đa.

Các tổ chức, cá nhân kinh doanh các dịch vụ có trách nhiệm lập phương án giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về phương án giá do mình lập.

Việc lập, thẩm định hồ sơ phương án giá, ban hành văn bản định giá hoặc điều chỉnh giá thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.

Đọc thêm